IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ giảm xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
IEA cho biết, trong quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu đã chậm lại, xuống còn 1,7 triệu thùng/ngày từ mức 2,8 triệu thùng/ngày trong quý III/2023.
Theo giải thích của IEA, những khó khăn chung về kinh tế, cùng với các chính sách chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo mà nhiều nước đang thúc đẩy là hai trong số những lý do chính dẫn đến sự sụt giảm về nhu cầu.
Trong báo cáo hồi đầu tuần, IEA cho biết, việc sử dụng năng lượng tái tạo trong năm 2023 đã tăng thêm 50% so với năm 2022, đồng thời kêu gọi các nước cần đầu tư và sử dụng nhiều hơn nữa loại năng lượng này, góp phần thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, IEA nhận định nguồn cung dầu mỏ trên thế giới sẽ tiếp tục tăng do sản lượng khai thác kỷ lục của các nước như Mỹ, Brazil và Guyana.
Theo IEA, nguồn cung kỷ lục từ Mỹ, Brazil và Guyana cùng với sản lượng tăng từ các nước ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) ước tính sẽ nâng nguồn cung dầu thế giới thêm 1,5 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 103,5 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
IEA cũng lưu ý rằng, nguồn cung dầu mỏ trên thị trường toàn cầu có thể bị gián đoạn trong năm do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas cũng như tình hình an ninh ở Biển Đỏ.
Báo cáo mới nhất của IEA được đưa ra trong bối cảnh giá dầu sụt giảm mạnh, với giá dầu đã giảm hơn 20% so với mức cao nhất vào cuối tháng 9/2023 bất chấp xung đột và việc cắt giảm sản lượng từ OPEC.
Dự báo về nhu cầu dầu mỏ của IEA trái ngược với dự báo của OPEC. Trước đó, trong báo cáo hàng tháng được công bố ngày 17/1, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng ở mức 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024, không thay đổi so với dự đoán trong báo cáo tháng 12/2023.
OPEC cũng dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2025 dự kiến sẽ tăng mạnh ở mức 1,85 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, và đạt tổng cộng 106,21 triệu thùng/ngày, được duy trì nhờ hoạt động kinh tế vững chắc tiếp tục ở Trung Quốc và dự kiến tăng trưởng vững chắc ở các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại trong năm nay, bất chấp việc cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương, do hoạt động kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng chịu tác động của việc tăng lãi suất vào năm 2022 và 2023.