Với nhiều người, laptop cũ chỉ là một món đồ đã qua sử dụng. Tuy nhiên, đối với nhiều em sinh viên vùng cao, chiếc laptop cũ vẫn là một mơ ước lớn và có thể giúp tương lai các em tươi sáng hơn.
Nhận thấy những khó khăn của sinh viên trong quá trình học ĐH khi thiếu các thiết bị công nghệ. Đặc biệt đối với sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) có hoàn cảnh khó khăn, việc sở hữu một chiếc máy tính là gần như không thể. Hiểu được những nỗi lo đó, dự án “Được học - Đỡ đầu laptop cho sinh viên dân tộc” đã ra đời tháng 10/2022.
Là một trong những dự án nằm trong hệ sinh thái Nuôi em, dự án “Được học - đỡ đầu Laptop cũ cho sinh viên dân tộc" đã được nhóm các bạn trẻ tình nguyện viên, sinh viên dân tộc thiểu số thực hiện. Dự án ra đời với mong muốn có thể giúp đỡ thật nhiều các bạn sinh viên dân tộc đang học tập tại các trường ĐH có điều kiện học tập tốt hơn, từ đó tạo dựng tương lai tươi sáng hơn cho bản thân.
Dự án hoạt động theo mô hình khá đặc biệt, gọi là mô hình 1:1:1. Tức là một người tặng laptop, một người đỡ đầu tiền sửa chữa nâng cấp laptop xuyên suốt thời gian học, một em học sinh dân tộc được nhận laptop và cả 3 người này đều sẽ biết rõ thông tin của nhau.
Anh Doãn Ngọc Hiếu cho biết, trung tâm sẽ hỗ trợ các bạn sinh viên trong suốt quá trình học từ việc cài đặt phần mềm, sửa chữa miễn phí.
Để có thể vận hành mô hình này hiệu quả, các thành viên của dự án phải tiến hành kết nối, phối hợp với các đội sinh viên tình nguyện, hội đồng hương các tỉnh tại các trường ĐH để tìm kiếm những bạn sinh viên đang cần máy tính, hoặc tiếp nhận thông tin từ các bức thư mà chính các bạn sinh viên tự gửi đến dự án.
Sau đó, sẽ kiểm chứng thông tin, kêu gọi người quyên góp máy tính cũ và người đỡ đầu hỗ trợ các bạn sinh viên sửa máy tính trong quá trình sử dụng bị hỏng, bằng cách đăng tải những bài viết trên trang facebook của nhóm, có đề cập chi tiết hoàn cảnh khó khăn của bạn sinh viên đó. Mỗi một chiếc máy tính mà dự án nhận được, trước khi gửi đến tay các bạn sinh viên, đều sẽ được tiến hành kiểm tra, sửa chữa và nâng cấp phù hợp với môi trường học tập và làm việc của các bạn.
Hạng A Kha - sinh viên Học viện Quân Y đến từ Sapa, Lào Cai nở nụ cười hạnh phúc và biết ơn khi nhận chiếc laptop. Sinh ra trong gia đình có 4 người con, chị cả là nạn nhân của tục kéo vợ, 3 anh chị em Kha may mắn được đi học nhưng đều chọn những chương trình miễn phí để đỡ đần cho bố mẹ. Mỗi ngày, Kha phải dậy sớm đi bộ hàng cây số từ đơn vị đến điểm bắt xe bus rồi đi 13km mới tới trường, buổi tối lại về ăn ngủ và trực tại cơ quan. Dù vất vả, Kha chưa từng nghỉ buổi học nào với ước mơ chữa bệnh, cứu người luôn đau đáu.
Đối với sinh viên ngành Y, học thông qua sách vở chưa bao giờ là đủ. Do đó, Kha rất khó khăn khi tiếp cận bài giảng trên website và làm bài tập hay nghiên cứu thêm sau giờ lên lớp. Chính vì vậy, Kha luôn tha thiết mong mỏi có cho mình một chiếc laptop để con đường tương lai bớt gập ghềnh… Chiếc laptop không chỉ là khao khát của riêng Kha mà còn gánh trên vai ước mơ của cả gia đình, bởi anh trai của Kha dù học ngành công nghệ thông tin nhưng vẫn chưa có máy tính cá nhân.
