Lan tỏa những giá trị đặc biệt của "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới" Việt Nam

Không chỉ quyến rũ khách du lịch thế giới bằng vẻ đẹp ngút ngàn, trùng điệp của núi rừng, biển đảo, Việt Nam còn hấp dẫn bởi những di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.

tải xuống.jpg
Các nghệ nhân dân gian đến từ Tây Nguyên trình diễn Cồng chiêng tại Hà Nội.

Với 9 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới, trong đó có 5 Di sản Văn hóa, 3 Di sản Thiên nhiên và 1 Di sản Hỗn hợp, Việt Nam vừa được giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards-WTA) vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” năm 2023 vào cuối tuần qua.

Đây là lần thứ 4 liên tiếp Việt Nam nhận được giải thưởng này sau 3 lần trước vào năm 2019, 2020 và 2022. Ngay sau đó, các nghệ nhân dân gian Việt Nam từ nhiều địa phương trên cả nước đã cùng tụ hội và có màn diễn xướng, chia sẻ về thực hành di sản văn hóa đặc biệt của đồng bào Tây Bắc, Tây Nguyên.

Việt Nam thắng nhiều “đối thủ nặng ký”

Để giành được chiến thắng, Việt Nam đã vượt qua nhiều ứng viên “nặng ký” là Ai Cập, Hy Lạp, Nhật Bản, UAE, Brazil, Armenia.

“Những người chiến thắng WTA năm nay là những đại diện xuất sắc nhất của ngành du lịch và tôi xin chúc mừng từng người chiến thắng vì đã giúp nâng tiêu chuẩn chung (của ngành) lên những tầm cao hơn nữa,” ông Graham Cooke, nhà sáng lập World Travel Awards phát biểu tại Lễ trao giải.

Có thể nói, với bốn lần liên tiếp được vinh danh danh hiệu “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới,” Việt Nam đã một lần nữa khẳng định tiềm năng và sức hút hàng đầu về tài nguyên thiên nhiên cũng như giá trị di sản văn hóa lâu đời.

1621012023-GrandFinal-Winners-1000x400-1147.jpg
Tại lễ trao giải WTA 2023, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới."

Đặc biệt, giải thưởng sẽ góp phần lan tỏa và quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên cùng nỗ lực bảo tồn, phát huy những giá trị di sản của quốc gia, nâng tầm du lịch Việt, đưa Việt Nam tỏa sáng trên hành trình đến với du khách năm châu.

Không chỉ quyến rũ khách du lịch thế giới bằng vẻ đẹp ngút ngàn, trùng điệp của núi rừng, biển đảo, Việt Nam còn hấp dẫn bởi những di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, di tích lịch sử văn hóa gắn với những lễ hội truyền thống, làng nghề lâu đời, ẩm thực phong phú, những công trình kiến trúc đậm giá trị lịch sử… Đáng nói, mỗi loại hình di sản đều mang vẻ đẹp độc đáo cùng câu chuyện của riêng mình.

Từ Thủ đô ngàn năm văn hiến tới quần thể Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh, Hải Phòng), quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), di tích Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, đô thị cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), quần thể di tích Cố đô Huế... dải đất hình chữ S cùng hệ thống di sản đa dạng ngày càng khẳng định là điểm đến hấp dẫn với cảnh sắc thiên nhiên hài hòa, bản sắc dân tộc đa dạng, lịch sử văn hóa lâu đời.

Ngoài danh hiệu “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2023,” Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu “Điểm đến Du lịch Thành phố hàng đầu Thế giới 2023,” đảo ngọc Phú Quốc nhận danh hiệu “Điểm đến Biển đảo Thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023,” Mộc Châu được tôn vinh là “Điểm đến Thiên nhiên Địa phương hàng đầu thế giới 2023.”

tải xuống (1).jpg
Mộc Châu được tôn vinh là “Điểm đến Thiên nhiên Địa phương hàng đầu thế giới 2023.”

Hà Nam giành được giải thưởng “Điểm đến Văn hóa Địa phương hàng đầu thế giới 2023,” Tam Đảo là “Điểm đến Thị trấn hàng đầu thế giới 2023,” cùng nhiều hạng mục giải thưởng khác dành cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch của Việt Nam.

Lan tỏa những giá trị di sản đặc biệt

Ngay sau khi Việt Nam được vinh danh “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” năm 2023, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy tính bền vững cũng như lan tỏa giá trị đặc biệt của di sản văn hóa Việt Nam, tại không gian Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội, các nghệ nhân dân gian từ nhiều địa phương trên cả nước đã cùng tụ hội và có màn diễn xướng, chia sẻ về thực hành di sản văn hóa đặc biệt của đồng bào Tây Bắc, Tây Nguyên.

Lần đầu tiên được mang văn hóa truyền thống của dân tộc đến với Thủ đô, chị Đinh Thị Hiến, Đoàn Nghệ nhân Dân gian người Thái đến từ thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết đã được học múa Xòe từ khi còn bé, dưới sự hướng dẫn, dìu dắt của các thế hệ đi trước, chị Hiến và các “đồng môn” ngày càng trưởng thành và múa hát nhuần nhuyễn hơn.

“Chúng tôi đã thành lập được câu lạc bộ, thường xuyên tập luyện với nhau để mỗi khi có cơ hội là mang di sản đi quảng bá. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dành cho văn hóa múa Xòe, qua đó thúc đẩy quảng bá loại hình di sản văn hóa này rộng rãi hơn nữa,” chị Hiến bày tỏ.

Đồng tình với ý kiến trên, anh Đinh Hdot, nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng dân tộc Ba Na (xã To Tung, huyện Kbang, Gia Lai) cho hay: “Mỗi lần biểu diễn, được nghe tiếng cồng chiêng vẫn gắn bó từ khi sinh ra vang lên sôi nổi, hào hùng chúng tôi lại thấy rất tự hào. Biểu diễn cồng chiêng đã trở thành đam mê, nhiệt huyết trong mỗi người dân Ba Na chúng tôi.”

Là nhà nghiên cứu gắn bó sâu sắc với văn hóa các tộc người thiểu số của Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhận định khi đến với vùng đất Tây Nguyên, hai di sản có giá trị nhất cần được bảo tồn và phát huy là sử thi và cồng chiêng.

“Ngoài phong cảnh thiên nhiên hùng vỹ, điều để lại những ấn tượng nhất với du khách khi đến với Tây Nguyên đó chính là văn hóa Cồng chiêng. Âm vang này để lại những dư âm rất sâu sắc,” Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Thanh chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, di sản Xòe Thái thường xuất hiện trong các nghi lễ quan trọng và trở thành linh hồn trong giá trị văn hóa dân tộc Thái. Người Thái đã sáng tạo ra nhiều điệu múa Xòe vô cùng sinh động, chứa đựng nhiều biểu tượng ý nghĩa, sâu sắc.

Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Thanh bày tỏ mong muốn sẽ ngày càng có thêm nhiều chương trình cho các nghệ nhân dân gian diễn xướng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như múa Xòe Thái, Cồng chiêng Tây Nguyên… để lan tỏa rộng rãi hơn nữa tới người dân, du khách và đặc biệt là thế hệ trẻ, góp phần vào công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa quý giá của dân tộc.

Thực tế những năm qua, du lịch di sản văn hóa được toàn ngành xác định là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam và là một thành tố cốt lõi tạo nên thương hiệu du lịch Việt Nam. Đặc biệt, việc liên tiếp trong bốn năm từ 2019-2023, Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới trao tặng danh hiệu “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của di sản văn hóa nước nhà đối với cộng đồng thế giới.

Chính vì thế, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc bày tỏ mong muốn các địa phương, điểm đến, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, lữ hành và cộng đồng sẽ tiếp tục chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, tăng cường thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các giá trị quý giá của di sản văn hóa Việt Nam.

Ở tầm quốc tế, năm nay World Travel Awards dành vinh danh cao nhất cho Maldives với giải “Điểm đến Hàng đầu thế giới,” cùng Tập đoàn Quan hệ công chúng và Tiếp thị Maldives (MMPRC) được bầu chọn là “Hội đồng Du lịch hàng đầu thế giới.”

Những bãi biển và rạn san hô hoang sơ của Philippines nhận các giải thưởng “Điểm đến Lặn hàng đầu thế giới” và “Điểm đến Bãi biển hàng đầu thế giới.” Vẻ đẹp hoang dã của Madeira giúp quần đảo Đại Tây Dương được bình chọn là “Đảo đến hàng đầu thế giới.” Cannes được mệnh danh là “Điểm đến Sự kiện và Lễ hội hàng đầu thế giới” nhờ sự sang trọng vượt thời gian và cơ sở vật chất đẳng cấp thế giới.

Ngành du lịch phát triển mạnh mẽ của Qatar đã mang về nhiều giải thưởng của WTA cho quốc gia Trung Đông này. Sau thành công của FIFA World Cup Qatar 2022, Doha nhận được hai bình chọn là “Điểm đến Du lịch Thể thao hàng đầu thế giới” và “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu thế giới.”

VietnamPlus

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ưu đãi lớn để kích cầu du lịch cuối năm

Ưu đãi lớn để kích cầu du lịch cuối năm

Hoàn lưu bão số 3 (Yagi) đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh du lịch của Lào Cai. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đều ghi nhận lượng khách sụt giảm. Để phục hồi, chính quyền và doanh nghiệp đã chung tay tung ra đợt ưu đãi lớn nhất năm 2024 nhằm kích cầu du lịch cuối năm.

Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang

Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang

Sáng 16/11, tại xã Y Tý, huyện Bát Xát đã diễn ra Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai; sản phẩm "Kết nối con đường di sản" từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie - Bát Xát - Bắc Hà (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang) và “Nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe gắn với cây thảo dược và nông nghiệp" tại xã Y Tý.

[Ảnh] Khu rừng cổ tích trên cung đường đá cổ Pavie

[Ảnh] Khu rừng cổ tích trên cung đường đá cổ Pavie

Ngày 15/11, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu; UBND các huyện: Phong Thổ (Lai Châu), Bát Xát, Bắc Hà (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang); Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lai Châu và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức khảo sát đường đá cổ Pavie xuất phát từ Sin Suối Hồ (Phong Thổ - Lai Châu) sang xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát - Lào Cai).

Sa Pa - Xứ sương mù tỉnh giấc

Sa Pa - Xứ sương mù tỉnh giấc

Khi những dấu chân khai mở của Sun Group tìm đến thị trấn trong sương, đỉnh Fansipan đã trở thành “điểm đến đời người”, Sa Pa lặng lẽ ngày nào giờ như sống lại một thời từng là thị trấn nghỉ dưỡng của người Pháp.

Lào Cai giới thiệu sản phẩm du lịch tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc – Điện Biên năm 2024

Lào Cai giới thiệu sản phẩm du lịch tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc – Điện Biên năm 2024

Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Điện Biên năm 2024 với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận” được tổ chức từ ngày 14 - 17/11, tại Quảng trường 7/5 thành phố Điện Biên Phủ. Gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh Lào Cai đã thu hút người dân và du khách.

fbytzltw