Indonesia báo động khủng bố ​mức cao nhất

Cảnh sát Indonesia được đặt trong tình trạng báo động nguy cơ khủng bố mức cao nhất sau khi phá vỡ một kế hoạch tấn công liều chết tại thủ đô Jakarta.

 Cảnh sát cũng bắt giữ chín nghi can có dính líu tới tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)

Theo AFP, chính quyền Indonesia thông báo sẽ triển khai gần 150.000 cảnh sát và binh sĩ tới bảo vệ các nhà thờ, địa điểm công cộng, cơ quan nhà nước... trên toàn quốc từ ngày 24-12-2015 đến 2-1-2016 để ngăn chặn nguy cơ tấn công cực đoan.

Trước đó nhà chức trách cũng đã tăng cường an ninh ở các cơ quan ngoại giao nước ngoài, siêu thị và những địa điểm đông người tụ tập.

“Chúng tôi được đặt trong tình trạng báo động cấp cao nhất. Các tổ chức khủng bố có thể đánh bom, xả súng, đốt phá hoặc thực hiện các hành vi tấn công khác” - tư lệnh cảnh sát Badrodin Haiti cảnh báo.

Ông cho biết trong chiến dịch truy quét khủng bố từ ngày 18 đến 20-12 tại năm thành phố trên đảo Java, lực lượng an ninh đã bắt giữ chín nghi can cực đoan.

Trong một ngôi nhà ở miền trung Java, cảnh sát tìm thấy vật liệu và tài liệu hướng dẫn chế tạo bom, sách về thánh chiến Hồi giáo, bản đồ thủ đô Jakarta và các thiết bị điện tử. Người phát ngôn lực lượng cảnh sát quốc gia Anton Charliyan khẳng định chín nghi can này có quan hệ với IS.

“Chúng nhận tiền từ một nhân vật cấp cao của IS chuyên kết nối IS với Indonesia” - ông Charliyan nhấn mạnh.

Bốn trong số chín nghi can này từng là thành viên của tổ chức cực đoan Jamaah Islamiah có quan hệ với Al-Qaeda, từng nhiều lần tấn công khủng bố ở Indonesia.

Nguồn tin từ cơ quan điều tra tiết lộ nhóm này đã lên kế hoạch đánh bom liều chết ở thủ đô Jakarta cùng một số thành phố thuộc đảo Java, đảo Sumatra và đảo Borneo. Mục tiêu của bọn khủng bố là siêu thị, đồn cảnh sát, người Hồi giáo Shiite và “những kẻ thù của IS”.

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cảnh sát liên bang Úc đã cung cấp thông tin tình báo giúp an ninh Indonesia bắt giữ nhóm khủng bố này.

Đang đến thăm Indonesia, Bộ trưởng Tư pháp Úc George Brandis khẳng định cả Indonesia và Úc đều đối mặt với nguy cơ khủng bố và cần chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác an ninh.

Indonesia là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Từ năm 2000 đến 2009, các phần tử cực đoan Hồi giáo tổ chức nhiều vụ đánh bom lớn tại đây, bao gồm vụ đánh bom Bali năm 2002 khiến 202 người thiệt mạng.

Tình báo quốc tế ước tính thời gian qua đã có hơn 1.000 người Indonesia và Malaysia đến Syria và Iraq để gia nhập IS.

* IS muốn lập đế chế tầm xa tại Indonesia

Bộ trưởng Tư pháp Úc George Brandis cảnh báo rằng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang muốn lập ra một “đế chế tầm xa” tại Indonesia, đất nước có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới, Guardian đưa tin. 

“Nhóm phiến quân IS đang có nhiều tham vọng tăng cường sự hiện diện và mức độ hoạt động tại Indonesia với giấc mơ lập ra một đế chế tầm xa tại Indonesia”, Bộ trưởng Brandis cảnh báo trong cuộc gặp với các quan chức và cảnh sát Indonesia hôm thứ Hai (21/12).

Bộ trưởng Brandis nhận định nhóm khủng bố jihad đang là thách thức đối với Úc và phương Tây. “Các bạn đã từng nghe cụm từ đế chế tầm xa? Tổ chức khủng bố IS đã từng tuyên bố ý định thành lập nhiều đế chế bên ngoài khu vực Trung Đông. Hiện có các đế chế ở cấp độ tỉnh đang hoạt động. IS xác định Indonesia sẽ là địa điểm cho các tham vọng trên”, ông Brandis nhấn mạnh.

Hiện IS, vốn có liên quan tới học thuyết Hồi giáo dòng Sunni, đã tuyên bố các đế chế tại một số khu vực bên ngoài lãnh thổ Syria và miền bắc Iraq, khu vực mà lực lượng IS đang chiếm giữ một vùng diện tích rộng lớn.

Bộ trưởng Úc đưa ra lời cảnh báo trên sau khi cảnh sát Indonesia vừa triệt phá một âm mưu tấn công khủng bố tự sát tại thủ đô Jakarta, Indonesia và bắt giữ một số phần tử khủng bố liên quan đến tổ chức IS.

Sau 3 ngày vây bắt tại Java, hôm Chủ Nhật vừa qua cảnh sát Indonesia đã tịch thu nhiều vật liệu chất nổ, cờ của tổ chức IS và tiến hành 9 đợt bắt giữ. Mục tiêu của các tên khủng bố là nhằm vào các trung tâm mua sắm, đồn cảnh sát và các nhóm sắc tộc thiểu số tại Indonesia, cảnh sát trưởng Indonesia cho hay.

