Một số cơ chế đối thoại đa phương tiêu biểu

Những biến động về tình hình thế giới và khu vực đã thúc đẩy nhu cầu thiết lập và duy trì thường xuyên các cơ chế đối thoại đa phương quy mô lớn...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị an ninh Munich lần thứ 60 diễn ra từ ngày 16-18/2 tại Munich, Đức.

Hội nghị an ninh Munich

Hội nghị an ninh Munich (MSC) là diễn đàn an ninh hàng đầu thế giới thảo luận về chính sách an ninh quốc tế, được tổ chức thường niên tại Munich, Đức từ năm 1963.

Đây là nơi các đại biểu tham dự đưa ra các đề xuất ngoại giao chính thức và không chính thức, giúp giải quyết các vấn đề an ninh cấp bách nhất của thế giới.

MSC đầu tiên được tổ chức năm 1963 giữa các nhà lãnh đạo Đức và các nước thành viên NATO trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh - được gọi là “cuộc gặp gia đình xuyên Đại Tây Dương”.

Hàng năm, MSC tập hợp hơn 450 đại biểu có tầm ảnh hưởng, các nhà hoạch định chính sách cấp cao và các nhà tư tưởng lớn trên khắp thế giới. Thành phần tham dự MSC mỗi năm đều rất đa dạng, bao gồm một số nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng, lãnh đạo quân sự, tình báo, các nhà ngoại giao hàng đầu, các nhân vật tiêu biểu đến từ các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, đại diện cấp cao của các ngành công nghiệp, giới truyền thông, các cơ quan nghiên cứu, tham mưu.

Mục tiêu của MSC là xây dựng lòng tin, góp phần giải quyết hòa bình các xung đột quân sự thông qua duy trì đối thoại liên tục, có chọn lọc.

MSC không chỉ mở ra không gian đối thoại chuyên sâu với cường độ cao trong ba ngày mà còn tạo điều kiện cho quan chức cấp cao của các nước gặp mặt không chính thức bên lề Hội nghị. Ngoài Hội nghị thường niên chính tại Munich, MSC còn thường xuyên tổ chức các sự kiện tầm cỡ thảo luận về các chủ đề/khu vực cụ thể; và xuất bản Báo cáo an ninh Munich cũng như các báo cáo tóm tắt, số liệu, bản đồ và công trình nghiên cứu về các thách thức an ninh quốc tế quan trọng.

Mặc dù có nguồn gốc châu Âu và xuyên Đại Tây Dương nhưng MSC hiện đang tiến hành các hoạt động đa dạng về địa lý và tiếp cận đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới. MSC cũng chú ý đưa vào chương trình thảo luận những thách thức an ninh phù hợp, cấp bách nhất với toàn thế giới trên nhiều lĩnh vực an ninh từ quân sự đến kinh tế, môi trường, con người.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Ngoại trưởng các nước ASEAN và các nước Đối tác đối thoại tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 30, tại Jakarta, tháng 7/2023.

Diễn đàn khu vực ASEAN

Được tổ chức từ năm 1994 tại Bangkok (Thái Lan), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) là một cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đóng vai trò là diễn đàn quan trọng cho các bên đối thoại về các vấn đề an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương. Tại Diễn đàn, các đại biểu thảo luận về các vấn đề an ninh hiện hành, cùng xây dựng các biện pháp hợp tác để tăng cường đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực.

Đại biểu tham dự ARF đến từ 27 nước, gồm 10 nước thành viên ASEAN và 10 Đối tác đối thoại là Australia, Canada, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ; một nước quan sát viên là Papua New Guinea cùng các nước là đối tác đối thoại không đầy đủ là Triều Tiên, Mông Cổ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka và Timor Leste. Diễn đàn do nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN chủ trì.

ARF hoạt động theo nguyên tắc đối thoại thẳng thắn và đưa ra quyết định trên cơ sở đồng thuận, không can thiệp và tiến từng bước.

Mục tiêu của ARF bao gồm thúc đẩy đối thoại và tham vấn mang tính xây dựng về các vấn đề chính trị, an ninh mà các bên cùng quan tâm và có lợi ích chung; và có đóng góp đáng kể cho việc xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong hai thập kỷ qua, ARF đã gặt hái được nhiều thành tựu, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và hợp tác trong khu vực thông qua kiến tạo thói quen đối thoại, tham vấn giữa các bên về các vấn đề chính trị và an ninh.

Nhìn chung, ARF đóng vai trò là diễn đàn tư vấn, thúc đẩy đối thoại cởi mở, minh bạch về hợp tác chính trị, an ninh trong khu vực, từ đó giúp xây dựng lòng tin và phát triển mạng lưới kết nối quan chức an ninh của các quốc gia.

Đối thoại Shang-ri La

Đối thoại Shang-ri La (SLD), hay còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, được tổ chức thường niên tại Singapore từ năm 2002.

Đây là cơ chế đối thoại về quốc phòng hàng đầu ở châu Á, do cơ quan tham mưu độc lập là Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở chính ở London, Anh tổ chức. SLD ra đời trong bối cảnh các nước châu Á - Thái Bình Dương có nhu cầu ngồi lại với nhau trong một diễn đàn để đối thoại, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác thực tế về an ninh.

