Miền đất tươi xanh

Cách đấy ít tháng, cái nắng nóng vẫn còn gắt gỏng. Cái hơi nóng hầm hập của miền đất Lào Cai như muốn thiêu đốt cỏ cây. Nhưng mặc nắng, mặc nóng, miền đất Quang Kim vẫn một màu tươi xanh như thách thức với khí hậu khắc nghiệt. Chúng tôi phóng xe trên con đường cán nhựa phẳng lỳ về Bát Xát. Trong niềm vui hứng khởi vì nhiều nỗi nhưng có lẽ niềm vui nổi trội hơn cả là về với xã Quang Kim xem khí thế của người dân nơi đây trong xây dựng nông thôn mới. Sự háo hức cứ rộn lên, hai bên tai vang vọng như tiếng reo vui: Quang Kim - Miền đất tươi xanh.

Miền đất tươi xanh ảnh 1

Người dân Quang Kim chung tay xây dựng nông thôn mới.

Quang Kim thuộc vùng thấp của huyện Bát Xát, có đường biên giới giáp với Trung Quốc, cách thành phố Lào Cai không xa, hạ tầng phát triển, gần Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành, là điểm đầu của con đường xuyên Á đoạn qua Việt Nam. Có thể coi Quang Kim như một vùng ngoại ô của thành phố Lào Cai. Xét về tổng thể địa lý tự nhiên cũng như nhiều yếu tố khác đã là tiền đề thuận lợi để Quang Kim bứt phá phát triển kinh tế - xã hội trở thành xã đi đầu của tỉnh thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Quang Kim còn một yếu tố thuận lợi nữa, đây cũng là yếu tố quyết định cho sự phát triển, đó là yếu tố con người. Một xã có bề dày truyền thống cách mạng trong chiến đấu bảo vệ quê hương cũng như trong xây dựng, sản xuất. Nhân dân đoàn kết, cần cù chịu khó, sáng tạo, tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Năm 2007, xã đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Và nay, chính quyền và nhân dân Quang kim đang phấn đấu đưa mô hình nông thôn mới về đích trước năm 2013, cũng là bước phấn đấu đề nghị Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2014.

Quang Kim có diện tích tự nhiên trên 3.000 ha, trong đó gần 2.000 ha đất nông nghiệp. Toàn xã có 1.259 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu, được trải trên 18 thôn, bản. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Quang Kim cũng gặp không ít khó khăn do địa bàn rộng, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, kéo theo một số tập tục lạc hậu lâu đời. Để vượt qua khó khăn, những năm qua, cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân Quang Kim đã thực hiện nhiều giải pháp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Người Kinh, người Giáy, người Dao… đoàn kết cùng nhau chung sức, chung lòng thi đua phát triển kinh tế, làm giàu bằng năng lực, trí tuệ của mình, làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương. 

Được chọn làm mô hình điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015, đến nay Quang Kim đã hoàn thành được 15/19 tiêu chí, các tiêu chí đạt được đều duy trì ở độ bền vững. Những ngày này đến Quang Kim, tôi càng cảm nhận rõ về kết quả đạt được của các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là tiêu chí hạ tầng giao thông nông thôn. Toàn xã có 111,7 km đường giao thông, trong đó đường liên xã 14,4 km đã hoàn thiện và tiếp tục nâng cấp; 97,3 km đường liên thôn, liên gia, nội đồng đã hoàn thành cứng hóa 100%, tổng kinh phí đầu tư hơn 13 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ gần 4,6 tỷ đồng, còn lại là do nhân dân đóng góp. Càng tiếp xúc, tôi càng nhận thấy rằng người dân Quang Kim bây giời nhận thức và tính toán nhậy bén hơn. Họ tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất rất nhanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với cơ chế thị trường. Chẳng vậy mà năng suất cây trồng, vật nuôi của Quang Kim luôn đạt cao. Đơn cử như giống lúa đặc sản Séng Cù vụ đông xuân 2012 đạt 6,5 tấn/ha, vượt hẳn về năng suất và chất lượng thương phẩm so với những vụ trước. Không chỉ có lúa, ngô, rau, củ quả mà Quang Kim còn phát triển rất mạnh nghề nuôi thủy sản với diện tích 49,5 ha nuôi cá, tôm, ba ba, ếch giống mới. Hằng năm cung cấp ra thị trường một lượng lớn sản phẩm, đem về nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân trong xã. Bằng kinh nghiệm truyền thống, Quang Kim còn phát triển mạnh nghề chăn nuôi lợn nái cung cấp giống cho cả vùng.

