Cho chữ đầu xuân là một trong những tục lệ, nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt. Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, nhiều người lại tìm đến các thầy đồ, xin chữ về treo trong nhà. Có khi là cầu mong sự sung túc quanh năm, hay sức khỏe, hạnh phúc cho cả gia đình. Một thời gian, hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ ngày tết dường như vắng bóng, nhưng rồi nét đẹp truyền thống ấy được khôi phục lại những năm gần đây bởi những người có lòng đam mê với nghệ thuật thư pháp dân tộc. Với những người đam mê bộ môn nghệ thuật này như ông đồ Ngọc Hải (phường Duyên Hải, TP Lào Cai) thì thư pháp đã ngấm vào từng hơi thở, như một niềm đam mê khó lòng dứt bỏ.

Ðam mê qua từng nét chữ
Từ nhỏ, ông Hải đã có một niềm đam mê kỳ lạ với hội họa, vào bộ đội thì niềm đam mê ấy của ông thực sự được phát triển. Ông được qua đào tạo một lớp sơ cấp về hội họa trong quân đội và thường xuyên vẽ tranh truyền thần, bản đồ tác chiến ở Bộ tư lệnh Công binh. Hòa bình, ông cũng có những năm tháng bôn ba nước ngoài, rồi trở về quê hương bươn trải đủ thứ nghề. Ðến năm 1993, ông lên Lào Cai và gắn bó với mảnh đất này. Cả cuộc nói chuyện, ông Hải chỉ say sưa kể về nghề viết chữ như nói về cái nghiệp của mình. Niềm đam mê được ươm mầm từ thời trai trẻ, song đến khi qua tuổi 50 ông mới có thời gian để theo đuổi. May thay, con trai cả của ông cũng có đam mê hội họa như cha. Nhìn con trai luyện viết chữ, ông cũng “ngứa ngáy chân tay” và rồi đích thân ông vào tận Sài Gòn theo học 2 khóa tiếng Việt và tiếng Hán của người thầy mà ông vô cùng ngưỡng mộ - Nghệ sĩ thư pháp Lê Lân để nâng cao hơn khả năng viết.
Yêu chữ! Cái thú vui tao nhã ấy đâu phải chỉ yêu thích thôi là có, bởi trong số rất nhiều học trò của ông, thì mấy ai theo được cái nghiệp này đến cùng. Thoáng chút buồn, ông Hải trầm ngâm: “Ðấy, cứ dịp tết đến, xuân về là không khó để tìm một ông đồ ngồi viết chữ, nhưng cũng vì miếng cơm manh áo mà nhiều người cứ cầm bút và đưa những chữ loằng ngoằng, lòe loẹt màu sắc, người ta bán cái thứ nghệ thuật ấy và cũng gọi nó là thư pháp. Cho chữ cốt ở cái tâm của mình, không vì lợi ích kinh tế, không vì tiền mà làm mờ đi từng nét bút”. Khát khao giữ lại "hồn Việt" nên bất cứ ai muốn học chữ, ông đều truyền đạt bằng cả tâm huyết của mình. Ông cho rằng, nhiệm vụ của người thầy là hướng dẫn cho học trò kỹ thuật, phương pháp, cách cảm nhận ý nghĩa sâu xa cả về nét chữ, nét hình và ngữ nghĩa của từng câu chữ. Còn có thành nghề hay không thì phụ thuộc vào sự kiên trì và đam mê của từng người.
Cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, những người đến với thư pháp phải hội đủ những yếu tố: Năng khiếu thẩm mỹ, nguồn cảm hứng và siêng học hỏi. Ðể có một bức thư pháp đến độ xuất thần thì phải nhiều thời gian và khổ công rèn luyện.
