Điều này không chỉ vi phạm các quy định về Luật Đất đai mà còn để lại nhiều hệ lụy về môi trường, an toàn giao thông, phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Theo phản ánh, việc các hộ dân tự ý đào đất lâm nghiệp, đất vườn hai bên đường để lại phía sau những vách đất dựng đứng, tiềm ẩn nguy cơ sụt sạt, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Tình trạng này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn đe dọa trực tiếp đến an toàn của các hộ dân xung quanh và phương tiện lưu thông bên dưới.
Phản ánh với phóng viên, ông Lương Duy Tiến, sinh sống tại tổ dân phố Lương Thịnh, phường Văn Phú bức xúc nói: Trong mùa mưa bão năm 2024 và năm 2025, gia đình luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo lắng vì sau nhà thì taluy cao do một hộ dân đào sườn đồi để san đất làm mặt bằng, trước cửa thì lo nước lũ tràn vào nhà vì trên đầu nguồn là bãi đổ thải, mỗi khi trời mưa một khối lượng lớn bùn đất chảy xuống.

"Vừa qua, trong mấy trận mưa do ảnh hưởng của bão số 3, gia đình tôi đã bị ngập rất nặng nề. Lượng bùn đất từ bãi đổ thải đổ về đây quá nhiều, chảy hết vào vườn, vào nhà tôi. Sắp tới mưa to nữa, tôi chưa biết điều gì sẽ xảy ra", ông Tiến lo lắng chia sẻ.
Chỉ cho chúng tôi một số điểm mà người dân tự ý đào bới, san nền ven tuyến đường nối giữa đường Nguyễn Tất Thành với đường Âu Cơ, phường Văn Phú, bà Phạm Thị Vui, một người dân ở khu dân cư Thanh Hương cho biết: Những điểm san gạt ven hai bên tuyến đường này đều do một số doanh nghiệp có phương tiện, máy móc đến đánh đất thuê. Các hộ dân có đất đồi, đất vườn cần đào đắp, san tạo chỉ cần bỏ tiền ra thuê, doanh nghiệp sẽ bao thầu trọn gói. Sau khi có mặt bằng, nhiều hộ dân đã chia lô để chuyển nhượng cho người có nhu cầu về đất ở hoặc làm xưởng để xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo bà Phạm Thị Vui, tình trạng đào đồi, đổ đất san nền ở dọc tuyến đường này đã diễn ra trong nhiều tháng, có nơi mới chỉ khoảng một tháng trở lại đây.
Theo quan sát của phóng viên, việc các hộ dân tự ý thuê máy móc về đào đất, san nền dọc hai bên tuyến đường nối giữa đường Nguyễn Tất Thành với đường Âu Cơ đã khiến những quả đồi bị đào nham nhở, hành lang đường mới làm bị hư hỏng, có chỗ cống thoát nước bị vùi lấp hoặc bị sập gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và thoát nước.
Tại xã Trấn Yên, chúng tôi ghi nhận có điểm người dân tự ý san gạt một khu đất đồi trồng cây lâu năm với diện tích hơn 6.900m2 nằm ven khu vực nghĩa trang thôn Minh Quán 7 thành nhiều tầng, với khối lượng đào đắp ước tính lên tới hàng chục nghìn mét khối để chia lô bán cho các gia đình trong thôn làm nơi chôn cất, xây mộ.

Ngược Quốc lộ 279 lên xã Bảo Yên, xã Xuân Hòa, phóng viên cũng ghi nhận tình trạng người dân đào bới, san lấp sườn đồi để lấy mặt bằng làm nhà ở. Tại một số vị trí, nhiều hộ còn đổ đất lấp lòng sông để lấy mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai và các quy định về bảo vệ môi trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây cản trở dòng chảy và nguy hiểm đối với chính các hộ dân.

Thực tế ghi nhận tại các địa phương, tình trạng san gạt, đào đất tự phát đang diễn ra khá phổ biến nhất là tại các tuyến Quốc lộ 70, 279, 4D, 4E và 32C và các tỉnh lộ 160, 166, 156, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân đến nay việc vào cuộc kiểm tra, xử lý của chính quyền một số địa phương và ngành chức năng chưa quyết liệt, khiến cho hành vi này đang có chiều hướng gia tăng.

