Thành quả đó chính là hiện thực hóa khát vọng phát triển của những người sinh ra từ núi, lớn lên nhờ núi và những người ở mọi miền quê khác lên đây khởi nghiệp và an cư, coi Lào Cai là quê hương thứ hai của mình. Tất cả mọi người, từ lãnh đạo, quản lý đến người dân bình thường, từ người cao tuổi đến trẻ thơ đều là “những người con của núi”, có chung một tên gọi về Lào Cai thân thương - Quê núi.

Quê núi chúng tôi trải qua chặng đường dài của những thăng trầm, mất mát, đau thương, của tinh thần quật khởi đứng lên làm chủ, cùng nhau dựng xây nên một Lào Cai đang vươn mình cùng dân tộc. Quê núi chúng tôi, nơi đầu nguồn sông Hồng phù sa sắc đỏ đã từng nhuộm máu đào của những chiến sĩ cách mạng kiên trung và những người dân lam lũ, hiền lành bị thực dân Pháp hành quyết trên cây cầu Cốc Lếu xưa mỗi khi nghe tiếng “giời ơi” xé lòng. Đau thương đã rèn đúc ý chí con người. Đề-pô Phố Mới, mỏ Cóc Cam Đường, nơi tụ hợp những người vô sản đầu tiên của Lào Cai không chịu áp bức lầm than, nung nấu ngọn lửa cách mạng tuyên truyền trong quần chúng lập nên Chi bộ Đảng nông thôn đầu tiên ở Làng Nhớn. Có ai ngờ, ngay chính nơi kẻ thù làm trụ sở (Sở Cẩm) rình mò, bắt bớ những người cách mạng lại là nơi thành lập tỉnh Đảng bộ cộng sản lãnh đạo phong trào. Lịch sử sang trang mới, Nhân dân quê núi chúng tôi đứng lên theo ngọn cờ của Đảng làm nên mốc son đỏ thắm: Giải phóng Lào Cai (1/11/1950). Năm tháng qua đi, kẻ thù lần lượt chuốc lấy thất bại: Nhật bại, Tưởng rút về bên kia biên giới, Pháp thua, một bộ phận người dân u mê theo đóm ăn tàn nổi phỉ khiến nhiều bản, làng vùng cao của quê núi lại chìm trong tang tóc. Một lần nữa, người dân quê núi lại đứng lên cùng bộ đội dẹp nạn thổ phỉ, gọi người lương thiện trở về với bản, làng, xây dựng cuộc sống mới.

Vinh dự và niềm vui lớn đã đến với Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, ngày 23 tháng 9 năm 1958 được đón Bác Hồ về thăm. Trong bài nói chuyện, Bác đã ân cần dặn dò con đường đoàn kết, ấm no, hạnh phúc và biểu dương tinh thần vượt qua khó khăn của cán bộ, Nhân dân Lào Cai trong xây dựng đời sống mới. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Nhân dân các dân tộc Lào Cai muôn vàn tình yêu thương. Từ tháng 10 năm 1945 đến tháng 11 năm 1962, Bác đã 6 lần gửi thư cho cán bộ, đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang Lào Cai, thiếu nhi Sa Pa, công nhân mỏ apatit, một bài báo khen ngợi đồng bào Bản Phố (huyện Bắc Hà). Trong 24 năm với cương vị Chủ tịch nước, Bác đã thưởng 87 Huy hiệu của Người cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc Lào Cai. Những bức thư, lời căn dặn và phần thưởng của Bác vẫn luôn trong trái tim người dân Lào Cai - sáng soi cho mỗi bước đi trong suốt chiều dài xây dựng và phát triển của tỉnh. Kính yêu Bác, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc Lào Cai, là nguồn sức mạnh để vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm bảo vệ vững chắc lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng Lào Cai giàu đẹp trên con đường đổi mới và hội nhập, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác hằng mong muốn.

Nhìn về quá khứ chưa xa, quê núi với lớp lớp thanh niên theo tiếng gọi của non sông lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và trải qua đau thương của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, để rồi năm 1991, cùng nhau trở lại Lào Cai, kết đoàn, chia ngọt sẻ bùi, khôi phục và xây dựng Lào Cai giàu về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số hòa quyện với bản sắc văn hóa các miền vùng trong cả nước tạo nên kho tàng văn hóa riêng có của miền núi, vùng cao biên giới.

Quê núi có nhiều tiềm năng khoáng sản, góp phần vào sự mạnh giàu của đất nước; có cửa khẩu quốc tế và các cửa khẩu quốc gia với 365 ngày sôi động hàng hóa thông thương hai bên biên giới; có dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với đỉnh Fansipan được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”; có tầng tầng, lớp lớp ruộng bậc thang nối nhau tạo nên những nấc thang ấm no, cho đất trời gần nhau hơn. Có niềm vui nào hơn khi người người dắt tay nhau lên đỉnh Hàm Rồng ngắm nhìn thị xã Sa Pa lung linh nắng sớm sương chiều; đến Mường Khương trải nghiệm hệ thống hang động, nơi tìm thấy trống đồng thời Đông Sơn cách đây hơn 4.000 năm có lẻ; ngược Lũng Pô ngắm cờ Tổ quốc tung bay trong gió giữa non ngàn xanh thẳm khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Càng tuyệt vời hơn khi đến thăm các di tích lịch sử cấp quốc gia, du ngoạn danh lam thắng cảnh, thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống tạo nên sắc thái văn hóa ẩm thực độc đáo với men say Bản Phố, San Lùng, Sim San, dẻo thơm cơm gạo Séng cù, ngậy ngon lạp xường, cay nồng tương ớt Mường Khương; đến “cao nguyên trắng” Bắc Hà ngợp trong vườn mận Tam hoa, nếm quả ngọt chua giòn tan nơi bờ môi đầu lưỡi, ghé vào chợ văn hóa ngồi quanh chảo thắng cố mời bạn gần khách xa chếnh choáng niềm say để khi màn đêm buông là lúc ngọn lửa xòe bùng cháy, tay nắm tay cho vòng xòe thêm rộng, thêm vui.

Quê núi với bản, làng vùng thấp, vùng cao đổi thay từng ngày, phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa nhà tạm lan tỏa, đường giao thông trải nhựa, bê tông hóa phẳng phiu cho ô tô, xe máy bon bon sớm hôm đi về; trụ sở xã, trạm y tế, trường học khang trang, điện lưới quốc gia, internet đến với mọi nhà càng làm cho diện mạo nông thôn bừng lên sức sống mới, rộn ràng gọi mời du khách thập phương đến với Lào Cai.

Quê núi chúng tôi, quê của tình người, tình đất vươn lên bằng tinh thần tự lực, tự cường và sự giúp đỡ của Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước để mỗi miền quê trong tỉnh rợp cờ, hoa trên các nẻo đường, náo nức lòng người chào mừng những ngày trọng đại của đất nước. Hơn bảy mươi vạn người dân một lòng theo Đảng, làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu, không cam chịu đói nghèo đã làm nên kỳ tích của Lào Cai hôm nay và hướng về ngày mai tươi sáng hơn. Hạnh phúc, niềm tin yêu và hy vọng đang ngập tràn mọi nhà, mọi người quê núi Lào Cai.
Trình bày: Khánh Ly