Hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu

Nhựa là loại vật liệu linh hoạt và được sử dụng rộng rãi, cho nên không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ gia tăng theo cấp số nhân, trong khi năng lực xử lý rác thải nhựa kém, đã gây ra những tác động nghiêm trọng đối với "sức khỏe" của hành tinh xanh. Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo cộng đồng quốc tế cần hành động trước khi quá muộn.

3.jpg
Rác thải nhựa đang tăng lên theo cấp số nhân trên toàn cầu.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoảng 500 triệu tấn nhựa được sản xuất trên thế giới mỗi năm và con số này dự kiến tăng gấp ba lần vào năm 2060. Sản phẩm nhựa không sử dụng được nữa sẽ đi về đâu là câu hỏi mà các tổ chức hoạt động vì môi trường thường xuyên đặt ra. UNEP ước tính, chỉ có khoảng 9% lượng rác thải nhựa được tái chế. Phần còn lại được xử lý bằng cách đốt, chôn lấp có kiểm soát hoặc không, tệ nhất là bị xả thẳng ra môi trường. Theo các nhà khoa học, một số loại nhựa có thể mất tới hàng trăm năm, thậm chí một nghìn năm mới có thể phân hủy.

Hậu quả mà rác thải nhựa gây ra với môi trường là rất nghiêm trọng. Rác thải nhựa khiến nỗ lực thích ứng biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi của hệ sinh thái gặp nhiều trở ngại hơn. Các hạt vi nhựa đi vào cơ thể, đe dọa sức khỏe con người và các loài động vật. Lo ngại này đã được đại diện Fiji chia sẻ bên lề Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) vừa qua. Dù không sản xuất bất kỳ loại nhựa nào, song Fiji vẫn phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa trôi dạt vào bờ biển quốc đảo Thái Bình Dương này.

Nhận thức rõ thách thức mà ô nhiễm nhựa đặt ra lâu nay, các quốc gia triển khai nhiều biện pháp ứng phó, như tái chế rác thải nhựa, loại bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần không cần thiết, nghiên cứu vật liệu thay thế bền vững… Theo UNEP, gần 130 quốc gia đã đưa ra các quy định liên quan nhựa dùng một lần. Ở tầm cao hơn, Liên hợp quốc năm 2022 thông qua một nghị quyết yêu cầu triệu tập Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC) nhằm xây dựng một văn bản ràng buộc pháp lý quốc tế về chống ô nhiễm nhựa. INC đặt mục tiêu đưa ra phương pháp toàn diện về toàn bộ vòng đời của nhựa, từ sản xuất, tiêu dùng đến thải loại, nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe con người trước những tác động tiêu cực.

Đã trải qua bốn vòng, song các cuộc đàm phán của INC vẫn chưa ngã ngũ, do bất đồng liên quan lợi ích của các bên. Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE),… kêu gọi hạn chế sản lượng nhựa. Các nhà sản xuất lớn lại cho rằng nên tránh đặt ra giới hạn sản xuất nhựa, mà cần tập trung quản lý rác thải nhựa và thúc đẩy tái chế. Khi khác biệt chưa thể hóa giải, UNEP kêu gọi các bên tập trung đạt đồng thuận về những vấn đề cấp bách, những quy định chi tiết có thể được hoàn thiện sau.

Tập trung tại thành phố Busan của Hàn Quốc trong tuần này, các đại biểu từ hơn 170 quốc gia tiến hành vòng đàm phán thứ năm. Theo kế hoạch của INC, đây là vòng đàm phán cuối cùng, tuy nhiên, triển vọng đạt thỏa thuận là khá mong manh, khi các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong thông điệp gửi đến vòng đàm phán mang tính quyết định này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol kêu gọi các quốc gia đoàn kết nhằm hoàn thiện một thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa, đề cao trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai.

Trong hàng nghìn thư từ trẻ em trên khắp Kenya gửi đến, một bức thư được Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen đọc tại vòng đàm phán INC này. Lời chia sẻ trong thư cho thấy thực trạng đáng quan ngại về tình trạng ô nhiễm nhựa lan rộng đang đe dọa cuộc sống, sinh kế của không chỉ người dân Kenya mà nhiều nơi khác trên thế giới. Vòng đàm phán thứ năm đánh dấu một nghìn ngày kể từ khi tiến trình tìm kiếm thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa được "bật đèn xanh". Nếu đạt được, thỏa thuận sẽ khởi đầu chặng đường hướng đến mục tiêu đầy tham vọng là chấm dứt ô nhiễm nhựa trên toàn cầu.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Syria

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Syria

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 5/12 cho rằng hiện có nhu cầu cấp thiết về việc tiếp cận nhân đạo ngay lập tức với toàn bộ dân thường đang cần hỗ trợ ở Syria và quay trở lại tiến trình chính trị do LHQ bảo trợ để chấm dứt tình trạng đổ máu ở quốc gia Trung Đông này.

Tăng tốc tìm kiếm hiệp ước đối phó đại dịch toàn cầu

Tăng tốc tìm kiếm hiệp ước đối phó đại dịch toàn cầu

Các cuộc đàm phán liên quan thỏa thuận toàn cầu về đại dịch được nối lại vào tháng 12/2024, nhằm sớm xây dựng nền tảng vững chắc để thế giới ứng phó hiệu quả các thách thức y tế trong tương lai. Giới quan sát kỳ vọng, các nhà đàm phán sẽ nắm cơ hội này để khơi thông thế bế tắc, giúp các nước “cán đích” trước thời hạn chót là tháng 5/2025.

Liên hợp quốc kêu gọi hành động để giúp đỡ người dân Gaza

Liên hợp quốc kêu gọi hành động để giúp đỡ người dân Gaza

Theo thông báo của Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn Palestine (UNRWA) ngày 1/12, hiện có trên 415.000 người dân Gaza di tản đang trú ẩn tại các trường học của cơ quan này. UNRWA cũng cho biết hàng trăm nghìn người khác đang phải sống trong điều kiện tồi tệ hơn tại những nơi trú ẩn tạm thời.

Cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, Australia tiên phong bảo vệ trẻ em trong môi trường trực tuyến

Cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, Australia tiên phong bảo vệ trẻ em trong môi trường trực tuyến

Australia vừa trở thành nước đầu tiên trên thế giới thông qua dự luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Với bước đi được đánh giá là quyết liệt chưa từng có, Australia tiên phong trong việc siết chặt các quy định liên quan các nền tảng số nhằm bảo vệ trẻ em trong môi trường trực tuyến.

fb yt zl tw