Về Quang Kim, tôi như bị ngợp trong màu xanh tươi non của những vườn rau màu, của rừng mỡ, đồi tre măng bát độ, của chuối cao sản công nghệ ghép mô... Trên những sườn đồi, màu xanh của ngô, sắn cứ trải dài tít tắp. Tất cả được sắp đặt ngay ngắn, khéo léo như một bức tranh qua bàn tay tài hoa của nông dân. Bằng những cách làm cụ thể, tập trung phát triển đúng hướng, đời sống của người dân đã từng bước cải thiện đáng kể. Số hộ dân thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm chiếm hơn 50%, Quang Kim là một trong số ít những địa phương cấp xã của tỉnh hộ nghèo chiếm dưới 5%, theo kế hoạch Quang Kim sẽ hết hộ nghèo trong năm nay. Điều đó càng cho tôi thấy sự quyết tâm đồng lòng của chính quyền và người dân Quang Kim trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Thuận lợi nhiều là vậy, song phía trước những khó khăn mà Quang Kim phải thực hiện trong năm 2012 cũng không hề nhẹ gánh. Đó là 4 tiêu chí còn lại: Nhà ở dân cư, chợ nông thôn, cơ cấu lao động và môi trường. Ông Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đã tính toán rất cụ thể, tiêu chí nào có thể làm trước, tiêu chí nào làm sau, tiêu chí nào cần phải có sự can thiệp hỗ trợ giúp đỡ của cấp trên để nhanh chóng hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng... Trong câu chuyện với Phó Chủ tịch UBND xã, tôi cảm thấy băn khoăn: Một trong những tiêu chí được đánh giá khó khăn của Quang Kim đó là cơ cấu lao động, xét trên thực tế, lao động nông nghiệp phải giảm xuống 45% - 55%, trong khi tỷ lệ lao động nông nghiệp của xã hiện nay còn rất cao, chiếm 80,4%. Trong khi đó các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương chưa phát triển mạnh, trình độ dân trí còn chưa đồng đều nên việc tiếp cận khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Như biết được những nghĩ suy của tôi, ông Ngọc liền khẳng định quan điểm cũng như quyết tâm của Quang Kim khi đưa ra các giải pháp thực hiện các tiêu chí. Nhìn dáng người cán bộ xã nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nói năng khúc triết, tôi đã củng cố được niềm tin và trút bỏ những hoài nghi. Được biết, xã đã liên kết với Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên Lào Cai để chuyển giao kỹ thuật xây dựng  mô hình và trồng các loại nấm, như nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ cho người dân tại thôn An Quang và Tả Trang; hướng dẫn, đào tạo nghề nhằm vào đối tượng trẻ tuổi. Một hướng nữa là xã đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, kết quả đã có 2 doanh nghiệp đầu tư đi vào hoạt động, thu hút trên 40 lao động địa phương. Rồi các doanh nghiệp liên kết trồng cao su, trong năm tới sẽ chuyển một số lực lượng lao động nông nghiệp thành công nhân chăm sóc cao su; khuyến khích các hộ phát triển các nghề thủ công, chế biến nông, lâm sản… Bài toán chuyển đổi cơ cấu lao động được xã tính toán, trước mắt đã có lời giải, còn hiệu quả và tính bền vững thì cần phải có thời gian thẩm định, nhưng những bước đi trên là việc làm thiết thực, ý nghĩa, nhằm tạo thêm ngành nghề mới cho nông dân. Bởi đa dạng hóa ngành nghề là một trong những yếu tố quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động một cách bền vững.

Chúng tôi rời trụ sở UBND xã đến một vài thôn để tận mắt chứng kiến những đổi thay nơi đây. Cùng đi có ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã. CCB Hùng cho biết các đoàn thể, tổ chức xã hội của xã được phân công phụ trách vận động theo dõi từng tiêu chí của từng địa bàn. Ngay như Hội CCB cũng được giao theo dõi, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường ở 4 thôn. Tôi hỏi: Hội CCB đã tuyên truyền, vận động về xây dựng nông thôn mới được đến đâu? Ông Hùng bộc bạch: “Người dân trong xã rất nhiệt tình hưởng ứng, đến nay đã có 7/18 thôn có xe thu gom rác thải, 11 thôn có điểm gom rác thải theo quy định, mỗi tháng toàn dân có hai buổi tổng vệ sinh thôn xóm, mỗi gia đình một người tham gia…”. Ông còn phấn khởi cho biết thêm, người dân Quang Kim không ngừng thi đua lao động sản xuất giỏi để làm giàu cho gia đình và xã hội. Tiêu biểu như các hộ: Trần Quốc Huy, thôn Kim Thành 2, với mô hình kinh tế trang trại mỗi năm thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng; Vi Cao Phà, thôn Làng Quang; Vàng Văn Tàn, thôn Làng Hang; Nguyễn Hữu Nhật, Phan Văn Giàng, thôn An Quang... Rồi tấm gương biết đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu của anh Hòa A Dì, dân tộc Giáy, đã hiến hơn 1.500 m² đất làm công trình công cộng... Không thể kể hết những tấm gương vì cộng đồng của Quang Kim, chỉ biết rằng các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn luôn được người dân tích cực hưởng ứng và những điển hình luôn được tăng theo cấp số nhân.