Trước thực trạng bùng phát nạn đào bới taluy, san tạo đất đồi để làm mặt bằng gây mất an toàn, an ninh trật tự và môi trường, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân và công trình hạ tầng giao thông, điện, viễn thông…, chính quyền một số xã, phường trong tỉnh đã và đang có những động thái siết chặt quản lý; tuy nhiên việc tổ chức kiểm tra, xử lý còn nhiều khó khăn.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Ngọc Giang - Phó Chủ tịch UBND phường Văn Phú thừa nhận trên địa bàn phường có diễn ra tình trạng người dân san gạt đất chưa đúng quy định. Đặc biệt sau cơn bão Yagi hồi tháng 9/2024, một số hộ dân đã tự ý san gạt, dọn dẹp phần đất sạt lở mà chưa báo cáo chính quyền hay thực hiện các thủ tục cần thiết. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp lợi dụng việc này để san tạo đất đồi, đất nông nghiệp nhằm mục đích làm nhà ở. Khi phát hiện, chúng tôi đã cử lực lượng xuống yêu cầu tạm dừng thi công, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân về các quy định của pháp luật.
“Phường Văn Phú cũng đã thành lập tổ công tác liên ngành gồm công an, Mặt trận Tổ quốc và công chức chuyên môn để tăng cường rà soát, kịp thời phát hiện, tuyên truyền đến người dân. Đối với những diện tích đã bị thay đổi hiện trạng, chúng tôi sẽ kiên quyết từ chối giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai như chuyển mục đích sử dụng", ông Giang nhấn mạnh.
Tại xã Trấn Yên, sự quyết liệt được thể hiện bằng những quyết định xử phạt cụ thể. Ông Nguyễn Tuấn Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Trấn Yên cho biết xã vừa ra quyết định xử phạt đối với hai hộ vi phạm tại thôn Minh Quán 7 là hộ ông Mai Văn Hồng và ông Mai Thanh Sơn vì đã tự ý san tạo mặt bằng làm biến dạng địa hình trên diện tích hơn 6.900 m2 đất rừng sản xuất nằm ven nghĩa trang thôn Minh Quán 7. Cả hai trường hợp đều bị xử phạt với tổng số tiền là 71,5 triệu đồng mỗi hộ, về hành vi chưa đăng ký đất đai lần đầu, làm biến dạng địa hình đất mà không có khả năng khôi phục lại tình trạng ban đầu.
"Qua thực tế, chúng tôi thấy nhiều hộ dân trong xã chưa hiểu rõ các thủ tục quy định khi thực hiện san tạo mặt bằng. Chính vì vậy, sau khi xử lý vi phạm, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin để người dân biết", ông Linh cho biết thêm.
Tương tự tại xã Tân Hợp, ngay khi phát hiện một số hộ dân đào bới, san tạo mặt bằng gây sạt lở trục giao thông liên xã và gây nguy hiểm cho một số vị trí cột điện cao thế trên địa bàn, chính quyền địa phương đã phối hợp với Đội Quản lý điện lực khu vực Văn Yên và Công an xã kiểm tra lập biên bản xử lý các hộ vi phạm, đồng thời chỉ đạo các thôn tăng cường giám sát để ngăn chặn kịp thời những vụ việc tương tự xảy ra.
Theo ông Hà Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp, UBND xã đã triển khai rà soát từng tuyến đường, từng khu vực để giám sát chặt chẽ công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, hướng dẫn người dân san gạt, đào đất, đổ thải đúng qui định; đồng thời kiên quyết xử lý những hộ dân cố tình đào đắp, san gạt đất trái phép. Song do chính quyền phường mới thành lập, việc phân công trách nhiệm triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm ở một số lĩnh vực còn chưa đảm bảo.
Ở phương diện quản lý cấp tỉnh, bà Trịnh Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết: Việc cấp phép san gạt mặt bằng thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp xã và của ngành Xây dựng, hiện chưa có thông tin cụ thể từ các địa phương về số vụ việc vi phạm. Để tăng cường quản lý, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cấp xã. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra xử lý nghiêm những hộ dân, tổ chức, cá nhân vi phạm.
“Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND cấp xã cần nâng cao vai trò quản lý, sớm phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm trên địa bàn. Đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, có phương án di dời, bố trí tái định cư an toàn cho người dân, tránh việc để người dân tự ý đào bới, san gạt không đúng quy định, không đảm bảo an toàn” Bà Huyền thông tin thêm.
Lào Cai là tỉnh miền núi có địa hình dốc, việc san gạt, cải tạo đất để phục vụ xây dựng nhà ở, chuyển đổi mục đích sử dụng và khắc phục hậu quả thiên tai là nhu cầu cần thiết của người dân. Dù vậy, người sử dụng đất khi tiến hành việc san gạt mặt bằng, cải tạo đất phải tuân thủ các quy định pháp luật và đảm bảo môi trường khi thực hiện. Theo Điều 11 và Điều 31 Luật Đất đai 2024, hành vi tự ý san lấp làm thay đổi độ dốc, kết cấu đất có thể bị coi là hành vi hủy hoại đất và bị nghiêm cấm.

Để chấm dứt tình trạng san gạt, đào đắp, đổ đất trái phép gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng giao thông, điện và gây mất an toàn các khu dân cư đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng; quan trọng hơn là sự thay đổi trong nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật về đất đai của mỗi người dân. San tạo mặt bằng chỗ ở hay phục vụ sản xuất là nhu cầu chính đáng, nhưng phải đảm bảo các quy định pháp luật và không thể đánh đổi bằng sự an toàn của cộng đồng, sự phát triển bền vững của toàn xã hội.