LCĐT - Cách đây vài năm, lần đầu tiên đến Cao Sơn (Mường Khương), tôi đã được nghe kể về loại gà đen đặc sản, nhưng khi hỏi chuyện thì nhiều người dân địa phương cũng không biết vì sao loại gà này chỉ có ở núi rừng nơi đây.
Lộc trời ban
Cao Sơn ngày chợ phiên đông như hội. Cố chen trong dòng người đông đúc ấy, chúng tôi tìm đến khu bán gia cầm với hy vọng tìm thấy một chú gà đen lẫn trong những chiếc lồng gà người dân từ các thôn, bản mang đến chợ. Thầy giáo Thanh, quê Phú Thọ lên công tác ở đây cũng tranh thủ ra chợ tìm giống gà ấy. Thầy Thanh bảo: Không biết nghe ai nói mà mấy người bà con ở quê nhắn tin nhờ tôi tìm hộ đôi gà đen về nuôi gây giống. Tôi nghe nói ở thôn Sả Lùng Chéng còn vài nhà vẫn nuôi, nhưng chưa có điều kiện đến đó.
![]() |
Trưởng thôn Giàng Dính và "đàn gà thuốc". |
Để chắc chắn về thông tin này, chúng tôi tìm gặp Chủ tịch UBND xã Cao Sơn Thào Sáu hỏi thêm. Anh Sáu bảo, trước đây ở Cao Sơn hầu như thôn nào cũng có gà đen, nhưng nay thì chỉ có một số hộ ở thôn Sả Lùng Chéng gần thung lũng sông Xanh giữ được giống gà ấy. Ở đó, người dân vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ về giống gà bản địa này. Và chúng tôi háo hức tìm đến “thủ phủ gà đen”.
Mấy hôm nay trời Cao Sơn mưa như trút nước, đường vào Sả Lùng Chéng lại đang được sửa chữa nên thực sự là thử thách với những ai mới đến lần đầu như chúng tôi. Từ trung tâm xã đến Sả Lùng Chéng qua Lồ Suối Tủng, Lùng Chéng Nùng, Sảng Lùng Chéng chỉ hơn 10 cây số, nhưng chúng tôi mất cả tiếng đồng hồ. Nhà Trưởng thôn Giàng Dính nằm bên sườn núi, đứng từ đây phóng tầm mắt ra xa, qua thung lũng sông Xanh có thể thấy lờ mờ trong mây núi là nóc nhà tường trình của người Mông Sín Chéng, Nàn Sín (Si Ma Cai). Chẳng phải tìm đâu xa, anh Giàng Dính cầm trên tay một vốc ngô quãi ra bãi đất trống, đàn gà đang kiếm ăn trong những hốc đá, gốc cây quanh nhà chạy về tranh nhau nhặt thức ăn. Trưởng thôn Dính bảo, nhìn kỹ nhé cả đàn này chỉ có vài con gà đen thôi. Chỉ tay vào một con gà trống lông đen, tôi hỏi:
- Con này phải không?
- Con màu trắng ấy - Trưởng thôn Dính lắc đầu.
Ổ sao lạ vậy, thế mà từ trước đến nay cứ nói đến con gà đen Cao Sơn, tôi lại nghĩ ngay phải có lông đen chứ. Trưởng thôn Dính giải thích thêm, nói đến con gà đen Cao Sơn là nói đến con gà xương đen, người lạ mới nhìn thì không biết đâu. Anh nhìn kỹ sẽ thấy con lông trắng kia khác hẳn với các con còn lại ở cái mào tím thẫm và quầng mắt đen, phần da lộ ra dưới cánh gà cũng toàn màu đen. Rồi Trưởng thôn Dính kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đầy thú vị mà người dân Sả Lùng Chéng vẫn truyền tai nhau. Ngày ấy, ở thung lũng sông Xanh nhiều gà rừng lắm, gà trống rừng theo về tận chuồng, đuổi những con gà trống nhà chạy tan tác. Người dân trong làng sợ lắm, cùng nhau tìm thầy, chuẩn bị đồ tế, làm lễ cúng, mong thần linh về giúp xua đuổi con gà dữ kia. Nhưng có một già làng trong thôn chẳng tỏ vẻ sợ hãi, hằng ngày, ông lấy thóc, ngô cho con gà rừng ăn và bảo đấy là lộc trời! Và thật bất ngờ, mấy tháng sau, kết quả của “mối duyên” giữa gà rừng và gà nhà là những chú gà con đặc biệt ra đời. Những con gà lai khi nhỏ không khác gà nhà là mấy, nhưng càng lớn càng dễ phân biệt ở đôi chân nhỏ, dáng nhanh nhẹn, quầng mắt đen và mào tím thẫm, lạ hơn khi cả thịt và xương của chúng đều màu đen. Nhớ lại lời vị già làng năm xưa, người dân cùng bảo nhau chăm sóc và giữ gìn giống gà qúy ấy như là một báu vật trời ban cho mảnh đất này.
