Là tỉnh miền núi, biên giới với nhiều khó khăn, nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, gắn liền các giải pháp giúp nhân dân các dân tộc chuyển đổi tư duy sản xuất, tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh, bảo đảm thoát nghèo nhanh, bền vững.
Mở đường giao thông nông thôn ở huyện miền núi biên giới Si Ma Cai. |
Thực tiễn Lào Cai là bài học kinh nghiệm quý của các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đưa nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống.
Những mô hình từ miền biên ải
Si Ma Cai là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Do đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi đá, khí hậu khắc nghiệt, là vùng biên giới giao thông khó khăn; một bộ phận nhân dân nhận thức còn hạn chế, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tư duy sản xuất lạc hậu nên đời sống bà con phần lớn vất vả. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện trước năm 2015 lên tới hơn 57%, là huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai.
Với mục tiêu nâng cao đời sống bà con vùng núi cao, ngay trước nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 11-11-2014 về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020. Nhiều lãnh đạo của huyện, xã nhìn nhận, đây là cú huých quan trọng, thúc đẩy Si Ma Cai bứt phá, vươn lên giảm nghèo, từng bước theo kịp với mặt bằng chung của tỉnh. Năm 2015, gia đình anh Lùng Chin Bảy, bản Mế 2, xã Bản Mế, được chính quyền cho "mượn" một cặp bò sinh sản và hướng dẫn cách làm chuồng, trồng cỏ chăn nuôi.
Do chăm sóc đúng kỹ thuật, qua 5 năm, gia đình anh đã có đàn bò thịt 11 con, gia đình anh giờ trở thành hộ làm ăn khá giả với thu nhập 50 triệu đồng/năm. Theo đồng chí Nguyễn Văn Minh, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai, dự án "Ngân hàng bò" là một trong những mô hình giúp nhân dân xóa nghèo theo tinh thần Nghị quyết số 22 của Tỉnh ủy. Thay trợ cấp lương thực bằng cho "mượn" công cụ sản xuất đã giúp nhiều bà con trong huyện thoát nghèo.
Cũng từ cụ thể hóa Nghị quyết số 22 của Tỉnh ủy Lào Cai, Huyện ủy Si Ma Cai đã tập trung chỉ đạo công tác vận động nhân dân đưa giống ngô, lúa mới vào gieo trồng thay thế các loại giống cũ kém hiệu quả. Phát huy lợi thế khí hậu và thổ nhưỡng để mở rộng diện tích cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu… Sau triển khai, nhiều mô hình được nhân rộng. Các xã hiện có hơn 100 ha cây dược liệu như: thảo quả, tam thất, sa nhân tím; 200 ha trồng rau trái vụ. Huyện xây dựng thành công hai mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đó là trồng rau trong nhà lưới.
Ðể tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, Huyện ủy Si Ma Cai cũng tích cực huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt chú trọng đến hệ thống hạ tầng giao thông. Ðến nay 100% các bản có đường bê-tông đến xã, đồng ruộng được quy hoạch đã thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa. Nhiều sản phẩm nông sản của bà con được tư thương, doanh nghiệp tìm đến thu mua tận ruộng. Ðời sống nhân dân từ đó dần nâng cao. Ðến nay số hộ nghèo trong huyện chỉ còn 12,35%; thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/năm (năm 2013 chỉ đạt 9,6 triệu đồng). Ðầu nhiệm kỳ, huyện chưa có xã nào đạt nông thôn mới, đến nay đã có 4/9 xã, thị trấn hoàn thành các tiêu chí.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bắc Hà cũng là huyện vùng cao có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Ðồng chí Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch UBND huyện trao đổi: Cụ thể hóa Nghị quyết của tỉnh về phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Bắc Hà triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy thế mạnh về du lịch. Huyện tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; chủ động kết nối, kêu gọi đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí, các loại hình du lịch có lợi thế, mở rộng cơ sở lưu trú, nâng cao chất lượng du lịch, cơ bản đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.
Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, sản phẩm du lịch ngày một đa dạng, đã gắn kết được phát triển du lịch với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Lượng khách đến Bắc Hà hằng năm tăng bình quân hơn 12%; năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng doanh thu từ du lịch đạt hơn 400 tỷ đồng và trở thành ngành mũi nhọn, góp phần quan trọng vào công tác xóa nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân trong nhiệm kỳ của huyện đạt 8,37%/năm, hiện giảm còn 13,82%. Năm 2020, GRDP bình quân đạt 53,12 triệu đồng/người, gấp 1,65 lần so với năm 2015.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Lào Cai, nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác giảm nghèo được các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện quyết liệt, kết quả đạt cao, tốc độ giảm nghèo nhanh, dẫn đầu các tỉnh trong khu vực miền núi phía bắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,17%/năm, đạt 147,7% so với mục tiêu Ðại hội, đến năm 2020 chỉ còn 8,46%. Xếp hạng nghèo của cả nước, năm 2016 Lào Cai từ tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo xếp thứ sáu, đến năm 2020 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng lên năm bậc.