Tạm biệt Quang Kim sau một ngày rong ruổi nơi miền đất tươi xanh, có đi mới thấy và ngẫm về sự đổi thay đời sống của người dân khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới là hoàn toàn đúng hướng, hợp lòng dân. Mặc dù con đường xây dựng nông thôn mới còn nhiều gập ghềnh, khúc khuỷu, song Quang Kim đang đổi thay diện mạo một vùng quê. Tin tưởng rằng, Quang Kim sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đã đề ra, đó là đích đến, là mục tiêu mà nhân dân Quang Kim đoàn kết thực hiện.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cải thiện năng lực của các hợp tác xã nông nghiệp

Cải thiện năng lực của các hợp tác xã nông nghiệp

Hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tập trung vào việc tổ chức và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đồng thời đáp ứng được nhu cầu kinh tế, xã hội của thành viên. Tuy nhiên, để các HTX nông nghiệp phát huy sức mạnh dẫn dắt kinh tế nông thôn, yêu cầu về đổi mới tư duy, kiến thức, chính sách… được xem là đòn bẩy giúp tăng nguồn lực nội tại cho HTX.

Giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp góp phần xóa đói, giảm nghèo

Giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp góp phần xóa đói, giảm nghèo

Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được thực hiện từ năm 2001 đến nay. Chính sách này hiện đang được Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài đến hết năm 2030 nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả mang lại.

Kịch bản tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp: Nhà đầu tư tích cực, tỉnh kịp thời

Kịch bản tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp: Nhà đầu tư tích cực, tỉnh kịp thời

Năm 2024, tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh đạt 1,74%. Đầu năm 2025, ngành đề ra mục tiêu phấn đấu mức tăng trưởng đạt 4,2%. Tuy nhiên, theo Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 24/2/2025 của UBND tỉnh về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, tỉnh Lào Cai giao mức tăng trưởng nông - lâm - thủy sản đạt từ 4,5 đến 5%.

[Infographic] Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn

[Infographic] Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn

Ngày 7/6/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 484/QĐ-TTg về tổ chức tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025. Theo đó, tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 sẽ tiến hành trên phạm vi cả nước vào ngày 1/7/2025.

Thôn Thái Bo nằm ven sông Hồng. Thôn có 196 hộ dân thì 80% trồng rau. Diện tích rau của thôn là hơn 7 ha.

[Ảnh] Bình yên làng rau Thái Bo

Thôn Thái Bo, xã Thống Nhất là một trong những vựa rau lớn nhất của thành phố Lào Cai. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trồng rau, người dân nơi đây đã vun trồng nên vùng rau rộng lớn, cung cấp rau xanh cho khu vực thành phố và các vùng lân cận. Vùng rau xanh ngát tạo nên vẻ đẹp trù phú, yên bình bên cạnh đô thị nhộn nhịp, đông vui.

33 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp vướng mắc

33 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp vướng mắc

Toàn tỉnh có 33/58 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang hoạt động nhưng gặp khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ, tháo gỡ. Đó là thông tin của Sở Nông nghiệp và Môi trường tại Hội nghị về giải quyết những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc khi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp được tổ chức vào chiều 16/4.

Bảo Thắng: Hỗ trợ trồng 600 ha rừng gỗ lớn

Bảo Thắng: Hỗ trợ trồng 600 ha rừng gỗ lớn

Trong 2 năm (2024 – 2025), huyện Bảo Thắng thực hiện trồng 600 ha rừng gỗ lớn theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư, sử dụng nguồn vốn trồng rừng thay thế do các chủ dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nộp vào Quỹ Bảo vệ rừng và Môi trường tỉnh.

Trồng sâm trên đỉnh mây ngàn

Trồng sâm trên đỉnh mây ngàn

Pa Cheo (Bát Xát) là một trong những xã khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Thời gian gần đây, với khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu, một số hộ người Mông ở Pa Cheo đã mạnh dạn thử nghiệm trồng dược liệu quý như sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh, tam thất hoang, thất diệp nhất chi hoa để nâng cao thu nhập. Xã Pa Cheo đã thoát khỏi "3 không", đang bước vào ngày mới đầy hy vọng.

Ngát xanh vùng chè Phẳng Tao

Ngát xanh vùng chè Phẳng Tao

"Phẳng Tao" theo tiếng Nùng nghĩa là vùng đồi núi bằng phẳng. Nơi đây là địa danh khởi xướng phong trào trồng chè của xã Bản Sen nói riêng, huyện Mường Khương nói chung cách đây hơn 20 năm. Đến nay, Phẳng Tao là vùng chè rộng lớn nhất của Bản Sen đồng thời cũng là một trong những thôn có diện tích và sản lượng chè cao nhất Mường Khương. Nhưng ít ai biết rằng, để xây dựng được vùng chè rộng lớn như ngày hôm nay có công sức, mồ hôi của biết bao đảng viên gương mẫu.

fb yt zl tw