Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Đình Thi

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/2924 - 20/12/2024). Đông đảo văn nghệ sĩ trí thức và đại diện gia đình nhà văn tham dự.

1734661323316-9659.jpg
Đại biểu dự Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Đình Thi.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhấn mạnh: Vào ngày 20/12 của 100 năm trước, một con người ra đời và mang tên Nguyễn Đình Thi. Con người đó lớn lên làm người và sáng tạo ra những vẻ đẹp cho con người của xứ sở mình. Và từ đó cho đến khi về với cõi vĩnh hằng, Nguyễn Đình Thi đã mang đến một luồng gió mới cho đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam.

Chúng ta khẳng định thêm một lần nữa sự đóng góp to lớn trong nhiều phương diện của ông đối với nền văn học nghệ thuật Việt Nam bằng tác phẩm và bằng việc thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam đặc biệt là lĩnh vực văn học. Và cũng từ đó để khẳng định những sáng tạo của ông và tư tưởng trong các tác phẩm của ông vẫn còn với thời gian.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: Nguyễn Đình Thi là một nhân vật đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam, ông mang tới những giá trị đa tầng của văn xuôi, ông mở ra tư duy mới về thơ ca, ông mang tới độ sâu tư tưởng trong sân khấu và đóng góp thêm những vẻ đẹp cho âm nhạc hiện đại Việt Nam.

Có thể nói những tác phẩm triết học từ rất sớm của ông đã đặt một nền tảng cơ bản về triết học trong sáng tác văn học nghệ thuật. Đây là một điều vô cùng quan trọng, thậm chí mang tính sống còn đối với bất kỳ nền văn học nghệ thuật nào muốn phát triển và tạo ra những giá trị có tầm vóc. Bởi thế, những tác phẩm văn xuôi, thơ ca, sân khấu và âm nhạc của ông có một sức sống lâu dài, bởi ngoài những cảm xúc của thời đại ông sống, ngoài những giấc mơ đẹp đẽ mà ông mang trong những trang viết của mình thì triết học đã giúp ông làm nên tư tưởng các tác phẩm của ông, làm nên sức sống lâu dài của các tác phẩm đó trong nhiều thời đại khác nhau.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại buổi lễ.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại buổi lễ.

Trong hàng chục năm nay, các công trình nghiên cứu về văn xuôi, thơ ca, sân khấu, âm nhạc của ông vẫn được tiếp tục. Mỗi công trình nghiên cứu về ông đều mở ra những chiều kích mới và khám phá những giá trị mới đối với những tác phẩm của ông.

Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông không chỉ là sự tưởng nhớ đến một con người nghệ sĩ, một nhà văn hóa đã có những đóng góp vô cùng to lớn đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà mà còn mở ra những cánh cửa mới để các nhà văn, các nhà nghiên cứu, bạn đọc tiếp tục bước vào trong thế giới sáng tạo rộng lớn, nhiều tầng lớp và nhiều gợi mở của ông trong một thời đại mới của đất nước và của văn học nghệ thuật.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20/12/1924 ở Luang Prabang (Lào), nguyên quán làng Vũ Thạch, nay là phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm 1931, ông cùng gia đình về quê hương. Ông say mê văn chương, âm nhạc, mỹ thuật từ nhỏ; học và tìm hiểu triết học khi còn là học sinh trường Bưởi, sau là Ban Triết Trường đại học Đông Dương. Ông đã viết nhiều sách triết học như: Triết học nhập môn, Triết học Einstein, Triết học Kant, Triết học Nietzsche, Siêu hình học và Triết học Descartes…

Nhà văn - dịch giả Pháp Dominique De Miscault chia sẻ nhiều cảm nhận về con người và tác phẩm của Nguyễn Đình Thi.
Nhà văn - dịch giả Pháp Dominique De Miscault chia sẻ nhiều cảm nhận về con người và tác phẩm của Nguyễn Đình Thi.

Nguyễn Đình Thi tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ. Những năm 1940 ông tham gia Tổ Văn hóa cứu quốc, sau đó là Hội Văn hóa cứu quốc. Năm 1945, ông tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, được bầu làm đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa I, II, III. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông tiếp tục viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình. Sau năm 1954 ông tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật. Từ năm 1958 đến năm 1989, ông là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Trưng bày tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Thi.
Trưng bày tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Thi.

Trong văn học, Nguyễn Đình Thi là nhà văn có nhiều tìm tòi, đột phá ở thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết. Các tác phẩm văn xuôi, như: "Xung kích", "Thu Đông năm nay", "Bên bờ sông Lô", "Vào lửa", "Mặt trận trên cao"… là những dẫn chứng tiêu biểu cho quan niệm sáng tác và ý thức công dân của người nghệ sĩ. Đặc biệt, bộ tiểu thuyết hai tập "Vỡ bờ" phản ánh bức tranh đa chiều của xã hội Việt Nam thời kỳ 1939-1945, đã đưa Nguyễn Đình Thi lên vị thế tiên phong của dòng tiểu thuyết sử thi hào hùng và lãng mạn của nền văn học nước ta giai đoạn 1946-1985.

Thơ là lĩnh vực Nguyễn Đình Thi dành nhiều tâm huyết, ông luôn trăn trở tìm tòi hướng sáng tạo. Với tình cảm gắn bó tha thiết với quê hương đất nước, với niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, ông đã cho ra đời những bài thơ bất hủ, như: "Đất nước", "Nhớ", "Bài thơ Hắc Hải", "Lá đỏ"...

Tập thơ song ngữ Việt - Pháp do dịch giả Dominique De Miscault và nhà thơ Bằng Việt dịch và xuất bản trong năm 2024.
Tập thơ song ngữ Việt - Pháp do dịch giả Dominique De Miscault và nhà thơ Bằng Việt dịch và xuất bản trong năm 2024.

Về nghệ thuật kịch, giới phê bình đã nhận xét kịch của Nguyễn Đình Thi là một thế giới văn hóa đa dạng nhiều màu sắc, giàu chất thơ, nhạc điệu triết lý, đan xen hài hòa giữa hiện thực và sự liên tưởng khiến tác phẩm của ông mang một dấu ấn đặc biệt. Trong lĩnh vực âm nhạc, chỉ với sáu ca khúc trong sự nghiệp sáng tác: "Căm hờn", "Diệt phát xít", "Du kích quân" (1945), "Người Hà Nội" (1947), "Con voi" (1948), "Đất nước yêu thương" (1977), ông để lại dấu ấn sáng tạo đậm nét, tâm hồn đẹp đẽ, nhân văn của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Các ca khúc của Nguyễn Đình Thi đã trở thành một phần ký ức lịch sử dân tộc, khơi dậy niềm tự hào đối với quê hương, đất nước.

Ở lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, Nguyễn Đình Thi là một cây bút sắc sảo với phong cách riêng biệt. Đặc biệt, từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Đình Thi đã viết "Nhận đường" năm 1948. Đây là một trong những tác phẩm văn nghệ tiêu biểu thể hiện tư tưởng của ông về con đường nghệ thuật và xác định sứ mệnh của văn nghệ sĩ đối với kháng chiến và dân tộc. Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh văn học, nghệ thuật phải chuyển mình để phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh.

Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của Nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nguyễn Đình Thi đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) về văn học nghệ thuật...

Tại buổi lễ, nhà văn - dịch giả Pháp Dominique De Miscault đã tặng Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình nhà văn Nguyễn Đình Thi tập thơ song ngữ Việt - Pháp do bà và nhà thơ Bằng Việt chọn lọc, dịch và xuất bản trong năm 2024.

Các dịch giả trao tặng tác phẩm đặc biệt cho Hội Nhà văn Việt Nam.
Các dịch giả trao tặng tác phẩm đặc biệt cho Hội Nhà văn Việt Nam.

