Theo báo cáo từ Chi cục Dân số - KHHGĐ, trong 6 tháng đầu năm có 2.852 trường hợp được khám sàng lọc trước sinh và 3.282 trường hợp được khám sàng lọc sơ sinh.
Huyện Si Ma Cai là địa phương thực hiện khám sàng lọc cao nhất với trên 80%.
Trong các trường hợp được khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã phát hiện 348 trường hợp trẻ có nguy cơ cao bị bệnh được quản lý, theo dõi, tư vấn; 26 trường hợp thai nhi có dị tật và bất thường khác.
Để tiếp tục thực hiện Đề án “Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh” hiệu quả, mạng lưới cung cấp dịch vụ đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động đã giúp người dân hiểu được lợi ích và tầm quan trọng của việc khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh, tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Sàng lọc trước sinh là việc sử dụng các biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi như: hội chứng Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh…
Sàng lọc sơ sinh là biện pháp dự phòng hiện đại. Bằng cách lấy máu gót chân ở trẻ sơ sinh từ ngày 2 đến ngày 6, tốt nhất 48 giờ sau sinh để tìm kiếm, phát hiện ra các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, cho phép phát hiện một số bệnh lý và tật, bệnh bẩm sinh như: thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và tử vong sớm do tan máu bẩm sinh…