An ninh đã được thắt chặt trên toàn lãnh thổ Indonesia trong thời gian các bộ trưởng Úc và Indonesia nhóm họp ngày 21/12 nhằm tăng cường chia sẻ các thông tin tình báo, trong đó có việc chặn đứng nguồn tài chính cho lực lượng khủng bố. Sự kiện này diễn ra sau các cuộc thảo luận song phương tổ chức tại Sydney và Jakarta gần đây.

Theo tờ Guardian, mặc các nhà chức trách Úc cũng nhận định rằng rất ít cơ hội IS sẽ thiết lập đế chế tại Indonesia, nhưng họ lại lo ngại tổ chức khủng bố này có thể thành lập căn cứ lâu dài tại quần đảo này. Điều này cho phép IS tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở của Úc hay phương Tây tại Indonesia hoặc các khu vực lân cận.

Indonesia, quốc gia có dân số theo Hồi giáo đông nhất thế giới, đã từng chứng kiến một số cuộc tấn công khủng bố đẫm máu do tổ chức Hồi giáo tổ chức trong giai đoạn 2000-2009, trong đó có cuộc tấn công khủng bố tại đảo Bali vào năm 2002, khiến 202 người bị thiệt mạng.

Úc hiện đang rất lo ngại không kém về thách thức từ các nhóm khủng bố. Úc đã chặn đứng 6 âm mưu khủng bố trong năm qua, theo chính phủ Úc. Tuy nhiên, một số vụ tấn công khủng bố vẫn xảy ra tại Úc, trong đó có vụ gần đây vào tháng 10 năm nay sau khi một cảnh sát bị một phiến quân khủng bố 15 tuổi bắn chết trong khi tên này hô vang khẩu hiệu thánh chiến.

(Theo TTO - Dân Trí)

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hồi sinh những vùng đất ẩm để bảo vệ đa dạng sinh học

Hồi sinh những vùng đất ẩm để bảo vệ đa dạng sinh học

Trên những cao nguyên phủ sương của vùng Spa, thuộc khu vực Bérinzenne, nơi được mệnh danh là trái tim xanh của Bỉ, một dự án môi trường quy mô đang dần hình thành, mang theo hy vọng tái thiết hệ sinh thái tự nhiên vốn từng bị can thiệp bởi các hoạt động thoát nước và khai thác.

Đạp xe đi làm - hướng đi xanh của Hàn Quốc

Đạp xe đi làm - hướng đi xanh của Hàn Quốc

Đạp xe đi làm, theo dõi hành trình, tích điểm và có cơ hội chiến thắng, đồng thời chung tay chống biến đổi khí hậu – đây là ý tưởng đơn giản nhưng hiệu quả của “Thử thách Đạp xe đi làm” đầu tiên tại Hàn Quốc.

Giá gạo Nhật Bản lại 'phi mã' - Tốc độ tăng CPI lần đầu chậm lại sau 4 tháng

Giá gạo Nhật Bản lại 'phi mã' - Tốc độ tăng CPI lần đầu chậm lại sau 4 tháng

Theo số liệu chính thức công bố ngày 18/7, giá gạo tại Nhật Bản trong tháng 6 vừa qua đã tăng vọt 99,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một con số đáng báo động, tiếp tục gây thêm áp lực đối với Thủ tướng Shigeru Ishiba khi cuộc bầu cử Thượng viện dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.

Bỉ: Brussels hướng tới tương lai không khói xe

Bỉ: Brussels hướng tới tương lai không khói xe

Trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí đô thị, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ứng phó với biến đổi khí hậu, chính quyền vùng Brussels (Bỉ) đang tiếp tục triển khai lộ trình mở rộng Khu vực Phát thải thấp (LEZ – Low Emission Zone).

Chim cánh cụt có kỹ năng xác định dòng nước tinh vi vượt xa con người

Chim cánh cụt có kỹ năng xác định dòng nước tinh vi vượt xa con người

Khác với con người hay nhiều loài vật cần mốc thị giác để cảm nhận dòng chảy, chim cánh cụt Magellan có khả năng “đọc” dòng nước giữa đại dương mênh mông nơi hoàn toàn không có điểm tựa. Khi dòng chảy đại dương mạnh lên, chim cánh cụt Magellan sẽ thay đổi chiến thuật di chuyển để tiết kiệm năng lượng, thay vì bơi ngược dòng một cách tốn sức.

Trung Quốc siết chặt chế độ lái một bàn đạp trên ô tô điện vì an toàn

Trung Quốc siết chặt chế độ lái một bàn đạp trên ô tô điện vì an toàn

Chế độ lái một bàn đạp đã trở thành đặc trưng của xe điện (EV), cho phép người lái điều khiển tốc độ và thậm chí dừng xe chỉ bằng bàn đạp ga. Thao tác này giúp tái tạo năng lượng hiệu quả và được nhiều tài xế EV ưa chuộng. Tuy nhiên, một động thái mới từ các cơ quan quản lý Trung Quốc đang gây xôn xao toàn cầu, đặt ra câu hỏi về tương lai của tính năng này.

fb yt zl tw