Sau khi được nâng cấp, mở rộng, sân bay Điện Biên đã có thể khai thác các dòng máy bay cỡ lớn hiện đại Airbus A320, A321. Với tần suất bay Hà Nội-Điện Biên 7 chuyến/tuần, Thành phố Hồ Chí Minh-Điện Biên 3 chuyến/tuần, lượng khách đi và đến Điện Biên đã tăng cao và ổn định.
"Sản lượng khai thác qua Cảng hàng không Điện Biên từ khi hoạt động trở lại (1/12/2023) đến ngày 31/3 đạt 906 lần-chuyến với tổng hành khách 69.900 khách (trong đó khách đi 34.911 khách; khách đến 34.989 khách)”, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết.
Cảng hàng không Điện Biên là công trình trọng điểm có ý nghĩa lớn về quốc phòng-an ninh, tạo đột phá về hạ tầng, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng.
Cảng hàng không Điện Biên là công trình trọng điểm có ý nghĩa lớn về quốc phòng-an ninh, tạo đột phá về hạ tầng.
Đặc biệt, năm 2024 là “Năm du lịch quốc gia Điện Biên”, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ước tính lượng khách sẽ tăng cao hơn nhiều. Cảng hàng không Điện Biên được nâng cấp, mở rộng, thuận tiện; cùng với việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, dịch vụ; mục tiêu đón 2 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025 của tỉnh Điện Biên hoàn toàn có thể thực hiện.
Tháng 3 vừa qua, một nhân chứng lịch sử Điện Biên Phủ đã thực hiện được nguyện vọng về thăm nơi đã diễn ra đám cưới của mình 70 năm trước. Đó là trường hợp Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản (94 tuổi), phu nhân của Trung tướng Cao Văn Khánh, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng danh tiếng lẫy lừng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông bà từng có một "đám cưới nổi tiếng", diễn ra ngay tại hầm Đờ Cát (hầm De Castries) chỉ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ ít ngày.
Với sự thuận lợi di chuyển khi có thể bay thẳng từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Điện Biên, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản đã đặt chân đến Điện Biên trong những ngày cả nước đang hướng về mảnh đất lịch sử.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản (94 tuổi), phu nhân của Trung tướng Cao Văn Khánh trên chuyến bay trở lại Điện Biên.
Nhiều hành khách từ các tỉnh Lai Châu, Sơn La cũng di chuyển đến Điện Biên Phủ để bay Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh, tạo không khí tấp nập hơn rất nhiều so trước đây. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không và chất lượng dịch vụ được ACV đặt lên hàng đầu.
Cảng hàng không Điện Biên được đầu tư các trang thiết bị mới, hiện đại sau khi nâng cấp, mở rộng, như hệ thống sinh trắc học, sử dụng căn cước công dân điện tử cho hành khách đi máy bay; trang thiết bị phục vụ mặt đất, trang thiết bị nhà ga... Sự phối hợp nhịp nhàng giữa hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Cảng hàng không Điện Biên đã góp phần tạo nên sự ổn định và được hành khách đánh giá cao kể từ khi sân bay hoạt động trở lại.
Hiện nay, lịch bay mùa hè vừa được hai hãng hàng không khai thác đường bay đi/đến Điện Biên là Vietnam Airlines và Vietjet Air công bố, tăng thêm tần suất chuyến bay, nâng số lên 42 chuyến/tuần.
Nhiều hành khách từ các tỉnh lân cận cũng di chuyển đến Điện Biên để bay Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh, tạo không khí tấp nập.
Tại Hội nghị giao ban công tác quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024 của Bộ Giao thông vận tải diễn ra chiều 1/4, thông tin về kết quả đầu tư hạ tầng giao thông, Chánh Văn phòng Bộ Uông Việt Dũng cho biết, qua theo dõi, đánh giá từ nhiều kênh khác nhau, các dự án, công trình giao thông thời gian vừa qua khi hoàn thành, đưa vào khai thác đã phát huy ngay hiệu quả, giúp thúc đẩy hoạt động vận tải, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm.
“Điển hình, khi Cảng hàng không Điện Biên đưa vào khai thác, đã giúp các loại máy bay tầm trung được cất hạ cánh trực tiếp, đồng thời có thể khai thác những đường bay dài đến Thành phố Hồ Chí Minh và các nước trong khu vực, vừa góp phần kết nối giao thông, thu hút đầu tư các tỉnh Tây Bắc, vừa tăng cường đảm bảo quốc phòng an ninh của khu vực. Thống kê cho thấy, sản lượng hành khách trong quý I thông qua sân bay Điện Biên tăng hơn 38% so cùng kỳ năm 2022 và tăng gần 77% so cùng kỳ năm 2021”, ông Uông Việt Dũng nhấn mạnh.