LCĐT - Với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương của huyện Bắc Hà đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây ớt. Cơ chế hỗ trợ cùng những nỗ lực trong việc liên kết, tìm đầu ra cho nông sản của huyện đã tạo điều kiện cho nghề trồng ớt và làm tương ớt ở Bắc Hà có thêm cơ hội phát triển. Tuy nhiên, khi mô hình trồng thí điểm 30 ha ớt của huyện trong năm 2016 kết thúc, các hộ không còn được nhận hỗ trợ, phong trào trồng ớt ở Bắc Hà phát triển theo hướng tự phát, thiếu định hướng. Cùng với đó, cơ hội phát triển của nghề làm tương ớt thủ công tại một số cơ sở của huyện cũng đứng trước khó khăn.
Người dân thôn Km6, xã Na Hối có nhiều kinh nghiệm trong trồng ớt và chế biến tương ớt. Một số hộ ở đây gắn bó với nghề làm tương ớt từ nhiều năm nay, như hộ bà Phạm Thanh Loan, hộ ông Nguyễn Giang San. Trước đây, ở thôn Km6, nhà nhà trồng ớt, mỗi hộ trồng ít nhất từ 1.000 m2 trở lên. Tuy nhiên, đến năm 2017, diện tích trồng ớt của địa phương giảm đáng kể, thấp hơn so với năm 2016. Bà Ma Thị Thảo, Bí thư Chi bộ thôn Km6 cho biết: Hiệu quả kinh tế từ cây ớt mang lại không thể phủ nhận, tuy nhiên, sau kết thúc các mô hình trồng ớt thử nghiệm năm 2016, đến năm 2017, huyện Bắc Hà không có chỉ tiêu phát triển cây ớt, nên việc trồng ớt mang tính tự phát. Nhiều hộ trong thôn lo lắng tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, bởi nếu trồng ồ ạt, thiếu tính định hướng thì rất dễ xảy ra tình trạng sản phẩm không tiêu thụ được. Trong khi đó, nghề làm tương ớt ở Bắc Hà phát triển manh mún, thiếu đầu tư, mang tính chất nhỏ lẻ, nên nhiều hộ còn đắn đo, chưa dám mở rộng diện tích trồng ớt.
![]() |
Ớt tươi được bán tại chợ phiên. |
Với bí quyết riêng trong cách ủ, chế biến, tạo hương vị đặc trưng, đặc biệt là việc tuân thủ nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, do vậy sản phẩm tương ớt của gia đình bà Phạm Thanh Loan có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Trung bình mỗi vụ, gia đình bà thu mua từ 10 - 15 tấn quả ớt tươi, với mức giá dao động từ 18.000 - 25.000 đồng/kg để làm tương ớt. Năm 2016, được sự quan tâm của huyện, việc tiêu thụ sản phẩm tương ớt của gia đình bà Loan khá thuận lợi. Năm nay, do thiếu nguyên liệu, gia đình bà phải nhập ớt quả từ các nơi khác về để chế biến. Tuy nhiên, việc làm tương ớt của gia đình bà Loan vẫn chủ yếu theo phương thức thủ công, nhỏ lẻ và thiếu tính bền vững, chủ yếu vẫn theo hình thức “lấy công làm lãi” nên hiệu quả kinh tế chưa tương xứng.
Còn hộ ông Nguyễn Giang San đã có thâm niên gần 10 năm gắn bó với nghề làm tương ớt. Bí quyết của gia đình để tạo ra những sản phẩm tương ớt chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng là chọn và nhập các loại ớt địa phương làm nguyên liệu. Chia sẻ về nghề làm tương ớt, ông San cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là các cơ sở làm tương ớt hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, cần thêm nguồn lực để mở rộng phạm vi kinh doanh và quy mô sản xuất; quảng bá thương hiệu, gắn sản xuất với chế biến, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, có như vậy, hiệu quả kinh tế mà cây ớt mang lại cho bà con mới bền vững.
Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết: Khi huyện hỗ trợ ban đầu về giống, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân thì phong trào trồng ớt phát triển khá mạnh trên địa bàn, tiêu biểu như xã Na Hối và xã Nậm Mòn. Ớt là cây dễ trồng, nên huyện chỉ hỗ trợ 1 năm. Khi hết hỗ trợ, phong trào trồng ớt ở Bắc Hà phát triển tự phát, thiếu định hướng, thêm vào đó, nghề làm tương ớt truyền thống mới chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình. Muốn nghề làm tương ớt truyền thống phát triển, địa phương cần có những định hướng lâu dài.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho rằng: Muốn phát triển nghề trồng ớt và làm tương ớt truyền thống, huyện Bắc Hà cần quan tâm đến nhiều vấn đề, như liên kết với doanh nghiệp trong việc đầu tư, xây dựng quy mô nhà xưởng, mở rộng vùng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện phát triển nghề làm tương ớt truyền thống, từng bước tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững được xem là nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong thời gian tới, với những định hướng đúng của UBND huyện và ngành chức năng, những khó khăn trong việc liên kết, ổn định đầu ra cho sản phẩm tương ớt của bà con sẽ sớm được tháo gỡ.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu