Dự hội nghị có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và Phòng Văn hóa - Thông tin các địa phương.
Đối với ngành du lịch, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt để về đích trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, du lịch Lào Cai đã phát huy vai trò mũi nhọn của nền kinh tế, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, giữ vững thương hiệu du lịch Lào Cai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.
Năm 2024, ngành du lịch đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức để phát huy uy tín, thương hiệu. Lào Cai tiếp tục là điểm đến nằm trong tốp đầu của những điểm đến được yêu thích trên thế giới; điểm đến hàng đầu của Việt Nam; đứng đầu 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (về lượng khách và doanh thu). Doanh thu từ du lịch đạt gần 27 nghìn tỷ đồng. Tổng lượt khách đến Lào Cai đạt 8 triệu, trong đó có hơn 800 nghìn khách quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Trong năm 2024, ngành du lịch gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi). Tuy nhiên, ngành du lịch và các địa phương đã nỗ lực, nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão, phục hồi du lịch một cách nhanh chóng. Trong năm 2025, du lịch Lào Cai sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới đặc sắc, hấp dẫn.
Năm 2025, Lào Cai đề ra mục tiêu đón 10 triệu lượt khách (trong đó 1,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 8,5 triệu lượt khách du lịch nội địa). Tổng thu từ khách du lịch đạt 44.760 tỷ đồng, đóng góp 30.500 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh (doanh thu du lịch chiếm tỷ trọng khoảng 22 - 30% GRDP của tỉnh).
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả của ngành du lịch trong năm 2024.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Năm 2025 là năm về đích các mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Để đạt mục tiêu đó, trước tiên, tại thời điểm này Sở Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao sớm hoàn thiện đề án hợp nhất 2 sở, chuẩn bị tốt các điều kiện, nhất là về sắp xếp bộ máy.
Riêng với lĩnh vực du lịch cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục triển khai các kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về triển khai thực hiện các nghị quyết về du lịch; triển khai nhiệm vụ phát triển sản phẩm du lịch, mở rộng không gian du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, nhất là tại các thị trường trọng điểm. Các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương phải không ngừng đổi mới tư duy nhận thức về phát triển du lịch, phối hợp chặt chẽ, tạo lập môi trường, hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của ngành du lịch và tăng cường liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển du lịch bền vững.
Bên cạnh đó cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch đảm bảo thực sự chuyên nghiệp, nâng cao trình độ phục vụ của đội ngũ nhân viên trong ngành du lịch đáp ứng yêu cầu mới; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm du lịch và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại thực hiện chuyển đổi số trong du lịch.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tham luận để đạt được mục tiêu của ngành đề ra trong năm 2025.
Ưu tiên đầu tư bảo tồn và khai thác các nghề - làng nghề và sản xuất nông nghiệp phục vụ du lịch
Thời gian qua, thị xã Sa Pa đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa phục vụ du lịch. Để phát triển các sản phẩm du lịch, khu và điểm du lịch, thời gian tới trên địa bàn thị xã Sa Pa sẽ đầu tư phát triển các sản phẩm nghề thủ công truyền thống đặc trưng của các dân tộc thị xã Sa Pa để tạo sản phẩm hàng hóa, sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch. Đồng thời, quy hoạch và hỗ trợ kỹ thuật phát triển các vùng cây trồng (cây ăn quả và hoa màu) vật nuôi (trâu bò, lợn, gà, cá...) tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã theo hướng chuyên canh, tạo sản phẩm thương hiệu đặc trưng cho các điểm du lịch cộng đồng. Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến tham quan, trải nghiệm các công đoạn nuôi - trồng và sản xuất tại các trang trại nông nghiệp hoặc các cơ sở sản xuất nông nghiệp; kết nối với các cơ sở kinh doanh ăn uống bao tiêu sản phẩm cho người dân, đồng thời phục vụ du khách những món ăn được chế biến từ những sản phẩm có nguồn gốc địa phương.
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô
Huyện Bảo Yên định hướng xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng cụm xã Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Tân Tiến thành trung tâm du lịch cộng đồng của tỉnh Lào Cai và các tỉnh miền núi phía Bắc. Để đạt được kết quả đó, Phòng Văn hóa - Thông tin đề xuất tiếp tục nghiên cứu, biên soạn, xây dựng các ấn phẩm tài liệu, tư liệu về văn hóa của đồng bào dân tộc Tày các xã vùng Đông Bắc với thiết kế bắt mắt, đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu của nhiều đối tượng. Đặc biệt, liên hệ với các đơn vị nghiên cứu về văn hóa học, dân tộc học... tới địa phương nghiên cứu hoặc tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, nghiên cứu khoa học để tiếp tục khai thác, nghiên cứu sâu sắc hơn vốn văn hóa bản địa. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn, trao truyền kiến thức, các hội thi, hội diễn nhằm tuyên truyền và khuyến khích cộng đồng dân cư duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế và đầu tư vào các sản phẩm văn hóa - sản phẩm quà tặng lưu niệm một cách có hệ thống với đa dạng sản phẩm, công năng sử dụng, gắn với đó là những câu chuyện văn hoá của đồng bào, tạo sự khác biệt riêng có phục vụ khách du lịch; đầu tư và xây dựng các không gian để thực hành, trình diễn văn hóa của cộng đồng dân cư. Ngoài ra, cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với công tác bảo tồn nhà sàn truyền thống, rừng cọ, nghề thủ công truyền thống và các Nghệ nhân Dân gian, Nghệ nhân Ưu tú trên địa bàn.
Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với thế mạnh của địa phương
Bắc Hà xác định giá trị cốt lõi và nổi trội của địa phương, từ đó mới xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo dựng thương hiệu và cạnh tranh cho du lịch. Sau đó, định hướng, nghiên cứu và đặt mục tiêu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc đó gắn với từng địa phương cùng một số giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền về bảo tồn các giá trị di sản văn hóa cho người dân; đẩy mạnh phát huy các giá trị di sản văn hóa thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch của huyện và tỉnh; ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm hấp dẫn du khách. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ kinh phí nhà nước cho thông tin tuyên truyền, xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, các đầu mối giao thông, trên các tờ rơi, tập gấp, sách giới thiệu, biển quảng cáo, hàng lưu niệm...
Bát Xát đề ra 7 giải pháp thu hút, phát triển du lịch
Năm 2025, huyện Bát Xát phấn đấu đón hơn 320 nghìn lượt khách; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 512 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đó, địa phương đề xuất 7 giải pháp thu hút, phát triển du lịch. Trước tiên, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khu đô thị Y Tý và ưu tiên các danh mục đầu tư hạ tầng du lịch; xây dựng kế hoạch phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về di tích và phát triển du lịch và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách và chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, quan tâm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch.