Từ xa nhìn lại, ngôi nhà gỗ nhỏ của ông Tẩn Sài Chiêu nằm trong lòng chảo thôn Kin Chu Phìn 1, xã Nậm Pung (Bát Xát), xung quanh là ruộng bậc thang và những vườn lê cuối mùa xuân bung hoa trắng muốt. Nhắc đến ông Chiêu, đồng bào Dao, Hà Nhì ở xã Nậm Pung đều nể phục vì tấm gương đảng viên gương mẫu, luôn tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Mỗi sáng thức dậy, công việc quen thuộc của ông Chiêu là cho đàn trâu, ngựa, bò ăn trước khi đưa chúng lên đồi chăn thả. Sinh ra ở Nậm Pung trong gia đình thuần nông, từ nhỏ ông Chiêu đã phải chăn trâu, lấy củi. Ở vùng đất này, trước đây mỗi gia đình đều nuôi vài con trâu, con ngựa lấy sức cày kéo. Nhưng giờ đây, khi máy cày đã thay thế sức trâu, xe máy đã thay thế sức ngựa thồ hàng, thì bà con không mặn mà với nuôi đại gia súc nữa. Vậy nhưng, ông Chiêu không theo xu hướng chung này mà làm ngược lại. Hiện nay, đàn gia súc của ông Chiêu nuôi có 8 con trâu, 8 con ngựa, 8 con bò. Để có nguồn thức ăn cho gia súc, ông trồng thêm cỏ voi, làm lán dự trữ rơm sau mùa gặt dành khi mùa đông giá lạnh.
Ông Chiêu tâm sự: Tuy hiện nay trong thôn không cần dùng nhiều đến sức kéo của đại gia súc nữa, nhưng những năm gần đây, khu vực giáp với Nậm Pung thuộc Sa Pa và một số xã vùng cao Bát Xát phát triển về du lịch, nhiều nhà hàng cần mua thịt trâu, bò, ngựa về chế biến món ăn đặc sản cho du khách. Vì thế, tôi quyết định phát triển đàn gia súc theo hướng nuôi thịt kết hợp nuôi sinh sản, trọng tâm là phát triển đàn bò, ngựa, vì trâu không phù hợp với mùa đông lạnh giá ở Kin Chu Phìn. Năm 2022, tôi bán 5 con ngựa được hơn 110 triệu đồng.
Cùng với chăn nuôi gia súc, từ giữa năm 2022, ông tận dụng nguồn nước suối và diện tích đất trước nhà, đầu tư 300 triệu đồng xây 4 ao nuôi cá nước lạnh, thả hơn 3.000 con cá tầm. Những năm gần đây, việc nuôi cá tầm, cá hồi đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều hộ ở Nậm Pung, vì thế, ông tin tưởng hướng phát triển kinh tế mới sẽ thành công.
Đến Nậm Pung hôm nay, nhất là đi vào thôn Kin Chu Phìn 1, Kin Chu Phìn 2, chúng tôi thấy nơi đâu cũng là những vườn lê xanh mướt. Người dân Nậm Pung thầm cảm ơn ông Tẩn Sài Chiêu vì cách đây hơn chục năm, ông là người đưa giống lê Tai nung VH6 về trồng thử nghiệm thành công trên mảnh đất này và tích cực vận động bà con trồng lê. Ban đầu, một số hộ chưa tin loại cây mới này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng khi thấy vụ lê đầu tiên ông Chiêu bán được hơn 30 triệu đồng thì ai cũng đến thăm gia đình ông và học kinh nghiệm trồng lê. Đến nay, xã Nậm Pung đã có gần 200 ha lê (trong đó khoảng 30 ha đã cho thu hoạch), cho nguồn thu mỗi năm hơn 800 triệu đồng.
Đưa tôi vào vườn lê với 200 cây đã cho thu hoạch quả 5 năm, 100 cây sắp đến kỳ bói quả, ông Chiêu bảo cây lê rất phù hợp với đất đai, khí hậu Nậm Pung. Từ vườn lê của gia đình, năm 2022 ông thu được 115 triệu đồng.
Lúc chia tay chúng tôi, ông Chiêu tươi cười: Tháng 7 này, xã Nậm Pung lại tưng bừng trong ngày hội thu hoạch lê. Du khách khắp nơi sẽ đến đây ngắm cảnh, trải nghiệm hái lê, tham quan bản làng người Dao, người Hà Nhì. Niềm vui lớn nhất của tôi là nhìn thấy đời sống bà con ngày càng ấm no, quê hương mình ngày càng giàu đẹp.