Giữ giống gà quý
Để những con gà đen không nhớ rừng mà bỏ đi, người dân Sả Lùng Chéng phải tìm cách tạo cho chúng môi trường sống tựa như trong rừng (họ tận dụng những khe đá làm chuồng nuôi, tìm chỗ cho chúng chạy nhảy, kiếm thức ăn tự nhiên). Từ những con gà rừng lai F1, những thế hệ gà rừng lai lần lượt ra đời và được người dân thuần hoá như những con gà nhà. Nghe câu chuyện thú vị về hậu duệ của gà rừng, chúng tôi tưởng tượng có lẽ trên những đỉnh núi, hốc đá, gốc cây xa xa kia vẫn còn đó những chú gà rừng và biết đâu đấy sẽ lại có những “mối lương duyên” thú vị giữa gà nhà và gà rừng lặp lại. Những con gà đen này được người dân chăm sóc đặc biệt bởi họ còn coi chúng như một phương thuốc quý. Trưởng thôn Dính bảo, từ nhỏ đã nghe nói gà xương đen có thể chữa được nhiều bệnh, đặc biệt, những người bị đau bụng mà không còn thuốc nào chữa được thì lấy mật của nó pha vào nước uống là khỏi. “Đấy là chỉ nghe kể thôi nhé, mình cũng chưa dám làm, bây giờ có bệnh mọi người đều đến trạm xá rồi” - Trưởng thôn Dính nói thêm.
![]() |
Thung lũng sông Xanh, nơi quần tụ của những người dân Sả Lùng Chéng. |
Nhưng tác dụng bồi bổ sức khoẻ cho người già, người ốm yếu thì có thật. Ông Giàng Sinh, một già làng trong thôn bảo: Từ trước đến nay, hễ trong thôn có người bị ốm bệnh, người ta lại tìm con gà xương đen nấu lên ăn tẩm bổ vài hôm là tan hết mệt mỏi, đôi chân lại cứng cáp, có thể vượt rừng, lội suối. Vì sợ mất giống gà này, nên nhiều năm qua, già làng Giàng Sinh làm lán trên núi, rồi mang theo mấy đôi gà đen lên đó nuôi. “Phải nuôi gần rừng nó mới thành “thuốc” được.”- ông Sinh bảo.
Cũng vì những lời đồn thổi về công dụng chữa “bách bệnh” của gà đen Sả Lùng Chéng, mà người dân khắp nơi tìm đến đây mua giống gà này. Nói đến đây, Trưởng thôn Giàng Dính thoáng chút buồn: Cứ thấy nhà nào có giống gà này là người ta tìm đến mua. Dần dần, ngay tại Sả Lùng Chéng, giống gà này cũng trở nên quý hiếm. Bây giờ, Sả Lùng Chéng chỉ còn vài hộ nuôi được gà đen. Tôi tìm cách gây giống nhưng khó lắm, vì chúng không chịu đẻ trứng ở nhà...
Cũng may, mặc dù không phải nhà nào cũng nuôi được gà đen, nhưng cái tiếng là đất gà đen đã giúp người dân Sả Lùng Chéng khá lên nhờ nuôi gà. Gà Sả Lùng Chéng bây giờ có mặt ở khắp các chợ phiên trong khu vực từ Cao Sơn, Lùng Khấu Nhin, Mường Khương đến Cốc Ly (Bắc Hà)… Trưởng thôn Giàng Dính bảo, thực ra gà thường với gà đen chất lượng cũng như nhau, vì nuôi ở đây chẳng khác gì gà rừng.
Chúng tôi mang câu chuyện về giống gà đen quý hiếm này có nguy cơ tuyệt chủng nói với Chủ tịch UBND xã Cao Sơn Thào Sáu, anh bảo chuyện này xã cũng đã nghĩ đến và vận động người dân tìm cách bảo tồn, nhưng khổ nỗi, cứ nghe ở đâu có là người dưới xuôi lên tìm cách mua bằng được. Nếu được ngành nông nghiệp hỗ trợ, xây dựng dự án khôi phục giống gà thì may ra mới thành công, chứ để người dân tự nuôi thì hễ có thương lái trả giá cao họ lại bán ngay.