Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, việc quy định mỏ đất san lấp như một nguồn tài nguyên khoáng sản gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. Để được cấp phép khai thác, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước theo quy định về khoáng sản, môi trường, đất đai, đầu tư, xây dựng, liên quan đến nhiều sở, ngành và mất rất nhiều thời gian.
Một doanh nghiệp đang thi công gói thầu thuộc dự án nâng cấp Tỉnh lộ 156 than thở đang xin khai thác vật liệu san lấp phục vụ thi công nhưng chờ đợi hơn 1 năm nay vẫn chưa thực hiện xong.
Vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác, thời gian xử lý hồ sơ dẫn đến thiếu hụt vật liệu san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đội chi phí dự án.
Một doanh nghiệp thi công dự án trường học tại huyện Mường Khương cũng đang đau đầu vì bài toán thiếu vật liệu san lấp mặt bằng.
Doanh nghiệp này cho biết, lượng đất san lấp cho công trình không lớn nhưng do trong phạm vi công trình không có nên phải khai thác từ mỏ đất, tiến hành nhiều thủ tục, nếu không làm đúng quy trình thì sau này thanh tra, kiểm tra đương nhiên doanh nghiệp sai phạm.
Theo Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh, khó khăn liên quan đến khai thác vật liệu san lấp là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án quan trọng do ban này làm chủ đầu tư, trong đó có nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư.
Để có cơ sở lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản, bao gồm cả vật liệu xây dựng thông thường, thì tổ chức, cá nhân phải tiến hành thăm dò khoáng sản để đánh giá, xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản; đánh giá tác động tới môi trường trước khi làm thủ tục đề nghị cấp phép khai thác.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, về nguyên tắc, trước khi đề xuất các công trình, dự án ở địa phương thì chủ đầu tư đề xuất luôn cả mỏ đất đắp để thực hiện các quy trình, thủ tục đưa vào bổ sung quy hoạch mỏ vật liệu xây dựng.
Thủ tục để được cấp phép khai thác vật liệu san lấp vẫn phải đủ các bước theo Luật Khoáng sản 2010.
Theo đó, để có cơ sở lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản, bao gồm cả vật liệu xây dựng thông thường, thì tổ chức, cá nhân phải tiến hành thăm dò khoáng sản để đánh giá, xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản; đánh giá tác động tới môi trường trước khi làm thủ tục đề nghị cấp phép khai thác.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Khoáng sản 2010, có một số trường hợp được phép khai thác khoáng sản mà không nhất thiết phải thông qua bước lập thủ tục cấp phép thăm dò khoáng sản.
Cụ thể là khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó (khoản 2, Điều 64 Luật Khoáng sản).
Theo đó, tổ chức, cá nhân không phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản mà chỉ thực hiện thủ tục đăng ký khối lượng, phương pháp khai thác tại UBND cấp tỉnh.
Để đủ vật liệu san lấp thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ rà soát, bỏ bớt các thủ tục không cần thiết để ban hành quy định cấp giấy phép đất làm vật liệu san lấp, sao cho vẫn đảm bảo việc đánh giá trữ lượng, chất lượng, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn khai thác, không thay đổi mục đích sử dụng đất, không làm thất thoát tài nguyên.