Phòng, chống dịch Covid-19:

Mỗi gia đình là một “lô cốt”

LCĐT - Trong điều kiện hiện nay, mỗi gia đình như một “lô cốt” phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh phòng, chống dịch từ các gia đình cũng chính là khuyến khích của ngành y tế nhằm tạo “lá chắn thép” miễn dịch cộng đồng. 

Để thành viên gia đình khỏe mạnh

Đón con trai đi học từ trường mẫu giáo về, khi con vừa xuống khỏi xe, chị Nguyễn Thị Hoa (phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai) không quên nhắc con: Khi vào nhà, việc đầu tiên cần làm là rửa tay con nhé!

Bé Nguyễn Nhật Minh, con trai chị rất thuần thục việc rửa tay với 6 bước, điều mà cháu đã làm nhiều lần ở trường học, ở nhà những ngày trước đây.
Chị Hoa tâm sự rằng, các thành viên trong gia đình đều chung quan điểm là không chủ quan với dịch bệnh, thực hiện chặt chẽ việc đã đi ra ngoài là đeo khẩu trang, khi trở về nhà phải vệ sinh tay - chân, rửa mặt, súc miệng. “Gia đình tôi vẫn hạn chế đi ăn tiệm, mà nấu ăn ở nhà, ít cho con đi chơi ở các khu vui chơi tập trung đông người. Tôi cũng thường xuyên bổ sung cho các con chất dinh dưỡng và uống thực phẩm chức năng để tăng cường sức đề kháng”, chị Hoa chia sẻ.

Cha mẹ cần tạo cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách để phòng dịch Covid-19.
Cha mẹ cần tạo cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách để phòng dịch Covid-19.

Việc làm của gia đình chị Hoa cũng là thói quen của nhiều gia đình khác. Sự nguy hiểm của dịch Covid-19 cũng như các cách phòng, chống dịch bệnh được tuyên truyền thường xuyên qua các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp người dân nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm túc để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Ông Phạm Văn Chiến, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với các gia đình không kinh doanh dịch vụ cần thực hiện các bước phòng dịch Covid-19 như thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch ngay sau khi về nhà, sau khi ho hoặc hắt hơi, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn… Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, súc miệng, súc họng bằng nước muối, giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn chín, uống chín, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng là thói quen tốt và càng có ý nghĩa hơn trong thời kỳ nguy cơ bệnh dịch xảy ra.

Ông Chiến cũng cho rằng các gia đình cần thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch Covid-19 như hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang đúng cách, hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện ho hoặc sốt, không tụ tập đông người tại nhà. Hằng ngày cần vệ sinh nhà ở như lau nền nhà, lau bề mặt vật dụng, đảm bảo thông thoáng không khí trong nhà sẽ hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh, kể cả những bệnh thông thường.

Hiện nay, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi phát sinh các bệnh dịch mùa hè như sốt phát ban, tay - chân - miệng, quai bị, viêm màng não, viêm não Nhật Bản, bệnh sởi, bệnh dại. Đặc biệt, đối với gia đình có người già, người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc bệnh mãn tính, có trẻ em thuộc đối tượng có sức đề kháng yếu thì nên hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết và tăng cường chất dinh dưỡng, luyện tập thể dục để nâng cao thể trạng, sức đề kháng. Khuyến cáo của chuyên gia y tế là các gia đình khi có người mang biểu hiện bệnh cần gọi điện đến các cơ sở y tế để khai báo và được tư vấn, đồng thời cập nhật tình hình sức khỏe qua ứng dụng NCOVI để góp phần hỗ trợ cơ quan y tế kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Kinh doanh “sạch cô vy”

Nhà hàng “Tùng bò quán” trên đường Hồng Hà (thành phố Lào Cai) khai trương ít ngày sau khi có quyết định các quán ăn, nhà hàng được kinh doanh trở lại. Các ngày trong tuần, đặc biệt là thứ Bảy và Chủ nhật, nhà hàng rất đông khách đến thưởng thức các món như phở bò, lẩu bò… Chị Đỗ Thị Thúy Quỳnh, chủ nhà hàng cho biết: Vợ chồng tôi định tổ chức khai trương vào tháng 2/2020 nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp rồi tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nên lùi thời gian mở quán. Hiện nay, chúng tôi vẫn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch như chuẩn bị nước rửa tay khô ở quầy thu ngân, khu vực rửa tay có xà phòng cho khách hàng, đảm bảo các bước vệ sinh an toàn thực phẩm, nhân viên lau dọn bàn ăn và ghế ngồi khi mỗi lượt khách rời đi.

Việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của các cơ sở kinh doanh mà còn góp phần củng cố uy tín, niềm tin đối với khách hàng. Bởi vậy, các gia đình có kinh doanh, cung cấp dịch vụ cần làm đúng hướng dẫn mới về phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 như: Ký cam kết với chính quyền địa phương về việc thực hiện đúng các quy định khuyến cáo về phòng, chống dịch Covid-19, khu vực ẩm thực phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát; người chế biến thức ăn, đồ uống phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang, găng tay, lưu mẫu thức ăn theo quy định…

Tại các địa phương cũng sẽ triển khai đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại gia đình để nếu gia đình nào xếp loại có nguy cơ lây nhiễm cần rà soát, khắc phục ngay. Bà Phạm Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Bệnh Covid-19 đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh nên việc phòng bệnh là rất quan trọng. Biện pháp vệ sinh cá nhân, phát hiện và cách ly sớm, giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nghi ngờ, phòng, chống lây truyền tại cộng đồng và vệ sinh môi trường cho đến nay vẫn là cách làm hiệu quả nhất để tránh sự lây lan bệnh dịch ra cộng đồng. Bởi vậy, việc nâng cao ý thức phòng dịch trong chính các gia đình luôn quyết định đến việc duy trì kết quả không có thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng trong cả nước trong khoảng 2 tháng qua.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hơn 100 đại biểu được tập huấn nâng cao năng lực thông tin về ứng phó sự cố, thiên tai

Hơn 100 đại biểu được tập huấn nâng cao năng lực thông tin về ứng phó sự cố, thiên tai

Ngày 22/11, tại thành phố Lào Cai, Cục Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên hệ thống thông tin cơ sở.

Hàng không Việt Nam tăng thêm hơn 650.000 chỗ Tết Ất Tỵ 2025

Hàng không Việt Nam tăng thêm hơn 650.000 chỗ Tết Ất Tỵ 2025

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO sẽ cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa Việt Nam trong giai đoạn từ 13/1/2025 đến 12/2/2025 (tức 15 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Nâng cao năng lực số cho tuyến y tế cơ sở

Nâng cao năng lực số cho tuyến y tế cơ sở

Sáng nay (21/11), Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức lễ khởi động dự án: ''Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam''.

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu giảng dạy. Trong đó, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà phải sáng tạo trong tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học.

fbytzltw