Đánh giá, xếp loại cán bộ đảng viên hàng năm có nơi còn chưa đúng thực chất
Hiện các cơ quan, đơn vị đang triển khai kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân cuối năm. Kết quả đánh giá này là một kênh thông tin quan trọng giúp các cấp ủy tiếp tục đánh giá, qui hoạch và sử dụng cán bộ.
Tuy nhiên, trong thực tế, công việc này đang còn nhiều bất cập. Kết quả đánh giá xếp loại tổ chức đảng, đảng viên một số nơi chưa thực chất. Làm gì để thay đổi, nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại Đảng viên và tổ chức Đảng hàng năm là vấn đề cần được đặt ra lúc này.
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với một số tổ chức đảng, đảng viên. Đáng nói là trong số này, trước đó đều được đánh giá là hoàn thành, thậm chí là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngay trong chính nhiệm kì phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Trong số này có Đảng ủy Cục thuế TP Hồ Chí Minh và 2 cá nhân nguyên là lãnh đạo đơn vị này. Lý do là trong nhiệm kì 2015 - 2020, Đảng ủy Cục thuế TP Hồ Chí Minh đã thiếu kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với các chi bộ, đảng viên. Trước đó, 18 cán bộ, lãnh đạo cục thuế TP Hồ Chí Minh bị truy tố vì để doanh nghiệp chiếm đoạt tiền hoàn thuế gây thất thoát 365 tỷ đồng.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã xem xét thi hành kỉ luật 4 tổ chức Đảng, 103 đảng viên. Nội dung vi phạm chủ yếu là thiếu trách nhiệm, buông lỏng sự lãnh đạo, quản lí, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, về công tác cán bộ. Nhiều cán bộ bị kỉ luật đều giữ chức vụ quan trọng. Thực tế này cho thấy, đánh giá, xếp loại cán bộ đảng viên hàng năm, đặc biệt là đánh giá xếp loại đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn còn chưa đúng thực chất. Đây vẫn là một tồn tại hiện nay.
Thừa nhận đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm là công việc khó. Để đánh giá, xếp loại sát thực tế, thực chất không thể chỉ dựa vào tính tự giác của người được đánh giá. Tại quận Bình Thạnh, ngoài việc đánh giá cán bộ tại nơi công tác, quá trình đánh giá còn dựa trên các mối quan hệ giữa cán bộ với cấp ủy nơi cư trú, bà con nhân dân. Thế nhưng vẫn khó tránh khỏi trường hợp bị bỏ lọt.
Gắn trách nhiệm của cá nhân với tập thể và ngược lại
Không thể phủ nhận, những năm qua, việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên cuối năm được các cấp ủy, đảng viên thực hiện với nhiều đổi mới đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị, đặc biệt, khắc phục được các hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Nhưng vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên còn chưa nhận thức đầy đủ và thờ ơ về mục đích, ý nghĩa của công việc này. Từ đó dẫn đến chuẩn bị kiểm điểm tập thể, cá nhân ở một số nơi chưa tốt, quá trình kiểm điểm chưa sâu, chưa thẳng thắn, thậm chí còn hình thức.
Đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm là công việc khó.
Không ít đảng viên copy lại kiểm điểm của năm cũ, "bê nguyên" cả ưu, khuyết điểm, làm theo kiểu đối phó cho xong. Nhiều nơi chỉ tập trung kiểm điểm chuyên môn, ít chú trọng kiểm điểm về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa. Trong khi không ít cơ quan cấp trên lại thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thậm chí, thiếu gương mẫu trong nhận xét, đánh giá dẫn đến không phát hiện và ngăn ngừa được sai phạm từ sớm:
Mới đây, đánh giá 5 năm thực hiện kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ hàng năm theo Quy định 132 năm 2018 về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Bộ Chính trị đã thống nhất, thực hiện quy định này tuy đạt được kết quả nhất định, nhưng tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu.
Để khắc phục những hạn chế trong kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành quy định 124 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ với nhiều nội dung được điều chỉnh, bổ sung so với quy định cũ.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản mới về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Quy định này chia nội dung kiểm điểm cụ thể với 2 đối tượng là cá nhân không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Ngoài việc phải thực hiện kiểm điểm ở 2 nơi là chi bộ nơi sinh hoạt và tập thể lãnh đạo, quản lý nơi làm việc, với cá nhân là người đứng đầu, cùng với nội dung kiểm điểm cá nhân để xác định trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ, còn phải kiểm điểm rõ nhiều nội dung như:
+ Khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
+ Sự gương mẫu của vợ, chồng, con trong chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú.
+ Kết quả lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách.
+ Tính năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách.
Quy định 124 cũng sửa đổi, bổ sung về khung tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên. Ngoài các tiêu chí đánh giá, xếp loại chung về tư tưởng, đạo đức, lối sống; các tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong năm (lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể); năng lực, uy tín; trách nhiệm nêu gương, sự gương mẫu của bản thân và người có quan hệ gia đình; giữ mối liên hệ mật thiết, gắn bó với quần chúng nhân dân cũng được đề cao.
Tại hội nghị quán triệt quy định này mới đây, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu, quá trình kiểm điểm phân loại phải hướng tới kết quả cụ thể; bắt buộc phải gắn trách nhiệm của cá nhân với tập thể và ngược lại.
Với cấp ủy cấp trên trực tiếp phải kiểm tra, giám sát kết quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại của cấp ủy cấp dưới để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.