Tham dự ngày hội có đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND huyện Bảo Yên, thị xã Sa Pa và đông đảo người dân, du khách.
Từ ngày 29/4 đến 1/5, trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động hấp dẫn mang đậm sắc màu dân tộc như: Đón nhận giải thưởng ASEAN cho cụm homestay điểm du lịch xã Nghĩa Đô; tổ chức cuộc thi homestay đẹp; thi đánh yến và hoạt động trải nghiệm làm quả yến; thi ném còn gắn với hoạt động trải nghiệm của du khách; tổ chức trò chơi dân gian bịt mắt bắt vịt; thi gánh nước, hoạt động trải nghiệm bắt cá; tổ chức cuộc thi làm sản phẩm thủ công truyền thống (đan lát), khám phá thác Phạ Phân, đua cà kheo…
“Sắc vàng bên dòng Nặm Luông” năm 2023 hứa hẹn mang lại cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ về một Nghĩa Đô - điểm đến xanh, an toàn, thân thiện.
Việc tổ chức sự kiện đúng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhằm kích cầu du lịch ở địa phương, từng bước tạo sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch cộng đồng, những nét đẹp văn hóa của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch ở địa phương.
* Cùng ngày, UBND huyện Bảo Yên khánh thành Văn phòng Tổ quản lý các di tích và điểm du lịch Nghĩa Đô, trưng bày ảnh “Đất và người Bảo Yên”.
Năm 2021, xã Nghĩa Đô được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch. Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, chính quyền xã Nghĩa Đô đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh, huyện triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong công tác xây dựng và phát triển điểm du lịch Nghĩa Đô.
Đến nay, Nghĩa Đô đã và đang xây dựng một số các công trình như: Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tham quan văn hóa Tày với kiến trúc gồm 2 nhà sàn truyền thống nằm ở trung tâm bản Mường Kem phù hợp với không gian cảnh quan chung làm nơi trưng bày, giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc Tày của xã Nghĩa Đô và một số vùng lân cận của huyện; trùng tu tôn tạo các di tích; xây dựng các điểm check-in, cổng chào tạo điểm nhấn.
Đồng thời, xã Nghĩa Đô chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phát triển nghề may dệt thổ cẩm, nghề đan lát; khôi phục và tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội; xây dựng hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Để tổ chức quản lý các di tích và điểm du lịch Nghĩa Đô, UBND huyện đã quyết định thành lập Tổ quản lý các di tích và điểm du lịch Nghĩa Đô với các thành viên là cán bộ viên chức của Ban Quản lý di tích và phát triển du lịch của huyện, cán bộ công chức xã Nghĩa Đô, các cộng tác viên.
Tổ quản lý có nhiệm vụ tham mưu, thực hiện phát triển, khai thác các tour du lịch, sản phẩm du lịch; phát triển không gian du lịch theo quy hoạch đã được duyệt; thực hiện các nhiệm vụ về hợp tác, liên kết với các khu du lịch, điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh; thực hiện nhiệm vụ quảng bá, thông tin tư vấn, thu hút khách du lịch đến với xã Nghĩa Đô; quản lý các điểm check-in, hoa, cây cảnh, các công trình kiến trúc văn hóa được đầu tư xây dựng tại xã Nghĩa Đô phục vụ du lịch cộng đồng… Huy động, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch, hướng dẫn các hộ gia đình kinh doanh homestay; phối hợp tổ chức thực hiện các sự kiện văn hóa, văn nghệ, du lịch… trên địa bàn xã.