Ban tổ chức cho biết, có 30 hoạt động tôn giáo, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao trong lễ hội, gồm lễ khai mạc, lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa, lễ tế xuân cầu quốc thái dân an… Ngoài ra, các hoạt động trong phần hội có thi đua thuyền truyền thống trên sông Cổ Cò kèm tái diễn hoạt cảnh lịch sử; trực họa về lễ hội Quán Thế Âm; viết cảm nhận về các tác phẩm của thư viện Vạn Hạnh; chạy bộ Olympic Vì hòa bình, trò chơi dân gian khác…
Hòa thượng Thích Từ Nghiêm - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP. Đà Nẵng nhận định, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn ngày nay đã trở thành sinh hoạt văn hóa, tâm linh không chỉ dành cho tăng ni, phật tử mà còn là điểm đến đối với những người không phải là phật tử, thu hút đông đảo người dân tham dự, là nơi giao lưu văn hóa Phật giáo giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực.
Theo đó, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội còn có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các đoàn quốc tế như: Nhật Bản, Thái Lan; hát bài chòi; các góc trà thư kết hợp biểu diễn âm nhạc dân tộc; triển lãm ảnh, hội họa, thư pháp; hội hoa đăng, lửa trại; không gian ẩm thực chay...
Sở VH-TT TP. Đà Nẵng thông tin, năm nay, lễ hội được kéo dài lên đến 4 ngày (nhiều hơn 1 ngày so với những kỳ trước), hôm nay 29/3 cũng là kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng TP. Đà Nẵng.
Được biết, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn cấp quốc gia. Lễ hội này được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2021.