Nửa đầu năm 2024 đã hết, nhưng Vân Anh (23 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) chưa thể hoàn thành kế hoạch chinh phục 14 tỉnh, thành còn sót lại trên bản đồ du lịch Việt Nam. Cô vạch ra mục tiêu trên vào đêm giao thừa, dự kiến trung bình mỗi tháng sẽ đi một nơi.
Mỗi lần đặt chân đến một tỉnh, thành, Vân Anh sẽ mở sổ check-list cá nhân, đánh dấu tích vào ô vuông phía trước điểm đến. Đầu tháng 8, cô tích được 4 địa danh là Cần Thơ, Cà Mau, Phan Rang và Quy Nhơn. Đây đều là các thành phố gần TP.HCM và có thể thuận tiện đi bằng xe khách hoặc xe máy.
10 nơi còn lại đa phần tập trung ở phía Bắc. Vân Anh chưa thể tăng tốc thực hiện kế hoạch check-in hết nước ta do giá vé máy bay từ TP.HCM - Hà Nội và một số tỉnh, thành khu vực này khá đắt đỏ trong giai đoạn đầu năm. Cô tỏ ra thất vọng vì mọi thứ đang chệch dự định ban đầu.
"Tôi kiểm tra giá vé máy bay thường xuyên để sắp xếp chuyến đi từ đầu năm đến hè, mức giá vé đi tỉnh, thành phía Bắc rẻ nhất đều hơn 3,5 triệu đồng/khứ hồi, vẫn có giá rẻ ở một số thời điểm nhưng tôi săn không kịp, đành phải đợi đợt sau", Vân Anh nói với Tri Thức - Znews.
"Chôn chân" 7 tháng ở nhà
Không riêng Vân Anh, Mai Huỳnh Trân (24 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng chỉ đi loanh quanh khu vực gần TP.HCM. Đến đầu tháng 8, cô cho biết dự định sẽ có một chuyến đi Hà Nội ăn xôi xéo gói lá sen và thưởng thức không khí Thủ đô ngay khi giá vé máy bay có chiều hướng "hạ nhiệt".
"Trót yêu mùa thu Hà Nội nên tôi phải tranh thủ ngay", Trân nói.
Việc du khách, đặc biệt là nhóm trẻ tuổi, yêu thích du lịch tự túc và đặt mục tiêu mỗi tháng đi ít nhất một điểm đến ngày càng trở nên phổ biến. Thậm chí, một số khách không đi đâu đó trong khoảng thời gian ngắn sẽ cảm thấy bản thân bị mai một và tụt lại so với những người "cuồng chân".
Anh Hùng (28 tuổi, ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) là một trường hợp như vậy.
Giá vé máy bay neo cao từ đầu năm đến nay khiến Hùng phải "chôn chân" ở nhà. Anh cho biết 7 tháng nay anh chưa đặt chân đến một nơi nào tại Việt Nam trừ Hà Nội - nơi anh sống. Điều này chưa từng xảy ra kể từ khi anh rời ghế nhà trường.
"Tôi chưa bao giờ thèm đi du lịch trong nước đến vậy. Tôi đã 2 lần lỡ hẹn với Phú Quý vào đợt 30/4 năm ngoái, đến năm nay tôi vẫn chưa thể săn được vé tốt để đến đảo. Tôi cảm thấy bị mất năng lượng khi không đi du lịch nhiều tháng như vậy, trong khi bạn bè của tôi hết check-in chỗ này lại chữa lành ở điểm kia", Hùng nói.
Điểm chung của Hùng, Vân Anh và Huỳnh Trân là đều yêu thích du lịch tự túc, ưa trải nghiệm văn hóa địa phương. Đây cũng là điểm mới của xu hướng này mà bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nhận thấy từ đầu năm đến nay.
Theo bà Hoàng, khách du lịch ngày càng quan tâm đến việc khám phá các điểm đến chưa được khai thác, những ngôi làng truyền thống và tham gia vào các hoạt động như nấu ăn cùng người dân bản địa hay học làm đồ thủ công.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều du khách để tâm đến loại hình du lịch bền vững và trách nhiệm, song song với việc khám phá cảnh sắc.
"Chạy KPI" du lịch những tháng cuối năm
Khoảng giữa tháng 5, khi có thông tin vé máy bay 0 đồng tái xuất vào tháng 9, Anh Hùng biết đây là lúc anh phải xách ba lô lên và đi chơi trở lại sau thời gian quanh quẩn giữa chỗ làm và nhà.
"Tôi vội săn vé và lên kế hoạch trong vòng một buổi sáng để vào TP.HCM vi vu dịp 2/9 này. Nhất định tôi phải đi đến một nơi nào mới trong năm nay. 7 tháng đầu năm đã trôi qua một cách lãng phí và tình trạng này không thể kéo dài thêm. Tôi sẽ dành 3 ngày 2 đêm ở Phú Quý, sau đó trở về Sài thành thưởng thức ẩm thực miền Nam", Hùng chia sẻ.
Về phần mình, Vân Anh cho biết cô chỉ hy vọng có thể kịp đi đến Mù Cang Chải (Yên Bái), Hà Nội và Quảng Ninh, hoàn thành một nửa kế hoạch đề ra trước khi năm 2024 kết thúc.
"Có lẽ tôi nên xem xét tình hình du lịch trong nước, giá vé máy bay... trước khi đặt mục tiêu vi vu cho năm mới. 14 điểm đến trong vòng một năm, trong khi mức giá hàng không còn cao, là quá sức đối với tôi", cô nói với Znews.
Đối với các doanh nghiệp lữ hành, việc giới trẻ dần rời xa tour du lịch là một vấn đề khá nan giải, nay nhọc nhằn hơn khi nhu cầu ngày càng được nâng cấp. Khách hàng ngày càng khó tính trong việc lựa chọn điểm đến. Điều này buộc công ty du lịch thay đổi mình, điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ và kế hoạch từ khâu bán tour đến tư vấn điểm đến cho du khách để phù hợp với nhu cầu cá nhân hóa.
Trước xu hướng du lịch tự túc có chiều hướng thay đổi và gia tăng, công ty Du lịch Việt tìm đến công nghệ để giải quyết một phần thách thức trên.
Ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng giám đốc Du Lịch Việt, cho biết đơn vị tích hợp AI và công nghệ tự động hóa để nâng cao trải nghiệm khách hàng như sử dụng chatbots và trợ lý ảo, hỗ trợ khách hàng trong việc lên kế hoạch chuyến đi, cung cấp thông tin và giải quyết vấn đề băn khoăn của du khách một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.