
Đó là tâm sự của đồng chí Phùng Mạnh Khang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thị ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị thị xã Sa Pa.
Cảm nhận của tôi về đồng chí Phùng Mạnh Khang là người sôi nổi, năng động, đặc biệt là tác phong nhanh nhẹn, cách nói chuyện lôi cuốn, hấp dẫn.

Vừa nhanh xếp lại tập tài liệu trên bàn làm việc, đồng chí vừa tâm sự: Bình quân mỗi tháng, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thị ủy tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Thị ủy khoảng 30 văn bản liên quan đến công tác tuyên truyền, vận động, tư tưởng, chính trị, khoa giáo của Đảng, chưa kể các văn bản của riêng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thị ủy cũng như hệ thống tuyên giáo - dân vận.
Khối lượng công việc lớn, trong đó có nhiều nội dung phải giải quyết gấp, liên quan đến nhiều cơ quan, lĩnh vực, cần nhiều thời gian xử lý. Tuy nhiên, với phương pháp làm việc khoa học, đồng chí Phùng Mạnh Khang đã lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Thị ủy hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra. Riêng năm 2024, ban đã chỉ đạo tham mưu, ban hành 507 văn bản (276 văn bản của Thị ủy; 231 văn bản của ban); quý I và đầu quý II/2025, đã chỉ đạo tham mưu và ban hành 133 văn bản (89 văn bản của Thị ủy; 44 văn bản của ban).

Theo đánh giá của Thường trực Thị ủy Sa Pa, đồng chí Phùng Mạnh Khang là cán bộ có năng lực, tinh thần trách nhiệm và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Trước khi trình Thường trực Thị ủy ký, ban hành bất cứ văn bản nào, đồng chí đều thẩm định kỹ lưỡng, trong đó có những cuốn lịch sử đảng bộ xã, phường, lịch sử ngành hoặc sách về “Những tấm gương điển hình tiên tiến trên địa bàn thị xã Sa Pa, giai đoạn 2020 - 2022 và 2022 - 2024".
Đặc biệt, trong thực hiện Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng chí Phùng Mạnh Khang cùng tập thể Ban Tuyên giáo và Dân vận Thị ủy kịp thời tham mưu cho cấp ủy thị xã chỉ đạo các cách làm hiệu quả, sáng tạo, như: triển khai việc đăng ký nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với bài trừ hủ tục; chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ rà soát, bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và chọn mô hình hay để xây dựng, nhân rộng. Tham mưu đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 thông qua công tác tuyên truyền, nắm dư luận xã hội. Chỉ đạo Trung tâm Chính trị thị xã thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cơ sở, hằng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch giao… Qua đó, tình hình chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên trên địa bàn thị xã luôn ổn định.
“Trong công việc và cuộc sống hằng ngày, tôi luôn tự nhủ phải học và làm theo Bác ở tinh thần, thái độ đối với công việc; quan tâm, giúp đỡ, học hỏi đồng chí, đồng nghiệp; phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, vai trò nêu gương của người đứng đầu… Học Bác mọi lúc, mọi nơi để không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện công việc được giao, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn”.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, năm 2024, đồng chí Phùng Mạnh Khang có sáng kiến kinh nghiệm về “Giải pháp chỉ đạo công tác nắm bắt dư luận xã hội, giải quyết các vấn đề mới phát sinh, ổn định tư tưởng, tạo niềm tin trong Nhân dân trên địa bàn thị xã Sa Pa”. Sáng kiến này góp phần tham mưu, chỉ đạo, phát huy tốt vai trò của người đứng đầu cấp ủy cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác điều tra, nắm, định hướng dư luận xã hội; chỉ đạo nâng cao trách nhiệm từng đồng chí cộng tác viên trong việc nắm và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn mình phụ trách. Các đồng chí cộng tác viên đã xác định rõ được chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động tham mưu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo xử lý hiệu quả những vấn đề nổi cộm trong Nhân dân xảy ra tại lĩnh vực, địa bàn phụ trách; chủ động tham gia đẩy mạnh tuyên truyền, như: đăng tải, chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực trên các trang cá nhân (Facebook, Zalo…); tích cực tham gia đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước; cung cấp nhiều thông tin có giá trị. Sau khi tiếp nhận thông tin, cấp ủy đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương xem xét, xử lý dứt điểm, kịp thời định hướng tư tưởng, không để xảy ra bức xúc trong Nhân dân. Sáng kiến của đồng chí Phùng Mạnh Khang đã và đang được áp dụng, nhân rộng ở các chi bộ, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ thị xã Sa Pa.
Với những thành tích xuất sắc đó, đồng chí Phùng Mạnh Khang là 1 trong 2 cá nhân của tỉnh Lào Cai được đề nghị Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tặng Bằng khen điển hình xuất sắc trong học và làm theo Bác năm 2025.

