Theo đó, chuỗi liên kết trồng, chế biến, đóng gói cỏ ngọt được thực hiện 20 ha tại các huyện: Bảo Thắng 5 ha, Văn Bàn 5 ha, Bảo Yên 3 ha, Bát Xát 2 ha và thị xã Sa Pa 2 ha, thành phố Lào Cai 3 ha. Có 136 hộ nông dân thuộc các dân tộc Giáy, Dao, Tày, Mông và Sán Chay tham gia trồng; trong đó có 33 hộ nghèo, 40 hộ cận nghèo.
Tổng vốn hỗ trợ thực hiện trồng cây cỏ ngọt là hơn 7,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 45,7%; Liên hiệp Hợp tác xã dược liệu Lào Cai và các hợp tác xã, công ty đối ứng 54,3%.
Chuỗi liên kết được thực hiện giữa Liên hiệp Hợp tác xã dược liệu Lào Cai với 6 hợp tác xã và 1 công ty tại các huyện, thị xã, thành phố.
Chuỗi liên kết được triển khai giữa: người dân – hợp tác xã – liên hiệp HTX – doanh nghiệp, giúp các vùng tham gia cùng lúc cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới – giảm nghèo bền vững – vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Chuỗi liên kết sẽ tham gia kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chuyển đổi số, chương trình OCOP quốc gia và sản xuất chuỗi gắn với du lịch. Chuỗi liên kết khép kín làm tại chỗ từ giống - phân bón - chăm sóc - thu hoạch - chế biến - đóng gói ra sản phẩm dùng ngay, có bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử và xuất khẩu.
Cỏ ngọt là loại cây trồng lưu niên, tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc, thu hoạch chế biến; sử dụng lao động giản đơn và ít hơn các loại cây trồng khác; đầu tư ban đầu thấp, lại cho thu nhập cao, tận dụng được lao động dư thừa.
Thời vụ thu hoạch trao quyền cho người trồng, không phụ thuộc vào thời điểm thu hoạch sản phẩm như các cây trồng khác. Một năm thu từ 8 đến 10 lứa, sản phẩm sau thu hoạch chỉ cần phơi khô, tích trữ được trong thời gian dài, sản phẩm dễ tiêu thụ, xuất khẩu… nên đây là cây xóa đói, giảm nghèo và có tiềm năng để phát triển với quy mô lớn.