Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2024 tại Hà Nội: Cầu nối gắn kết các nền văn hóa

Với chủ đề “Gastronomy of unity - Ẩm thực kết nối”, Liên hoan Ẩm thực quốc tế (International Food Festival) 2024 diễn ra từ ngày 7/12 đến 8/12 tại Khu Ngoại giao Đoàn (298 Kim Mã, Hà Nội) sẽ mang đến “bản giao hưởng” ẩm thực đa sắc, góp phần giới thiệu, quảng bá những nét tinh hoa của ẩm thực Việt Nam và thế giới, đồng thời thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia.

2.jpg
Tại Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 sẽ có gian hàng giới thiệu trà và các đặc sản vùng cao các tỉnh phía Bắc.

Trải qua 11 năm tổ chức, Liên hoan Ẩm thực quốc tế tại Hà Nội đã trở thành điểm hẹn văn hóa hằng năm của những người yêu ẩm thực, không chỉ giúp tôn vinh những hương vị tinh túy mà còn góp phần thúc đẩy ngoại giao văn hóa, tạo cầu nối gắn kết các nền văn hóa qua những món ăn. Liên hoan năm nay do Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn phối hợp Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ Thông tin và Báo chí, Báo Thế giới và Việt Nam cùng một số cơ quan của Bộ Ngoại giao tổ chức. Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Liên hoan Hoàng Thái Hà (Chủ tịch Công đoàn Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn), đây là sự kiện giao lưu quốc tế đã khẳng định được thương hiệu qua nhiều mùa, Liên hoan Ẩm thực Quốc tế nhận được sự hưởng ứng, tham gia ngày càng đông đảo của các đại sứ quán, trung tâm văn hóa nước ngoài, Sở Ngoại vụ đại diện các tỉnh, thành phố cùng nhiều doanh nghiệp.

Đây cũng là dịp để giới thiệu về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thương hiệu, các sản phẩm, hoạt động kinh doanh ẩm thực... “Bên cạnh làm nổi bật sự phong phú, đa dạng của ẩm thực toàn cầu, Liên hoan muốn khẳng định ẩm thực như một “ngôn ngữ chung”, nơi con người từ những nền văn hóa khác biệt có thể tìm thấy sự đồng điệu. Qua từng món ăn, chúng ta không chỉ chia sẻ sự tinh túy trong hương vị ẩm thực mà còn lan tỏa những câu chuyện về lịch sử, giá trị truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc”, ông Hoàng Thái Hà nhấn mạnh.

Thay vì gói gọn trong một ngày như những năm trước, Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 có sự mở rộng về cả thời lượng và không gian hoạt động. Diễn ra trong hai ngày, Liên hoan không đơn thuần dừng lại ở giới thiệu những món ăn đặc sắc của Việt Nam và quốc tế mà còn mang đến hành trình trải nghiệm ẩm thực đặc biệt với hơn 70 gian hàng của khoảng 60 quốc gia.

Tại đây, cùng với tìm hiểu, thưởng thức hương vị ẩm thực gắn liền văn hóa các quốc gia, người tham dự còn được chiêm ngưỡng những màn thể hiện các món ăn công phu từ đầu bếp chuyên nghiệp, trong đó, không thể thiếu những món ăn nổi tiếng trên bản đồ ẩm thực Việt Nam như: phở, nem, các loại xôi, bánh…, bên cạnh đó là những món ăn đặc trưng của ba miền bắc, trung, nam. Nghệ nhân ẩm thực Lê Thị Thiết, thành viên ban tổ chức cho biết, một điểm mới tại Liên hoan năm nay là ngoài trình diễn, giới thiệu món ăn, ban tổ chức cũng sẽ giới thiệu về các loại gia vị của Việt Nam để du khách, nhất là khách quốc tế có thể hiểu sâu hơn về sự kết hợp của chúng với các loại thực phẩm, góp phần làm nên bản sắc văn hóa ẩm thực Việt.

“Lần này, một trong những món ăn sẽ được chúng tôi đưa đến Liên hoan là các loại bánh mì ba miền. Cùng là bánh mì, nhưng mỗi miền có cách chế biến nhân riêng, cách sử dụng gia vị riêng. Thông qua chiếc bánh mì, chúng tôi muốn du khách cảm nhận được sắc mầu ẩm thực vùng miền đa dạng của nước ta”, nghệ nhân Lê Thị Thiết chia sẻ. Trong khuôn khổ Liên hoan, còn diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như: Lễ hội bia, trải nghiệm ẩm thực “Bếp năm châu”, Passport ẩm thực, ẩm thực trên một đĩa…

Với nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách tổ chức hoạt động, cùng sự đồng hành của các đơn vị như Masan Consumer, Habeco, nhãn hàng nước tinh khiết Bluezone, Vietinbank, Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 kỳ vọng sẽ đón khoảng 50.000 lượt khách tới tham quan, trải nghiệm.

Đánh giá về việc tổ chức sự kiện, ông Lã Quốc Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam khẳng định, ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nét đặc sắc của điểm đến cũng như dấu ấn trong hành trình trải nghiệm du lịch của du khách. Việc lan tỏa những giá trị ẩm thực Việt Nam thông qua những lễ hội, liên hoan sẽ góp phần quảng bá và định vị thương hiệu ẩm thực Việt, giúp mời gọi du khách trong nước và quốc tế tìm đến các vùng miền trên dải đất hình chữ S để khám phá và thưởng thức…

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Đi cùng Mây” - đi cùng yêu thương

“Đi cùng Mây” - đi cùng yêu thương

Không bắt đầu bằng hành trình check-in hay cà phê sáng sang chảnh, chuyến đi của nhóm bạn trẻ “đi cùng Mây” khởi đầu bằng… một nồi phở nghi ngút khói giữa vùng cao Bắc Hà. Trong căn bếp mộc mạc ở thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình, những bạn trẻ tự tay nấu từng bát phở nóng để trao tặng các em nhỏ - những đứa trẻ chưa quen với mùi vị của một bữa sáng đủ đầy.

Sống chậm giữa phố biển

Sống chậm giữa phố biển

Đến Nha Trang (Khánh Hòa), đừng chỉ lướt trên bề mặt phố biển, choáng ngợp trước ánh đèn rực rỡ của khách sạn cao tầng dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng. Sau những giờ đắm mình trong biển xanh, thỏa sức vui chơi ở VinWonders, bay bổng cùng dù lượn, hãy dành thời gian len lỏi những con phố, hay đến với những vùng quê ở ngoại thành Nha Trang để cảm nhận nhịp sống nhẹ nhàng của phố biển. Vẫn còn có một Nha Trang rất khác, chờ đợi bạn khám phá.

Tài nguyên văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tài nguyên văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tỉnh Yên Bái xác định "du lịch văn hóa" là sản phẩm đặc trưng, phát triển theo hướng lấy bản sắc văn hóa làm cảm xúc chủ đạo, nhân dân làm chủ thể, trải nghiệm du khách làm trung tâm. Do đó, thời gian qua, các cấp chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân trong phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn di sản, hướng tới “biến di sản thành tài sản”, “biến tài nguyên văn hóa, thiên nhiên thành tài nguyên du lịch”.

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Theo thông tin từ Công ty lữ hành Hana Tour – hãng du lịch lớn nhất Hàn Quốc – lượng đặt tour trọn gói đến Sa Pa (Lào Cai) trong nửa đầu năm 2025 đã tăng tới 333% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 1/2025, lượng khách Hàn đặt tour đến điểm đến vùng cao này tăng vọt 1.138%, đánh dấu mức tăng trưởng kỷ lục. 

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Là căn cứ địa cách mạng, Thái Nguyên có nhiều “địa chỉ đỏ” lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Trong đó, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.

Ba lô, máy ảnh và hành trình xuôi ngược sông Hồng

Ba lô, máy ảnh và hành trình xuôi ngược sông Hồng

“Không phải lúc nào người ta cũng có cơ hội để xuôi ngược theo một dòng sông. Nhưng nếu được, hãy đi một lần. Vì đó không chỉ là hành trình về địa lý, với nhà báo đây còn là cơ hội để mình được dấn thân và thể hiện đam mê với nghề” - đó là những dòng tôi viết trong cuốn sổ nhỏ mang theo khi bắt đầu hành trình ngược xuôi theo dòng sông Mẹ.

fb yt zl tw