Câu cá dưới trụ tua bin gió, đạp xe xuyên các cánh rừng
Ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc 3 Dự án (DA) Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 (2 giai đoạn) và Hòa Bình 2 cho biết, cả 3 DA do Công TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh làm chủ đầu tư. Tổ hợp 3 DA gồm 39 trụ tua bin gió, tổng công suất 150 MW, tổng vốn đầu tư 8.200 tỉ đồng. Tổ hợp 3 DA được khánh thành, hòa vào lưới điện quốc gia năm 2021, vừa góp phần cung cấp điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, công ty đã tận dụng phong cảnh cánh đồng điện gió trên biển kết hợp bảo vệ, khai thác du lịch sinh thái trên những tán rừng ngập mặn, biến nơi đây trở thành điểm tham quan độc đáo, hấp dẫn. Đồng thời, quảng bá hình ảnh sử dụng điện năng lượng sạch kết hợp du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Đây cũng là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch của Bạc Liêu nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
Theo ông Cường, đến với Khu du lịch sinh thái điện gió Hòa Bình 1, ngoài việc tham quan nhà máy điện gió trên biển lớn nhất Việt Nam, du khách có thể tham gia các hoạt động câu cá dưới trụ tua bin gió, đạp xe tham quan xuyên các cánh rừng đước, rừng mắm; được giới thiệu về lợi ích của rừng, cũng như các mối nguy hiểm tiềm ẩn của biến đổi khí hậu. Qua đó lan tỏa thông điệp đến du khách tình yêu với thiên nhiên, ích lợi của việc quản lý bảo vệ rừng của cư dân vùng ven biển.
Khởi công từ tháng 9./2010, DA Nhà máy điện gió Bạc Liêu đã hoàn thành 2 giai đoạn, lắp đặt 62 trụ tua bin gió trên diện tích 1.300 ha. Hiện, Nhà máy điện gió Bạc Liêu đang triển khai giai đoạn 3 với 71 trụ tua bin. Đây là DA điện gió đầu tiên được xây dựng trên thềm lục địa ở khu vực Đông Nam Á. Năm 2019, điểm du lịch điện gió Bạc Liêu được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng ĐBSCL. Để khai thác và phát huy tiềm năng của điểm du lịch này, tỉnh Bạc Liêu kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp cùng dịch vụ vui chơi, giải trí gần khu vực cánh đồng điện gió. Đồng thời xây dựng tour, tuyến kết nối với các điểm đến lân cận như: vườn nhãn cổ, chùa Xiêm Cán, khu Quán Âm Phật Đài, Thiền viện Trúc Lâm… để tăng thêm nhiều điểm trải nghiệm cho du khách.
Mở rộng không gian du lịch về phía biển
Ông Lý Vỹ Triều Dương, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Bạc Liêu, cho biết toàn tỉnh có 56 km bờ biển trải dài từ giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến cửa biển Gành Hào (H.Đông Hải) là một hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển có diện tích hàng nghìn ha, cùng với các dự án điện gió, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đây là tiềm năng, thế mạnh để Bạc Liêu khai thác, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan cánh đồng điện gió và trải nghiệm văn hóa, cuộc sống của cư dân vùng ven biển.
Tỉnh Bạc Liêu có 8 nhà máy điện gió đang vận hành trong đất liền, trên biển. Bạc Liêu là tỉnh có DA điện gió - điện năng lượng tái tạo lớn nhất ĐBSCL và đứng thứ 3 cả nước. Một trong những kết quả đáng ghi nhận là Bạc Liêu đã tạo điều kiện và khuyến khích nhà đầu tư các DA nhà máy điện gió ven biển kết hợp phát triển du lịch dưới chân điện gió thông qua các loại hình dịch vụ như: tham quan, ẩm thực, du lịch sinh thái… Đây được xác định là mô hình tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù và hóa giải các vấn đề xã hội, nhất là bài toán việc làm và cải thiện đời sống cho cư dân vùng ven biển.
Ngoài ra, với định hướng mở rộng không gian du lịch về phía biển, Bạc Liêu đang nỗ lực đánh thức tiềm năng du lịch dưới những tán rừng để góp phần đa dạng sinh kế cho người dân, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị từ các sản phẩm, dịch vụ xanh.