Bày tỏ sự xúc động, đại diện gia đình nhà văn Nguyễn Đình Thi gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cùng đội ngũ văn nghệ sĩ, bạn đọc đã có những đánh giá cao cho những đóng góp của nhà văn Nguyễn Đình Thi cho nền văn hóa, văn học nước nhà; đã dành tình cảm vô cùng tốt đẹp, cao quý cho gia đình nhà văn và dòng họ Nguyễn Đình.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Nhiều tín hiệu tích cực cho truyện tranh Việt

Nhiều tín hiệu tích cực cho truyện tranh Việt

Gần đây các tác giả, họa sĩ truyện tranh của Việt Nam đã đa dạng hóa đề tài, cách thể hiện, từ đó thu hút được nhiều hơn đối tượng độc giả. Cùng với đó, ngày càng nhiều giải thưởng truyện tranh trong và ngoài nước được mở ra với quy mô lớn, cũng tạo điều kiện cho họa sĩ trẻ thể hiện tài năng…

[Ảnh] Miệt mài truyền dạy chữ Nôm Dao

[Ảnh] Miệt mài truyền dạy chữ Nôm Dao

Thôn Pờ Hồ, xã Thanh Bình (Mường Khương) là nơi quần cư của dân tộc Dao tuyển. Cũng như những ngành Dao khác, người Dao tuyển cũng có chữ cổ là chữ Nôm Dao. Trong nhịp sống hiện đại, việc đọc thông, viết thạo chữ cổ của dân tộc không được mấy người trẻ biết đến. Trăn trở với giá trị văn hóa cổ truyền của cha ông, những người tâm huyết đã cùng tạo nên lớp học “0 đồng” để cùng lưu truyền vốn văn hóa cổ.

Lào Cai có thêm 7 nghệ nhân dân gian

Lào Cai có thêm 7 nghệ nhân dân gian

Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam vừa có Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam cho các nghệ nhân đã có nhiều cống hiến trong gìn giữ và phát huy văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc đợt 2 năm 2024.

[Ảnh] Nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng ở Bản Sen

[Ảnh] Nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng ở Bản Sen

Sản phẩm của nghề làm tranh cắt giấy “Chàng slaw” của dân tộc Nùng ở Bản Sen (huyện Mường Khương) là ngựa, cây tiền, nhà táng… được làm bằng giấy màu để cúng tiến cho người đã khuất, thể hiện ước muốn của người sống đối với người thân ở thế giới bên kia có cuộc sống no đủ, bình an.

Moscow mở thư viện đầu tiên dành cho thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nga

Moscow mở thư viện đầu tiên dành cho thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nga

Tại Moscow, Thư viện Thanh niên đầu tiên dành cho thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nga vừa được Hội Sinh viên tổ chức khai trương và chính thức đi vào hoạt động. Dự án này được Hội người Việt Nam tại Nga phối hợp thực hiện với Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị, nhằm phát triển văn hóa đọc, tạo không gian học tập, nghiên cứu cho cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Nga.

“Múa Làng Nủ” - vũ điệu từ trái tim

“Múa Làng Nủ” - vũ điệu từ trái tim

Tôi thực sự xúc động khi thấy hình ảnh anh Thới ở Làng Nủ - người đàn ông đã mất đi 5 người thân khi thiên tai ập đến. Đặc biệt, giây phút anh thẫn thờ đi tìm con, rồi đau đớn khi tìm thấy con của mình trong đống bùn đất. Vậy nên khi biên đạo động tác cho nhân vật chính trong bài múa, tôi nghĩ đến anh, cứ thế các động tác múa được hình thành

Ðổi mới phương pháp vinh danh di sản

Ðổi mới phương pháp vinh danh di sản

Việt Nam vừa có thêm sáu Di tích quốc gia đặc biệt, sau Quyết định số 1473/QÐ-TTg ngày 26/11/2024 xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt do Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký, nâng tổng số di tích quốc gia đặc biệt lên con số 139. Con số này sẽ tiếp tục dài thêm khi có hàng chục hồ sơ đề nghị xếp hạng đang được trình lên cơ quan có thẩm quyền xem xét.

fb yt zl tw