Theo quan điểm của ông Griffiths, nếu cộng đồng quốc tế không hành động khẩn cấp thì khủng hoảng có nguy cơ trở thành một thảm họa nhấn chìm toàn bộ đất nước Sudan và sau đó là khu vực. Quan chức Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ người dân Sudan và đó là điều cần thiết không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn ở trong quá khứ và cả tương lai.
Phát biểu tại cuộc họp cấp cao về Sudan bên lề cuộc tranh luận chung thường niên của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, ông Griffiths lưu ý rằng “một trong những thách thức nghiêm trọng nhất khi giao tranh phe phái tiếp diễn ở Sudan đó là làm thế nào để tiếp cận được những người có nhu cầu hỗ trợ”.
Ông Griffiths cho biết cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng qua ở quốc gia Bắc Phi đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người, làm bị thương thêm 12.000 người. Bất ổn cũng khiến hơn 5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có hơn 1 triệu người buộc phải chạy tị nạn sang các nước láng giềng.
Đáng lo ngại là trong bối cảnh hiện nay, hệ thống y tế ở Sudan đã hoàn toàn sụp đổ, với gần 80% dịch vụ y tế không hoạt động và hơn 6 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở mức độ khẩn cấp. Số liệu thống kê cũng cho thấy, khoảng 1.200 trẻ em Sudan phải bỏ mạng vì suy dinh dưỡng và các bệnh có thể phòng ngừa được, chẳng hạn như bệnh sởi. Bên cạnh đó là nạn bạo lực tình dục đang diễn ra nghiêm trọng và ngày một lan rộng đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Sudan.
Nói về cuộc xung đột chưa có hồi kết giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo cho rằng, hiện không có bên nào đang tới gần chiến thắng. Trong khi đó, cả quân đội Sudan và RSF vẫn bị cuốn vào các cuộc giao tranh tàn khốc và chính người dân Sudan phải trả giá đắt cho tình trạng “bạo lực vô nghĩa này”.
Bên cạnh đó, bà DiCarlo bày tỏ quan ngại về tình trạng các bên xung đột vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế ở Sudan. Dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm các cơ sở y tế, nơi thờ cúng, hệ thống điện và nước, đã bị nhắm mục tiêu, hư hại và phá hủy trong các cuộc giao tranh.
“Đã có những thông tin gây sốc về nạn hiếp dâm và bạo lực tình dục trên diện rộng… Chúng ta phải tìm kiếm trách nhiệm giải trình cho những tội ác này, cũng như hỗ trợ y tế và tâm lý xã hội cho những người sống sót” - bà DiCarlo nói.
Đồng quan điểm, Griffiths lưu ý rằng, người dân Sudan đã phải trả giá đắt một cách tàn nhẫn cho cuộc xung đột kéo dài 5 tháng qua. Trong tình huống đó, cộng đồng quốc tế cần tăng quy mô và tốc độ ứng phó để đáp ứng những nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ngày càng tăng ở Sudan.
Theo ông Griffiths, kể từ khi xung đột bắt đầu ở Sudan, Liên hợp quốc và các đối tác đã tiếp cận được 3,5 triệu người cần hỗ trợ. Tuy nhiên, đây chỉ là con số khiêm tốn và chiếm khoảng 19% trong số 18 triệu người là mục tiêu cần được hỗ trợ và bảo vệ nhân đạo. Trong khi đó, kế hoạch ứng phó nhân đạo cho Sudan đang huy động nguồn tài trợ 2,6 tỷ USD, song mới chỉ được đáp ứng 31% nhu cầu này.