Gợi ý hành trình vượt 30km chinh phục đỉnh Ky Quan San

Ky Quan San, hay thường được biết với tên gọi Bạch Mộc Lương Tử, tọa lạc tại khu vực ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Với độ cao khoảng 3.046m, Ky Quan San nổi tiếng với cảnh quan kỳ vĩ bậc nhất trong các đỉnh núi vùng Tây Bắc.

Một chuyến đi 3 ngày 2 đêm, vượt gần 30km đường hỗn hợp rừng, suối, thác, bình nguyên, thung lũng và những sống lưng “khủng long”… sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng khi chinh phục Ky Quan San.

Cách di chuyển đến núi Ky Quan San

Để đến được chân núi và bắt đầu chuyến hành trình, du khách cần di chuyển từ Sa Pa hoặc Lào Cai đến thị trấn Mường Hum. Tại đây, du khách tiếp tục di chuyển về hướng Y Tý thêm 6km nữa để đến được điểm ngã ba, rẽ vào bản Ky Quan San (Sàng Ma Sáo).

Đội xe ôm sẵn sàng chở khách vào chân núi.

Lưu ý, đoạn từ đường lớn DT 158 lên bản Ky Quan San rất xấu, nếu không tự tin về khả năng cầm lái, du khách có thể nhờ porter thuê xe ôm để chở vào điểm leo hoặc đi bộ khoảng 7km.

Độ khó khi chinh phục Ky Quan San thế nào?

Ky Quan San ngoài phong cảnh hùng vĩ ra thì độ khó của ngọn núi này cũng vào hàng thử thách đối với những nhà chinh phục. Có hai đường leo chính để chinh phục Ky Quan San là hướng Lào Cai (Sàng Ma Sáo) và hướng Lai Châu (Sin Suối Hồ). Tuy nhiên, hướng Lào Cai là hướng phổ biến hơn và cũng là hướng đi được tác giả lựa chọn trải nghiệm.

Một đoạn nghỉ dọc đường.

Để chinh phục ngọn núi này, cần thời gian ít nhất 2 đến 3 ngày, mỗi ngày sẽ mất 7-8 tiếng trekking, băng qua khoảng 30km đường đồi núi và rừng rậm xen kẽ. Chính vì quãng đường dài, độ dốc lớn và những bậc thềm đá cheo leo giữa lưng chừng trời không dành cho người sợ độ cao, đây thật sự là một thách thức cho những ai muốn chạm đến đỉnh chóp 3046m.

Lịch trình gợi ý chinh phục Ky Quan San

Ngày 1: Để tránh lên lán nghỉ lúc tối muộn, du khách cần xuất phát leo trước 10:00 giờ sáng. Sau khoảng 2 tiếng leo qua các con dốc ruộng bậc thang, khoảng 12:00 giờ – du khách có thể ăn trưa trong một khoảng rừng trúc ven đường.

Khởi động với đoạn dốc dài qua ruộng bậc thang.

Tiếp tục leo từ 13:00 giờ, du khách sẽ lần lượt đi qua các đoạn rừng rậm, suối thác, thung lũng, trảng cỏ xanh và các con dốc cao, nhưng đổi lại khung cảnh ngoạn mục ven đường.

Chiếc cầu gỗ bắt qua suối.

Hết leo lên rồi lại băng xuống một con dốc sâu.

Nếu đúng lịch trình, khoảng 17:00 hoặc 18:00 giờ du khách sẽ đến được lán nghỉ. Ky Quan San hiện có 3 khu lán, 2 lán dưới và 1 lán trên (lán núi Muối). Đẹp nhất là khu lán trên núi Muối, nhưng nếu du khách đến muộn và không kịp ở lán trên thì trải nghiệm đêm đầu tiên ở lán dưới cũng không tệ.

Lán nghỉ núi Muối – lán lớn nhất tại Ky Quan San và cũng có cảnh quan đẹp.

Ngày 2: Nếu muốn đón bình minh, du khách có thể leo lên núi Muối vào khoảng 5:30 đến 6:00 giờ, núi Muối và lán chỉ cách nhau 1 đoạn ngắn có thể đi bộ ra dễ dàng (hoặc leo từ lán dưới lên khoảng 15 phút). Sau khi đón bình minh xong, tầm 7:00 giờ, du khách có thể ăn sáng và tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh Ky Quan San (bỏ lại balo, chỉ mang nước và áo mưa lên đỉnh).