Hơn 60 năm tuổi đời, 28 năm tuổi Đảng, đảng viên Chảo Láo Chiếu, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Ky Công Hồ, xã Tòng Sành (huyện Bát Xát) luôn gương mẫu, đi đầu trong công việc của thôn, vận động bà con chuyển đổi giống cây trồng, phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, bằng nhiều việc làm thiết thực, nhiều năm nay ông đã trở thành người giữ “lửa” văn hóa dân tộc Dao đỏ ở Tòng Sành.

Mỗi dịp lễ, tết, căn nhà nhỏ của ông Chảo Láo Chiếu lại đông vui, nhộn nhịp. Đàn ông luyện chữ, đọc sách, vẽ tranh; phụ nữ và trẻ nhỏ học nghi lễ, học hát giao duyên... Với ông Chiếu - người trọn đời theo đuổi ước mơ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao đỏ, đây chính là niềm vui, niềm hạnh phúc mà ông hướng tới.

Xuất thân từ gia đình có nhiều đời dạy chữ, làm thầy nên ông Chảo Láo Chiếu có gần 20 năm học chữ Nôm Dao, học vẽ tranh thờ. Năm 2022, ông quyết định mở 3 lớp dạy chữ Nôm Dao, với hơn 60 học trò tham gia. Với kiến thức của bản thân, ông đã viết các cuốn tài liệu gần gũi, dễ hiểu và tự bỏ chi phí (hơn 2 triệu đồng) để phô-tô hơn 200 cuốn phát miễn phí cho học trò. Ở lớp học, “thầy” Chiếu không chỉ dạy chữ, mà còn dạy đạo lý làm người, dạy con cháu biết hiếu thuận với ông bà, tổ tiên.

Ngoài dạy chữ, ông Chảo Láo Chiếu còn sưu tầm và lưu giữ hơn 300 làn điệu dân ca cổ và những ca khúc đặt lời mới để truyền dạy cho con cháu, mở lớp truyền dạy vẽ tranh thờ. Năm 2021, ông được tặng danh hiệu “Nghệ nhân Dân gian”. Ông cũng vinh dự được nhận Bằng khen cấp tỉnh và nhiều Giấy khen cấp huyện, được bà con trong vùng yêu mến, kính trọng. Ông cho biết đó là động lực để tiếp tục hành trình kết nối văn hóa dân tộc Dao với dòng chảy cuộc sống hiện đại.
Đã bước gần đến tuổi “xưa nay hiếm”, đảng viên Chảo Láo Chiếu vẫn không ngừng nỗ lực cống hiến xây dựng quê hương, góp sức gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc Dao đỏ.

Phấn đấu xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới, bà con người Tày ở thôn Vinh 2, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn) đã đoàn kết, góp sức làm nhiều việc chung. Tiên phong, gương mẫu trong mọi công việc phải kể đến đảng viên La Thị Vân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vinh 2 - hạt nhân quan trọng trong khối đại đoàn kết đó, là tấm gương để bà con học tập và làm theo.

Cơn mưa đầu mùa kéo dài suốt đêm tạm xua đi cái nóng đến ngột ngạt của những ngày hè. Trời vừa sáng, chị La Thị Vân đã chạy vội ra đồng kiểm tra, bởi mỗi khi mưa lớn, tuyến mương dẫn nước của thôn thường bị đất, đá từ trên đầu nguồn đổ về vùi lấp. Sau khi quan sát tình hình, chị Vân nhắn tin thông báo trên nhóm Zalo chung của thôn. Chưa đầy 30 phút sau, bà con mang theo cuốc, xẻng, khẩn trương hót dọn đất, đá để khơi thông dòng chảy, kịp thời dẫn nước vào cánh đồng lúa đang thì con gái. Nhanh tay xúc từng xẻng đất, chị Lương Thị Huyến cho biết: “Trưởng thôn thông báo là tôi đi ngay. Ra đến đây đã thấy trưởng thôn làm việc rất nhiệt tình”.
Nhiệt tình, trách nhiệm, đi trước, làm trước, chính là kinh nghiệm trong vận động Nhân dân của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vinh 2 La Thị Vân. Nhờ vậy, bà con trong thôn rất tin tưởng chị. Trong 5 năm làm Trưởng thôn, 4 năm làm Bí thư Chi bộ, chị Vân rất tự hào khi người dân thôn Vinh 2 đã đồng lòng làm được 3 tuyến đường bê tông, dài 5,5 km; tự nguyện đóng góp xây dựng 3 cầu kiên cố, đổ bê tông đường ngõ xóm với chiều dài 288 m, lắp đặt 1,1 km đèn đường chiếu sáng. Như tuyến đường kiểu mẫu của thôn mới hoàn thành đầu năm nay cũng là thành quả đóng góp công sức, vật chất của bà con trong thôn. Để làm tuyến đường trục chính của thôn, bà con đã đóng góp 25 triệu đồng và ngày công, vật liệu với giá trị quy đổi khoảng 750 triệu đồng.