Khao khát giữ “hồn Việt”
Giữa phố thị ồn ào tấp nập, thư quán mang tên Thư pháp Ngọc Hải giống như một nốt lặng khiến ai nấy khi bước vào đây đều cảm nhận thấy sự thanh tịnh, bình yên đến lạ. Căn phòng khách rộng rãi, xung quanh la liệt những bức vẽ đủ cả: Thư pháp, thủy mặc, sơn dầu được bày trí, sắp đặt hợp lý. Góc phòng, ông dành một bàn trà với nghiên mực, bút lông và giấy, để nếu thích, khách có thể ngồi xuống và “phóng bút”. Vì là dịp cuối năm nên khách đến xem tranh và xin chữ khá đông. Cũng phải thôi, bởi ở Lào Cai này, chỉ còn mình ông là theo đến cùng nghiệp thư pháp. Và nếu như các nghệ sĩ thư pháp khác lựa chọn chữ Hán thì ông lại sáng tạo trên vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt là chính. Ông giải thích: “Ðó là niềm tự hào của người Việt. Tôi chưa bao giờ coi viết thư pháp bằng tiếng Việt là phá cách, bởi theo tôi, người Việt nên viết thư pháp bằng tiếng Việt, có như vậy mới tôn lên được sự phong phú, uyên bác của ngôn ngữ Việt. Lạ lắm, có nhiều vị khách vào yêu cầu thư pháp bằng tiếng Hán nhưng lại kèm một bức giải thích bên cạnh để khách đến nhà khi hỏi thì chủ dễ trả lời. Vậy sao không dùng luôn tiếng Việt - thứ tiếng mẹ đẻ đã giúp chúng ta hoàn thiện cả tư duy lẫn nhân cách?".

Vừa trò chuyện, ông Hải vừa pha mực Tàu, chuẩn bị giấy, bút cho tôi được thử sức với thư pháp. Dù nhìn chữ “Hạnh phúc” ngay trước mắt và chỉ bắt chước theo nhưng thay đến chục tờ giấy tôi cũng không thấy ưng ý. Ông cười giải thích: "Thư pháp là thế, nếu ai cũng làm được thì đâu gọi là nghệ thuật nữa. Phải gieo nghìn nét bút mới “gặt” được một chữ. Và một nét chữ viết ra là vẽ nên một chân dung tự họa. Nhìn vào bức thư pháp, người ta có thể đọc được tính cách của người viết: Bao dung, ngay thẳng hay thiện ác…”. Bởi thế mà chơi thư pháp cần hội tụ 3 tiêu chí: Kiến thức, kỹ thuật và phương pháp sáng tạo.
Trò chuyện và viết lách một hồi, ông Hải dẫn tôi ra trước nhà, chỉ vào cái biển “Cho thuê nhà” rồi phân trần: Ðấy, các con trai tôi đã lập nghiệp cả trong Sài Gòn, chúng muốn bố mẹ già vào đó để tiện phụng dưỡng, nên tôi định cho người ta thuê căn nhà này. Thế nhưng, tôi nhớ mãi câu nói của thầy Lê Lân căn dặn: “Con hãy cố gắng vực thư pháp ở Lào Cai dậy, đó là mảnh đất có tương lai ươm mầm nghệ thuật này vì sát với Trung Quốc - cái nôi của thư pháp”. Mặc cho cuộc sống thị thành xô bồ, gấp gáp, thư pháp Việt không giúp kiếm ra nhiều tiền, nhưng ngày ngày ông Hải vẫn miệt mài viết và dạy viết thư pháp.
Nghệ thuật thư pháp sẽ luôn song hành cùng nhịp sống của con người, góp phần làm cho chúng ta bớt đi những bận bịu, lo toan thường nhật. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, may thay, nét đẹp văn hóa ấy vẫn còn được lưu lại ở mảnh đất này. Một mùa xuân đang đến, nhưng có lẽ giờ đây câu hỏi “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?” vẫn luôn văng vẳng trong tâm khảm của những lớp người như ông Hải. Mong rằng, thế hệ trẻ ngày nay có những phút lắng lòng tìm về với những truyền thống, nét đẹp văn hóa tinh thần của dân tộc, nối tiếp nét bút của cha ông để “hồn Việt” không bị mai một theo thời gian...