Đón bình minh rực rỡ trên đường leo lên đỉnh.

Đây sẽ là cung đường đẹp nhất trong cả hành trình khi du khách sẽ lần lượt băng qua “sống lưng khủng long” kỳ vĩ, hay dạo bước trên bình nguyên cỏ xanh nơi từng đàn trâu, dê nhẩn nha gặm cỏ. Sau đó, du khách sẽ có dịp đắm chìm trong khu rừng rêu ma mị, phủ đầy sương trắng khi gần lên đến đỉnh.

Cảnh quan ngoạn mục khi bắt đầu từ lán lên đỉnh.

Bắt đầu đến đoạn “sống lưng khủng long” hiểm trở.

Trên con đường ngoằn ngoèo bé xíu vắt ngang qua lưng đồi.

Đôi lúc du khách phải cần sự trợ giúp của porter.

Đi qua đoạn rừng rêu phủ sương trắng.

Và dạo bước trên thảo nguyên xanh chăn gia súc ở độ cao 2.700 m.

Cảnh vật mờ ảo khi càng lên cao sương càng phủ dày.

Sau 4 -5 tiếng nỗ lực, mọi cảm xúc sẽ vỡ òa khi đỉnh núi cuối cùng cũng hiện ra, đứng trên độ cao 3.046m, bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc khi đã vượt lên chính mình và chạm tay đến đỉnh chóp huyền thoại.

Cảm xúc khó tả khi chinh phục thành công đỉnh Ky Quan San – 3.046 m.

Đỉnh Ky Quan San có khoảng trống khá rộng rãi. Khoảng 12:00 giờ, du khách có thể ăn trưa tại đây và 13:00 giờ di chuyển trở về lán. Nếu trời không mưa, khách trekking có thể xuống lán nghỉ trước 17:00 giờ, tiếp tục đón hoàng hôn tại núi Muối và ăn uống nghỉ ngơi ở lán sau một ngày dài chinh phục thành công đỉnh Ky Quan San.

Trở về lán đón hoàng hôn.

Trên xích đu ngắm hoàng hôn.

Ngày 3: Nếu không muốn đón bình minh lần 2, du khách có thể cho phép mình “ngủ nướng” đến khoảng 8:00 giờ, sau đó thức dậy ăn sáng, soạn đồ và rời lán xuống núi lúc 9:00 giờ. Khoảng 11:30 đến 12:00 giờ ăn trưa ở giữa đường, sau đó tiếp tục theo đường cũ xuống núi, khoảng 15:00 giờ về đến chân núi kết thúc hành trình.

Một số điểm lý thú ở Ky Quan San

Nếu du khách chọn lối xuống về hướng Lai Châu, thì buổi sáng trước khi lên đỉnh, du khách cần mang theo tất cả hành lý balo, vì lối rẽ sang hướng Lai Châu ở khá gần đỉnh, nên khi từ đỉnh đi xuống du khách sẽ rẽ luôn sang hướng về Sin Suối Hồ thay vì về lán cũ.

Dọc đường leo Ky Quan San, đặc biệt tại “sống lưng khủng long” sẽ có vài trạm bán nước của những em bé và cụ già người Mông.

Sở dĩ núi Muối có tên gọi như vậy vì nơi đây ngày xưa là đồi chăn thả dê, người ta mang rất nhiều muối lên đây rải cho dê ăn – một hình thức “gây nghiện” cho dê, vì chúng không tìm được muối trong tự nhiên nên chỉ có thể quanh quẩn ở đồi ăn.

Lán núi Muối là một trong những lán có cảnh quan đẹp bậc nhất, nằm trên một quả đồi nhỏ lọt thỏm giữa tứ bề vách núi sừng sững, có hồ nước nhỏ in sắc mây trời, có xích đu, đỉnh chóp check-in và chiếc ghế gỗ ngồi ngắm mây. Dịch vụ ở lán có tắm nước nóng với giá 50.000 đồng/lượt và bán bia, nước ngọt. Lán ở đây khá rộng, chia thành nhiều khu và sức chứa có thể lên đến 100 người cùng lúc.

Nếu may mắn, du khách sẽ bắt gặp từ một đến vài chú chó ở chân núi (tại nhà người dân ở bản), theo chân du khách và đồng hành đến tận đỉnh núi – kiêm luôn vai trò dẫn đường.