Trong phát triển kinh tế, đến cuối năm 2024, thôn còn 4 hộ nghèo, chiếm chưa tới 4%. Kết quả này một phần nhờ công sức của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn La Thị Vân. Thời gian rảnh, chị Vân thường đến từng nhà, tâm sự, chuyện trò, mang kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình chia sẻ với bà con.

Kiên trì trong tuyên truyền, chị Vân và các đảng viên trong Chi bộ đã vận động được 85% hộ dân trong thôn trồng hàng rào cây xanh; 100% hộ dân xây dựng cột cờ đúng quy cách; 43 hộ dân tham gia thực hiện và gắn biển mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”. Đặc biệt, Chi bộ cùng Ban công tác mặt trận thôn đã tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên, các nhà hảo tâm xây dựng được 31 “Nhà tình nghĩa” với tổng kinh phí 1,23 tỷ đồng, góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Nhờ vậy, thôn Vinh 2 đã được tỉnh vinh danh là điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Tôi chỉ mong bản thân luôn khỏe mạnh để có thể góp sức xây dựng thôn phát triển hơn nữa” - mong ước của Trưởng thôn La Thị Vân thật giản dị nhưng thật ý nghĩa. Với đảng viên La Thị Vân, học tập và làm theo Bác bắt nguồn từ chính những việc giản đơn như thế.

Đại úy Hoàng Huy Công sinh năm 1989, dù tuổi đời còn trẻ nhưng anh đã kinh qua nhiều cương vị quan trọng trong lực lượng công an như Phó Đội trưởng Đội Quản lý người nước ngoài, Phòng Quản lý xuất - nhập cảnh, Công an tỉnh (2016 - 2020); Trưởng Công an xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên (2020 - 2025) và từ tháng 1/2025 đến nay là Đội trưởng Đội Chống phản động và Chống khủng bố, Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh.

Đáng nhớ nhất đối với anh là quãng thời gian làm Trưởng Công an xã Bảo Hà - địa bàn có tình hình an ninh trật tự phức tạp. Đó là thử thách không nhỏ đối với một chiến sĩ công an trẻ tuổi. Không né tránh khó khăn, anh chọn “đi vào dân”, nghe dân nói, cùng dân làm. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, anh dần đi sâu vào cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để cùng Ban Công an xã dự báo tình hình, họp bàn thống nhất, tham mưu đúng và trúng cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự hằng năm.

Đại úy Công đã xây dựng được các mô hình dân vận khéo đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Nổi bật là mô hình “Tổ cựu chiến binh tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt” tại các nút giao cắt đường bộ với tuyến đường sắt quốc gia qua xã Bảo Hà. Anh còn là người khởi xướng mô hình “An toàn đường sông, phòng, chống đuối nước” ở bản Bùn 4; thực hiện mô hình “Quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” và đặc biệt là mô hình “Camera giám sát an ninh” tại các điểm “nóng” trong khu vực đền Bảo Hà.
Tại những nơi từng công tác, Đại úy Hoàng Huy Công luôn gương mẫu chấp hành điều lệnh, kỷ luật Công an nhân dân. Phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu, anh thường xuyên xây dựng chương trình công tác cụ thể, đồng thời tổ chức quán triệt, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ trong cán bộ, chiến sĩ với tinh thần “tự soi, tự sửa”, dám chịu trách nhiệm. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác và là căn cứ bình xét thi đua, phân loại cán bộ hằng năm của tập thể.

“Học Bác không phải là điều gì xa vời, đó là làm đúng, làm đủ, làm đến nơi đến chốn; giữ nghiêm kỷ luật, trung thành và tận tụy với công việc, với người dân”.
Năm 2021, Đại úy Hoàng Huy Công được Bộ Công an vinh danh là “Gương mặt trẻ công an tiêu biểu” và tuyên dương thanh niên Công an xã có thành tích xuất sắc. Nhiều năm liền, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.