
Trong nhiều năm, các tổ hợp lừa đảo mọc như nấm ở Đông Nam Á, đặc biệt là tại các khu vực biên giới của Campuchia, Lào và Myanmar, cũng như ở Philippines. Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), chúng còn chuyển hoạt động từ địa điểm này sang địa điểm khác để lẩn tránh sự truy bắt của cảnh sát.
Gần đây hơn, các trung tâm lừa đảo với chiêu thức đánh bẫy nạn nhân thông qua lãng mạn giả tạo, mời chào đầu tư và cờ bạc bất hợp pháp… đã được ghi nhận ở cả địa điểm xa xôi như châu Phi và Mỹ Latinh.
Theo báo cáo do Văn phòng Liên hợp quốc về phòng chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) công bố, các băng đảng tội phạm châu Á đang mở rộng hoạt động sâu hơn vào những khu vực khác
Tại châu Phi, Nigeria đã trở thành điểm nóng, trong đó các cuộc đột kích của cảnh sát vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 dẫn đến nhiều vụ bắt giữ, bao gồm cả công dân từ các nước Đông Á và Đông Nam Á bị nghi ngờ lừa đảo.
Zambia cùng Angola cũng đã tiến hành triệt phá hoạt động gian lận mạng có liên quan đến châu Á. Tại Mỹ Latinh, báo cáo của UNODC nhấn mạnh: "Đáng chú ý là Brazil đã nổi lên như một quốc gia phải đối mặt với một loạt thách thức ngày càng tăng liên quan đến lừa đảo trên môi trường mạng, cờ bạc trực tuyến và rửa tiền, với một số mối liên hệ với các nhóm tội phạm hoạt động ở Đông Nam Á".
Báo cáo cũng lưu ý rằng vào cuối năm 2023 tại Peru, hơn 40 công dân Malaysia đã được giải cứu sau khi bị một băng đảng ép thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng.
Đáng báo động là ngay cả khi các nhóm tội phạm do người châu Á cầm đầu đã mở rộng phạm vi hoạt động về mặt địa lý, thì sự tham gia của các nhóm tội phạm từ các nơi khác trên thế giới cũng dần gia tăng.