Để đến được lớp học đặc biệt, chúng tôi phải đi qua đường dốc ngoằn ngoèo, dựng đứng dài hàng chục cây số. Dọc đường, tại các điểm sạt lở, đất đồi đổ xuống lẫn với đá tảng lổn nhổn. Nhiều đoạn, xe máy của thầy giáo Bùi Duy Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Bản Cái (Bắc Hà) tưởng chừng như bị “chết đứng” giữa dốc, mọi người phải dừng lại cùng nhau đẩy. Vừa thở dốc, thầy Thịnh vừa bảo: "Là nam giới còn thấy vất vả như thế này, nên tôi thường xuyên động viên các cô giáo vững tâm. Tất cả vì học sinh thân yêu…".
Khoảng 30 phút, chúng tôi cũng qua được con dốc “độc đạo” để đến thôn Ma Sín Chải, xã Bản Cái. Vừa đặt chân đến, tiếng trẻ em ca hát vang vọng cả núi rừng khiến chúng tôi quên hết mọi mệt mỏi trên chặng đường vừa qua.
Thầy Thịnh cho biết: Thôn Ma Sín Chải có 13 học sinh độ tuổi từ 2 đến 5, học tại điểm trường Cô Tông Bản Vàng cách đây 7 km. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mưa kéo dài, núi lở khắp nơi khiến đường đến trường của các em nhỏ không còn an toàn nữa. Nhà trường đành phải mượn tạm 1 nhà dân trong thôn để tổ chức lớp học tạm thời và “cắt cử” cô giáo Hoàng Thu Hiền và cô giáo Lồ Thị Chư phụ trách giảng dạy tại đây.
Bế trên tay em nhỏ 2 tuổi đang khóc theo mẹ, cô Hiền kể: Lớp học là căn nhà gỗ đã cũ với vách nứa hở thông thống, xập xệ, sàn nhà bằng đất nên những ngày đầu chính quyền xã hỗ trợ bạt để trải cho các con. Cứ trời mưa là dột hết gần nửa căn phòng, cô trò phải dồn vào một góc mới có thể tiếp tục học. Gần đây, lớp được hỗ trợ thêm tấm ngủ và chăn cho học sinh nên cũng đỡ lo ẩm thấp và gió lạnh.
Mưa vùng cao dai dẳng, núi vẫn chực chờ ập xuống, vậy mà từ khi mưa bão đi qua, lớp học chưa bao giờ "đóng cửa". Hằng ngày, cô Hiền và cô Chư phải đi quãng đường 30 km để đến lớp. Đường đèo dốc, vách núi dựng trên đỉnh đầu đầy vết sạt lở. Hành trang mang theo là ba lô quần áo, thực phẩm, chút bánh kẹo để “dụ” học sinh đến lớp. "Người dân bản địa dặn khi đi phải để ý, thấy đá bắt đầu lăn là dấu hiệu lở núi, phải chạy ngay. Nói thế thôi chứ mấy chục cây số đèo dốc, làm sao đề phòng được. Mới đầu đi xe máy vào ngã lên ngã xuống, giờ đi mãi rồi thành quen. Nhiều vất vả nhưng bù lại học sinh rất ngoan, lại ham học, thấy cô giáo đến là tất cả tự động lên lớp” - cô Hiền kể.
Bữa trưa của những đứa trẻ cũng rất khó khăn. Tuần 2 lần, phụ huynh phải xuống điểm trường Cô Tông Bản Vàng lấy thực phẩm về cho các cô chế biến. Trời mưa không đi được thì có gì ăn nấy, cô trò “đùm bọc” lẫn nhau. “Học sinh 2 tuổi, 3 tuổi còn bỡ ngỡ, quấy khóc triền miên, cô giáo phải bế cả ngày trên tay. Có lúc thấy mệt nhưng nghĩ đến các em hằng ngày ngóng chờ cô giáo lên là lại có động lực để đi tiếp” - cô Chư tâm sự.
Do ảnh hưởng của mưa lũ, người dân mất nhà, mất ruộng nên điều kiện kinh tế đã khó lại khó hơn. Cảm nhận được tình cảm của các cô với con trẻ, ai nấy đều đồng lòng. Những hôm mưa to, 2 cô giáo phải ngủ lại lớp học. Người dân mang cá khô, rau rừng và mì tôm cho các cô ăn qua bữa. Chị Lồ Thị Bê, thôn Ma Sín Chải chia sẻ: "Người dân nghèo nên chỉ có mớ rau, quả trứng ủng hộ cô trò. Có các cô trông nom nên chúng tôi yên tâm đi làm, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này".
“13 năm làm nghề, đây là những tháng ngày đáng nhớ nhất và khó khăn nhất mà tôi trải qua. Giờ chỉ mong sớm có điểm trường mới an toàn cho các con được học đúng độ tuổi” - cô Hiền trải lòng.
Chia tay cô trò khi trời chiều đã dần tắt nắng, Bản Cái lại bắt đầu mưa. Phía sau lưng, tiếng cô trò ê a đọc thơ vang lên văng vẳng rồi dần lẫn vào vào tiếng mưa rả rích nơi lưng chừng núi…