Chuyên trang Sài Gòn Tiếp Thị

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Mùa xanh ở thung lũng Lâm Thượng

Mùa xanh ở thung lũng Lâm Thượng

Dưới nếp nhà sàn mộc mạc bên dòng suối mát, từ những cánh đồng tốt tươi chuyển mình theo mùa cho đến bữa cơm ấm áp trong điệu then ngọt ngào, văn hóa Tày ở thung lũng Lâm Thượng (Lào Cai) đang được giữ gìn và lan tỏa bởi chính những người con quê hương.

'Sống chậm' ở bản Sưng

'Sống chậm' ở bản Sưng

Có một nơi mà thời gian như ngưng đọng. Bước chân vội vã nơi phố thị dường như chẳng thể len lỏi tới được. Ở đó, người ta sống với núi rừng, với gió và nụ cười mộc mạc thuần hậu. Nơi ấy là xóm Sưng, nằm nép mình dưới chân núi Biều, xã Cao Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Chàng trai người Mông và giấc mơ “gắn sao” cho homestay

Chàng trai người Mông và giấc mơ “gắn sao” cho homestay

Vùng đất Mù Cang Chải sở hữu bức tranh thiên nhiên cuốn hút với cảnh ruộng bậc thang hùng vỹ, núi đồi trập trùng và nét văn hóa bản địa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông. Giữa bức tranh hùng vỹ ấy, có chàng trai người Mông đã ấp ủ và hiện thực hóa giấc mơ lớn lao. Đó là Thào A Su, sinh năm 1994, ở bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, tỉnh Yên Bái (cũ), nay thuộc xã Púng Luông, tỉnh Lào Cai.

Khách du lịch có xu hướng thích trải nghiệm với homestay

Khách du lịch có xu hướng thích trải nghiệm với homestay

Làn sóng dịch chuyển từ du lịch tiêu dùng sang du lịch trải nghiệm đang ngày càng rõ rệt. Đây không chỉ là bước ngoặt cho ngành du lịch cộng đồng, mà còn là cơ hội lớn để những bản làng giữ gìn hồn quê, phát triển, xây dựng bền vững các homestay.

Du lịch Lào Cai hứa hẹn bứt phá

Du lịch Lào Cai hứa hẹn bứt phá

Sáu tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Lào Cai tăng trưởng ấn tượng, thu hút hơn 8,7 triệu lượt du khách, doanh thu đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng. Từ ngày 1/7, sau khi sáp nhập, tỉnh Lào Cai mới được kỳ vọng tiếp tục trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc, hướng tới mục tiêu đón 16,5 triệu lượt du khách vào năm 2030.

Xây dựng hình ảnh du lịch từ tài nguyên văn hóa

Xây dựng hình ảnh du lịch từ tài nguyên văn hóa

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều du khách chọn Lào Cai để tham quan, nghỉ dưỡng, bởi cái họ tìm đến không chỉ là không khí trong lành, cảnh quan núi rừng hùng vĩ, mà còn là trải nghiệm văn hóa, điều mà không resort nào ở nơi khác có thể sao chép được.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thêm nhiều dư địa để đột phá

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thêm nhiều dư địa để đột phá

Việc hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn mở ra một không gian phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Với những tiềm năng, lợi thế được cộng hưởng, sự liên kết sẽ được hình thành, doanh nghiệp kỳ vọng có thêm động lực và cơ hội để vươn tầm.

Độc đáo vườn nho giữa hồ Thác Bà thu hút du khách

Độc đáo vườn nho giữa hồ Thác Bà thu hút du khách

Đến với Hồ Thác Bà (tỉnh Lào Cai), du khách không chỉ được đi trên những con thuyền để ngắm nhìn cảnh đẹp sông nước, thăm các nhà nổi nuôi cá lồng mà giờ đây còn được tận mắt ngắm nhìn, thu hái và thưởng thức những trái nho ngọt ngào.

Chạm vào bản Thái

Chạm vào bản Thái

Không ồn ào, nhưng lại đủ sâu lắng để chạm đến cảm xúc của bất kỳ ai từng một lần ghé qua. Đó là bản Thái - điểm đến giữa lòng xã Mù Cang Chải, tỉnh Lào Cai. Nơi đây, mỗi mái nhà sàn, mỗi triền ruộng bậc thang, mỗi gương mặt người bản địa đều mang hơi thở của núi rừng và nhịp sống riêng biệt. Khi đến, bạn không chỉ ngắm nhìn mà còn được chạm vào một miền văn hóa đang âm thầm tỏa hương.

fb yt zl tw