Đối với Hà Thị Na, chiếc laptop lần này giống như một cơ hội để mở cho em một cánh cửa để nhìn ra thế giới. Na ở vùng núi đặc biệt khó khăn thuộc huyện Con Cuông - Nghệ An, mẹ thường xuyên đau ốm nên mọi gánh nặng đều dồn hết lên người bố - một cựu chiến binh. Khi nhập học, Na mang theo cả gia tài của gia đình: 2 triệu đồng. Thời gian đầu thực sự khiến cô sinh viên mới chật vật, sau giờ học, em làm thêm để trang trải đủ bữa ăn hàng ngày. Nhưng sau một năm học em vẫn chưa tích đủ tiền để mua laptop phục vụ các công việc học tập cơ bản: Học, tra cứu tài liệu, làm bài thuyết trình… Chiếc laptop mới như cho em một tiền đề cực kì lớn để em thực hiện khát vọng dành học bổng du học và tiếp lửa cho những em học sinh vùng khó khăn như em.
Khác với các bạn, sau khi học hết cấp 3, Lương Thị Háo (Dân tộc Nùng - ĐH Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội) dành 1 năm đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình và dành dụm tiền đi học ĐH. Sau thời gian làm việc trong công xưởng, cô bé nhỏ nhắn dành thời gian ôn thi và đỗ vào Trường Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội. Em vừa là niềm tự hào to lớn, vừa là nỗi lo của bố mẹ. Em vẫn đi làm để duy trì việc học và chiếc laptop lần này như một phần thưởng lớn với sự nỗ lực tuyệt vời của Háo suốt thời gian qua.
Tính đến đầu tháng 8/2023, dự án đã kết nối thành công và trao tặng gần 90 laptop cho các bạn sinh viên tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hiện đang mở rộng phạm vi ra Nghệ An và Thái Nguyên. Bên cạnh đó, số lượng mạnh thường quân ngỏ ý tặng máy cũng lên tới gần 200 người.
Theo anh Doãn Ngọc Hiếu - Quản lý Trung tâm Hiếu Computer, các đơn vị laptop khác nhận laptop từ người tặng, kiểm tra và sửa chữa, hoàn thiện máy để trao tới tay sinh viên nhận. Hiếu Computer cũng tặng thêm balo laptop và cam kết sửa chữa, hỗ trợ phần mềm 24/7 miễn phí cho sinh viên trong suốt quá trình học.
Anh Hiếu cũng từng là một thủ lĩnh tình nguyện, vợ anh cũng từng là một tình nguyện viên hoạt động năng nổ trong một tổ chức hoạt động xã hội. Chính vì thế, Hiếu nhanh chóng nhận thấy sự nhiệt thành và ý nghĩa trong dự án "Được học", hỗ trợ laptop cho các sinh viên. Việc Hiếu tham gia đỡ đầu chi phí thay thế linh kiện để trao tặng máy tính vì thế cũng được gia đình ủng hộ.
Doãn Ngọc Hiếu chia sẻ: “Mỗi đợt tặng máy Trung tâm lại biết được thêm các bạn với các hoàn cảnh khác nhau. Nhưng các bạn đều có điểm chung là tinh thần ham học hỏi và nỗ lực vươn lên nghịch cảnh. Chúng tôi chỉ góp phần cùng các mạnh thường quân hỗ trợ để các bạn có đường đi dễ dàng hơn. Hi vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều laptop hơn để giúp đỡ các bạn sinh viên dân tộc”.
Ngoài laptop cũ, "Được học" còn kêu gọi các khóa học miễn phí (Khóa học Tiếng Anh, giao tiếp, tin học văn phòng, kỹ năng mềm...) cho sinh viên dân tộc thiểu số đã nhận máy để bổ trợ thêm kỹ năng, kiến thức cũng như tăng hiệu quả trong quá trình sử dụng máy.
Thông qua những việc làm này, có một thông điệp ý nghĩa nữa mà dự án muốn lan tỏa, đó chính là việc giảm thiểu chất thải điện tử ra môi trường. Bởi hiện nay, rác thải công nghệ đang là vấn đề của xã hội. Tuy nhiên, với những chiếc laptop cũ, nó có thể là "rác" với người này nhưng có thể lại là tương lai, là cơ hội với người khác.