LCĐT - Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Bàn luôn tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo thêm việc làm và tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Bàn phối hợp với cán bộ hội phụ nữ xã giám sát nguồn vốn vay. |
Chị La Thị Tình, thôn Nà Lộc, xã Hòa Mạc là điển hình trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2017, chị được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng. Chị đã đầu tư máy móc sản xuất miến dong, mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 3 ha. Không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, mỗi năm, cơ sở sản xuất miến dong của chị Tình giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động, tiền công bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của gia đình sau khi trừ chi phí đạt 100 triệu đồng/năm. Chị Tình bộc bạch: Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Gia đình chị Triệu Thị Ton, thôn Khe Cóc, xã Nậm Tha cũng là hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Chị Ton cho biết: Cách đây hơn chục năm, gia đình tôi chuyển từ huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái về xã Nậm Tha định cư, phải mua đất làm nhà, ruộng, đồi canh tác. Năm 2019, thông qua Hội Phụ nữ xã, tôi được vay 35 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua quế giống về trồng và mua máy xay xát. Do sử dụng vốn vay hiệu quả, cuộc sống của gia đình chị Ton được cải thiện. Có vốn, chị đứng ra thu mua quế thương phẩm của người dân trong vùng, sau đó bán cho thương lái. “Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống” - chị Ton tâm sự.
Theo thống kê của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Bàn, trong năm 2021, có gần 700 lượt hộ vay vốn ủy thác qua tổ chức hội phụ nữ; doanh số cho vay hơn 21 tỷ đồng; tổng dư nợ Hội Phụ nữ huyện nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là hơn 108 tỷ đồng, với 2.750 hộ vay. Hội phụ nữ một số xã quản lý dư nợ cao như Dương Quỳ 10,3 tỷ đồng; Võ Lao 11,7 tỷ đồng; Chiềng Ken 7,8 tỷ đồng; Khánh Yên Hạ 6,7 tỷ đồng...
Từ nguồn vay tín dụng ưu đãi, nhiều phụ nữ mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. |
Đặc biệt, 22/22 xã, thị trấn của huyện Văn Bàn đều có tổ chức hội phụ nữ làm dịch vụ ủy thác, từ đó tạo thi đua với các tổ chức, đoàn thể khác. Hội Phụ nữ huyện đang quản lý 75 tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc giải ngân cho vay được Ngân hàng Chinh sách xã hội huyện triển khai tại các điểm giao dịch xã theo lịch giao dịch mỗi tháng/lần, giảm được chi phí đi lại cho khách hàng. Sau các đợt giải ngân, các cấp hội phụ nữ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn vay. Qua kiểm tra cho thấy, đa số hội viên đã sử dụng vốn đúng mục đích, vốn vay ngày càng phát huy hiệu quả. Đi đôi với giải ngân cho vay, việc thường xuyên nâng cao chất lượng tín dụng, thu nợ, thu lãi cũng được quan tâm, không để xảy ra các trường hợp chuyển nợ quá hạn, nợ lãi tồn đọng.
Thời gian tới, Hội Phụ nữ huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện làm tốt công tác cho vay, góp phần tăng trưởng dư nợ và nâng cao chất lượng dịch vụ ủy thác, để ngày càng có nhiều hội viên hội phụ nữ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.