Đây là số liệu thống kê do ông Farhan Haq, Phó Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, đưa ra ngày 9/5 về tình hình bất ổn ở Sudan, sau khi các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ và Lực lượng hỗ trợ giao tranh (RSF) bùng phát từ ngày 15/4.
Ông Farhan Haq cho biết, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã báo cáo về 700.000 người vô gia cư được ghi nhận tính tới ngày 9/5, so với 340.000 trường hợp thống kê được vào một tuần trước. Tất cả những người này đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do bất ổn an ninh kéo dài tại Sudan trong những ngày qua.
Trước khi giao tranh nổ ra, 3,7 triệu người đã phải di tản trong nước ở Sudan, chủ yếu ở khu vực phía Tây Darfur.
Theo tính toán từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), tổ chức này cần gần 13.000 tấn lương thực để cung cấp cho khoảng 384.000 người đang sống trong tỉnh cảnh chật vật do thiếu thốn nhu yếu phẩm trên khắp các bang Gedaref, Gezira, Kassala và White Nile của Sudan.
WFP cho biết hiện họ có khoảng 8.000 tấn lương thực đang lưu tại thành phố cảng Port Sudan để phân phát cho những người có nhu cầu. Ngoài ra, sẽ có thêm hai tàu cập cảng tại Port Sudan trong vòng vài ngày tới, mang theo thực phẩm và nguồn cung cấp của WFP để hỗ trợ điều trị những người suy dinh dưỡng cấp tính vừa phải ở Sudan.
Sudan: Lệnh ngừng bắn phát huy hiệu lực, tình hình nhân đạo vẫn khó khăn
Từ tuần trước, WFP đã khởi động lại việc phân phối thực phẩm cho người dân Sudan. Cho tới nay, tổ chức này đã tiếp cận hơn 35.500 người trên khắp Gedaref và Kassala, trong khi việc phân phối thực phẩm đang được tiến hành ở White Nile. Tuy nhiên, bất ổn an ninh đang tác động nghiêm trọng tới các hoạt động cứu trợ nhân đạo cho người dân Sudan.
Phát biểu từ trụ sở chính của WFP ở Rome (Italy), cán bộ truyền thông của WFP Isheeta Sumra lưu ý: “Tại thời điểm này, chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào, thậm chí không thể xác nhận mức độ cướp bóc ở văn phòng Khartoum, nhưng xin nhắc lại rằng thực phẩm, phương tiện, nhiên liệu, tài sản đã bị cướp bóc từ WFP nhằm phản ứng hỗ trợ cho người dân Sudan. Và điều này gây tổn hại trực tiếp đến người dân Sudan”.
Đồng quan điểm trên, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tarik Jašarević cho biết, những cuộc tấn công ở Sudan bao gồm cả các hành vi cướp bóc, cản trở việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tấn công bạo lực sử dụng vũ khí và cưỡng bức chiếm đóng các cơ sở. “Thật không may, việc cướp bóc đang ảnh hưởng đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Và đây là điều làm suy yếu nghiêm trọng khả năng tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân Sudan” – ông Jašarević bày tỏ.
WHO cho biết 604 người đã thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương kể từ khi bạo lực nổ vào trung tuần tháng 4/2023 giữa các phe vũ trang đối địch tại Sudan. Tuy nhiên, Liên hợp quốc đã nhiều lần nói rằng các con số được đưa ra có thể thấp hơn thực tế./.