Ðộng lực và tư duy dẫn đường
Về bài học kinh nhiệm triển khai công tác giảm nghèo ở Lào Cai, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, do đặc điểm là tỉnh miền núi, khó khăn nên công tác giảm nghèo được Ðảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ chính trị trọng yếu. Ðể triển khai đồng bộ, hiệu quả, nhiệm kỳ vừa qua, Ðảng bộ Lào Cai triển khai sớm việc xây dựng các đề án, chương trình trước đại hội, liên quan đến công tác giảm nghèo. Với ưu điểm chuẩn bị công phu, bàn bạc kỹ lưỡng lại sớm về thời gian nên nhiều chương trình, đề án, nghị quyết đạt chất lượng và mang tính khả thi cao.
Thí dụ, trong sản xuất nông nghiệp, từ việc khảo sát kỹ lưỡng thực tế tại các thôn, bản biên giới cho thấy nhiều vùng, khu có những loại cây trồng, vật nuôi đặc sản; cái chính là biết khai thác và mở rộng sản xuất thành hàng hóa. Do vậy, trong các nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, Tỉnh ủy đặt trọng tâm vào các giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của bà con từ sản xuất tự cung tự cấp sang tập trung, quy mô lớn. Tại Si Ma Cai, dự án "Ngân hàng bò" là mô hình đột phá tạo thành công theo hướng này.
Khảo sát thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, nếu việc xây dựng nghị quyết sớm, đúng, trúng là tiền đề thuận lợi thì vai trò của cấp ủy và đội ngũ cán bộ trong triển khai có ý nghĩa quyết định chất lượng, hiệu quả. Phó Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai Lý Seo Vảng chia sẻ, khi triển khai Nghị quyết số 22 của Tỉnh ủy, huyện phải đối mặt với nhiều khó khăn từ lối sản xuất cũ, ăn sâu, khó thay đổi của bà con đến năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở cũng còn nhiều hạn chế... Nếu cấp ủy không sâu sát, quyết liệt, người đứng đầu không năng động thì hiệu quả triển khai sẽ kém.
Ở huyện Si Ma Cai, từ chuyện vận động không nuôi bò thả rông đến làm đường giao thông thôn, bản, các đồng chí lãnh đạo huyện xuống trực tiếp giải thích, bàn bạc tháo gỡ vướng mắc nhiều lần. Ðảng viên các thôn, bản gương mẫu đi đầu, thực hiện trước các mô hình chuyển đổi kinh tế để dân đến xem, học tập. Khi đã mắt thấy tai nghe, tay sờ thì bà con tin và tích cực làm theo. Nhiều chuyện khó như làm đường đến các thôn, bản, nhưng nhân dân đã đồng thuận, quyết tâm thì không có gì là không vượt qua. Bước vào nhiệm kỳ, Si Ma Cai không có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay đã có 4/9 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới.
Thấy rõ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, Tỉnh ủy Lào Cai trong triển khai công tác giảm nghèo đã tăng cường chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Lào Cai có 25 dân tộc chung sống, chiếm 66% số dân toàn tỉnh; trong đó, dân tộc H’Mông chiếm 25%, dân tộc Tày chiếm 15%, dân tộc Dao chiếm 14%. Nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy có nhiều giải pháp như chủ động tạo nguồn ngay tại địa phương; đổi mới công tác đào tạo gắn với tuyển dụng, bổ nhiệm; xây dựng chế độ, chính sách ưu đãi để thu hút cán bộ người dân tộc thiểu số giỏi…
Nhiều cán bộ đã phát huy tốt năng lực, sở trường cũng như lợi thế của mình trong triển khai các chủ trương, nghị quyết đến với đồng bào. Ðồng chí Ngô Hữu Quý, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai nhận xét, đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số là cánh tay đắc lực của các cấp ủy, chính quyền trong triển khai nghị quyết. Do đặc điểm gắn bó và gần gũi với nhân dân, hiểu rõ phong tục, tập quán, nên việc hướng dẫn, vận động nhân dân đạt hiệu quả cao.
Với mục tiêu gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, được biết giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng trung du, miền núi phía bắc. Ðể chuẩn bị các điều kiện, đảng bộ các cấp trong tỉnh đã tiến hành đại hội để đề ra giải pháp thực hiện cũng như bầu chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ chốt. Kết quả cho thấy không những chất lượng đội ngũ cấp ủy cơ sở được nâng cao mà cấp trên cơ sở cũng có nhiều đổi mới.
Cụ thể, tỷ lệ cấp ủy viên trẻ đạt 17,8% (dưới 40 tuổi), nữ đạt 15,5%, cán bộ là người dân tộc thiểu số đạt 25,4%...
Thực tiễn Lào Cai cho thấy, để xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng và phát huy nguồn lực con người, trước hết nguồn lực lãnh đạo quản lý, là động lực quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Ðây cũng là nền tảng bảo đảm Ðảng bộ tỉnh Lào Cai triển khai các nhiệm vụ đề ra, làm tốt công tác xóa nghèo bền vững, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ mới.