Các cấp hội nông dân trong huyện Văn Bàn vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia từ khâu quy hoạch, xây dựng đến quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vận động nông dân đóng góp tiền, ngày công và làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi xã hội.
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, các hộ nông dân trên địa bàn huyện đã hiến hơn 48.000 m2 đất, góp hơn 30.000 ngày công, hơn 4 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác; hỗ trợ 439 hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Cùng với đó, hội viên, nông dân trong huyện tham gia làm mới 223,4 km đường giao thông nông thôn, kiên cố 155 cầu, cống; tu sửa, nạo vét hơn 135 km mương; làm mới 1.757 nhà tiêu hợp vệ sinh, 1.361 chuồng gia súc, 3.324 hố rác và lắp đặt 65 hầm, bể biogas.
Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự tham gia của người dân, trong đó có hội viên, nông dân, đến nay 100% xã trên địa bàn huyện Văn Bàn đã có điện lưới quốc gia, 195/195 thôn, bản có điện lưới quốc gia; 99,3% hộ được sử dụng điện lưới, 20/21 xã đạt chuẩn tiêu chí điện nông thôn; 100% xã có đường giao thông nông thôn được cứng hóa đến trung tâm thôn; 100% thôn có nhà văn hóa; 85% diện tích ruộng lúa nước đã chủ động được nước tưới tiêu; 98,5% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 88 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa.
Cũng như huyện Văn Bàn, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, cán bộ, hội viên hội nông dân các cấp huyện Bát Xát tích cực hiến đất, tiền của, góp công sức làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang nhà ở, xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi, làm nhà tiêu gắn với làm hầm, bể biogas. Hội viên, nông dân trong huyện đã đóng góp hơn 35.000 ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn và vệ sinh môi trường, hiến hơn 85.000 m2 đất làm đường giao thông và các công trình công cộng.
Không chỉ huyện Văn Bàn, huyện Bát Xát, mà tổ chức hội nông dân các địa phương trong tỉnh luôn tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua các hình thức như xây dựng mô hình “đường sạch, sáng đèn, nhiều hoa”; “đồng ruộng không rác”; “tuyến đường, hàng cây nông dân”…
Giai đoạn 2018 - 2023, hội viên, nông dân trong tỉnh đã hiến 30,5 ha đất làm đường giao thông và các công trình công cộng, đóng góp 113.447 công lao động; ủng hộ hơn 8,5 tỷ đồng; làm mới, sửa chữa, bảo dưỡng 1.880 km đường giao thông liên thôn; nạo vét, sửa chữa 5.365 km kênh mương; làm mới và sửa chữa 824 cầu, cống; xóa 8.612 nhà tạm; làm 29.519 chuồng trại nuôi nhốt gia súc; 23.157 nhà vệ sinh; 67.896 hố rác; tích cực tham gia trồng rừng, trồng cây xanh phân tán và chăm sóc “hàng cây nông dân”. Đến nay, số đường hoa nông thôn mới đạt 271 tuyến với tổng chiều dài 210 km tại 109 xã trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ các xã được thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đạt hơn 79%; có 95,04% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 85/127 xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Các cấp hội nông dân trong tỉnh luôn xác định hội viên, nông dân là chủ thể, là trung tâm của tiến trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Vì thế, trong thời gian tới, các cấp hội nông dân cần tiếp tục tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân gắn với huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới.