TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc giai đoạn từ tháng 4-5/2024 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2 độ C, có nơi cao hơn; trong tháng 6, nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 0,5-1,5 độ C. Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Nhiệt độ cao kéo dài ở khu vực phía Nam, nắng nóng gay gắt ngay đầu mùa hè ở khu vực phía Bắc đã khiến tình trạng bệnh nhân nhập viện tăng nhanh. Ghi nhận cho thấy, thời gian qua tại TPHCM và khu vực Nam Bộ số người đến khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện liên tục tăng. Các bệnh lý thường gặp trong mùa nắng nóng là viêm đường hô hấp, tiêu hóa, say nắng, bỏng da, viêm da cơ địa.
BSCKII Trương Anh Vũ - Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Thống Nhất) cho biết, hàng năm khi thời tiết thay đổi hoặc vào mùa nắng nóng gay gắt, người cao tuổi thường đến khám bệnh đông hơn. Tính từ đầu mùa nóng đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng khoảng 20% so với trước đó. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 2.200 - 2.500 lượt bệnh nhân. Số bệnh nhân đến khám chủ yếu là nhóm bệnh lý liên quan đến hô hấp, tai mũi họng, tim mạch.
Bên cạnh đó, bệnh nhân nhồi máu cơ tim, đột quỵ não cũng tăng. Theo TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TPHCM), từ đầu tháng 2/2024 đến nay, bệnh viện ghi nhận số ca mắc các bệnh da liễu liên quan đến thời tiết nắng nóng như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã nhờn, mẩn ngứa, mề đay… tăng 30% so với thời điểm trước đó. Bệnh nhân khám ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn.
Tương tự, nắng nóng tại khu vực miền Trung những ngày qua cũng khiến lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao. Theo thống kê của Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, dịp nắng nóng đầu mùa, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.000 bệnh nhi đến khám bệnh. Trong đó, có khoảng 1/3 (28%) trẻ em đến khám phải nhập viện điều trị. Trẻ nhập viện chủ yếu do mắc một số bệnh thường gặp vào dịp nắng nóng như sốt virus, cúm, tay chân miệng, thủy đậu, sởi, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy…
Ghi nhận tại khu vực phía Bắc, số ca đột quỵ nhập viện Bệnh viện Bạch Mai tăng cao những ngày qua, đặc biệt có không ít ca bệnh là người trẻ. Cùng với đó, tại Bệnh viện Da liễu trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa Đống Đa… số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh và nhập viện do nguyên nhân thời tiết nắng nóng cũng tăng mạnh so với thời điểm trước đó.
Một trong những tác động nguy hiểm khác do thời tiết nắng nóng gây ra là tình trạng say nắng, sốc nhiệt. BS Ngô Thị Mai Phương - Phòng khám Nhi - Tiêm ngừa (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) phân tích, những người đi ngoài trời nắng ở nền nhiệt độ cao dễ rơi vào tình trạng sốc nhiệt, dân gian hay gọi là say nắng với biểu hiện nhức đầu, hoa mắt, buồn nôn. Đây là tình trạng thân nhiệt của bệnh nhân tăng lên do quá trình tạo nhiệt của cơ thể bất thường dưới tác động của thời tiết. Tình trạng tăng thân nhiệt sẽ làm cho tế bào bị mất nước dẫn tới thể tích tuần hoàn giảm, kéo theo tụt huyết áp. Biểu hiện hoa mắt, chóng mặt là do tế bào thần kinh không được cung cấp đủ máu nuôi. Nếu tình trạng trên kéo dài, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng sốc nhiệt với biểu hiện vật vã, co giật, hôn mê nguy hiểm đến tính mạng.
BS Hà Chí Trung - Khoa Cấp cứu (Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức) khuyến cáo, để phòng ngừa sốc nhiệt, người dân cần hạn chế ra ngoài vào lúc nắng nóng cao điểm, thời gian nắng nóng trong ngày thường từ 10h-16h. Nếu bắt buộc đi ra đường phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo khẩu trang... Bên cạnh đó, cần bổ sung đồ uống giàu chất điện giải, những loại đồ uống giúp giữ mát cơ thể và cung cấp điện giải tự nhiên, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nhiều nước nên bổ sung nước chanh, nước trái cây. Ngoài ra, nắng nóng gay gắt có thể làm da bị cháy nắng, phồng rộp và có thể bị ung thư da. Do đó, trước khi ra ngoài, nên bôi kem chống nắng để bảo vệ da khỏi các nguy cơ tiềm ẩn này. Khi có triệu chứng nghi ngờ sốc nhiệt cần di chuyển vào bóng râm; ngồi nghỉ và nới lỏng quần áo; uống nước từng ngụm; sử dụng túi chườm lạnh để làm mát cơ thể. Gọi dịch vụ cấp cứu 115 hoặc số điện thoại cấp cứu của bệnh viện gần nhất để được nhân viên y tế hỗ trợ.
PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột qụy (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ tử vong, khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt….) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.