SLD tập hợp các nhà hoạch định chính sách, các bộ trưởng và quan chức quốc phòng cấp cao ở khắp châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông, cũng như có sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp, các chuyên gia, học giả về an ninh, đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới báo chí.

Hàng năm, Đối thoại thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực cấp bách nhất và các bên cùng chia sẻ về các phản ứng chính sách của nhau.

Chương trình của SLD gồm các phiên toàn thể do các quan chức cấp bộ trưởng chủ trì (thảo luận mở), các phiên thảo luận nhóm nhỏ (thảo luận kín), một bài phát biểu dẫn đề do quan chức cấp cao của một nước trình bày và các bài phát biểu khác, cùng các cuộc gặp song phương - đa phương bên lề Đối thoại. SLD không yêu cầu cần thông qua tuyên bố chung hay đạt được đồng thuận khi kết thúc Đối thoại. Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, SLD có vai trò lớn trong thúc đẩy ngoại giao quốc phòng giữa các bên tham gia.

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh

Tên ban đầu là Diễn đàn Hương Sơn, được Hiệp hội Khoa học quân sự Trung Quốc (CAMS) khởi xướng vào năm 2006 như một diễn đàn học giả kênh 2 cho đối thoại về các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Diễn đàn được phát triển thành kênh 1,5 tại Diễn đàn lần thứ năm tổ chức vào năm 2014. Kể từ đó, Diễn đàn bắt đầu có sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà lãnh đạo quốc phòng và quân sự các nước, người đứng đầu các tổ chức quốc tế, các cựu chính khách và các tướng lĩnh quân đội đã nghỉ hưu, cũng như các học giả nổi tiếng trong và ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Từ năm 2015, Diễn đàn Hương Sơn do CAMS và Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Trung Quốc (CIISS) đồng tổ chức, đổi tên thành Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh vào năm 2018.

Đến nay, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh phát triển thành một diễn đàn an ninh và quốc phòng cấp cao ở châu Á - Thái Bình Dương và ngày càng khẳng định là diễn đàn an ninh quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 diễn ra từ ngày 29-31/10/2023 tại thủ đô Bắc Kinh có sự tham gia của hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế, hơn 1.800 đại biểu tham dự, gồm lãnh đạo Bộ Quốc phòng, quân đội và chuyên gia học giả các nước. Đây là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức trực tiếp kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2019.

Đối thoại Raisina

Đối thoại Raisina là diễn đàn đa phương chủ lực của Ấn Độ, thảo luận về các vấn đề chính sách đối ngoại, địa chính trị và địa chiến lược. Đối thoại được tổ chức thường niên tại thủ đô New Delhi kể từ năm 2016. Cơ chế này được Bộ Ngoại giao Ấn Độ phối hợp với Quỹ Nghiên cứu quan sát viên (ORF) - một cơ quan tham mưu độc lập hàng đầu tại Ấn Độ đồng tổ chức, với sự hỗ trợ của các viện nghiên cứu, tổ chức và cá nhân khác.

Mục tiêu của Đối thoại Raisina là kết nối các chủ thể trên toàn cầu với châu Á và kết nối châu Á với thế giới. Đối thoại này ra đời ngay sau khi Thủ tướng Narenda Modi nhậm chức với nội dung chính trong chính sách đối ngoại của ông là tăng cường ảnh hưởng và can dự ngoại giao của Ấn Độ trên thế giới.

Đối thoại Raisina có thành phần tham dự đa dạng, gồm các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng, các quan chức chính quyền địa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp, các nhà tư tưởng lớn khối tư nhân, giới truyền thông, các chuyên gia, học giả và đại diện các tổ chức phi chính phủ.

Hàng năm, các đại biểu tham dự Đối thoại cùng thảo luận về tình hình thế giới và các cơ hội hợp tác trong nhiều vấn đề an ninh đương đại.

Các cuộc thảo luận của Đối thoại Raisina có tính chất liên ngành, nhiều bên liên quan.

Theo Thế giới và Việt Nam

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kuwait thành lập chính phủ mới

Kuwait thành lập chính phủ mới

Theo hãng thông tấn chính thức KUNA, ngày 12/5, Quốc vương Kuwait Sheikh Meshaal Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah đã ban hành sắc lệnh, trong đó thông báo về việc thành lập nội các mới do Thủ tướng mới được chỉ định, Sheikh Ahmad Abdullah Al-Ahmad Al-Sabah, đứng đầu.

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức

Tối 10/5 (giờ địa phương), tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Mỹ rút viện trợ vũ khí cho Israel

Mỹ rút viện trợ vũ khí cho Israel

Ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã rút lại một chuyến hàng viện trợ vũ khí ngắn hạn cho Israel trước "quan ngại sâu sắc" về khả năng Israel tiến hành hoạt động quân sự quy mô lớn ở Rafah sẽ gây ra tổn thất đáng kể về sinh mạng dân thường.

Truyền thông quốc tế đưa tin đậm nét lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Truyền thông quốc tế đưa tin đậm nét lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), nhiều hãng tin quốc tế đã đưa tin đậm nét về sự kiện này, nhấn mạnh rằng trận Điện Biên Phủ lịch sử được coi là một trong những trận đánh vĩ đại của thế kỷ XX. Sự thất bại của Pháp đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneva vào năm 1954.

fb yt zl tw