Gỡ vướng về cơ chế, chính sách để giảm áp lực nợ xấu

Trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng nhanh từ đầu năm, sau bão số 3 vừa qua, nguy cơ nợ xấu tăng lên tiếp tục hiện hữu khi dư nợ thiệt hại ước tính sơ bộ có thể lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Những yếu tố này càng khiến cho áp lực nợ xấu tại các ngân hàng gia tăng, đòi hỏi phải có thêm hướng tháo gỡ từ cơ chế, chính sách.

1-4693.jpg
Cán bộ tín dụng Agribank kiểm tra thiệt hại của khách hàng do bão số 3 để lên phương án hỗ trợ.

Nhấn mạnh về một số khó khăn, vướng mắc của hệ thống các tổ chức tín dụng thời điểm này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng cho biết, nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có xu hướng tăng, nguy cơ tăng sau khi tiếp tục chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Nợ xấu có xu hướng tăng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng ở mức 4,75%, tăng so với mức 4,55% vào cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022. Trong bối cảnh này, nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng tăng lên cũng rất lớn khi thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính đến nay, dư nợ thiệt hại bởi bão lụt tại các tỉnh phía bắc đã lên tới 115.000 tỷ đồng. Con số thiệt hại dự kiến còn tăng khi các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thống kê báo cáo, theo đó có thể đã lên tới 1% dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, về tổng nợ xấu nội bảng, nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6/2024 chiếm tỷ lệ 6,44% so với tổng dư nợ. Theo đánh giá từ Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), mặc dù tỷ lệ này giảm so với mức 6,9% vào cuối năm 2023, nhưng lại tăng so với mức 4,21% vào cuối năm 2022 và cao hơn so với tỷ lệ nợ xấu nội bảng 4,56% mà tổ chức tín dụng đang thực hiện phân loại theo quy định tại Thông tư số 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo Phó Cục trưởng Cục 4 (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng) Lê Trung Kiên, nguyên nhân nợ xấu tại một số tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong thời gian gần đây là do kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, xung đột địa chính trị tại nhiều quốc gia ngày càng căng thẳng, lạm phát tại một số quốc gia chưa được kiểm soát và tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, hoạt động kinh tế trong nước chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thiên tai, điều kiện sản xuất kinh doanh,…

“Điều này đã dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chưa phục hồi vững chắc, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng”, ông Lê Trung Kiên lý giải.

Chung quan điểm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, tình hình kinh tế-xã hội trên toàn cầu và các nước trong khu vực vẫn còn nhiều bất ổn,… từ đó kéo theo hoạt động của các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong công tác xử lý nợ xấu.

Tìm cơ chế tháo gỡ

Trước tình hình nợ xấu có nguy cơ tăng, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kéo dài thời gian cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ. Theo kiến nghị từ Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank Kim Byoungho, hiện nay, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống còn ở mức cao. Do đó, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, Chính phủ nên xem xét việc gia hạn hiệu lực của Thông tư số 06/2024/TT-NHNN về cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ tới sau ngày 31/12/2024 với các hướng dẫn cụ thể hơn về giãn, hoãn, thời hạn trả nợ.

Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cũng đánh giá: Nhìn lại thực tế vừa qua nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19, các Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, 02/2023/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành về cơ cấu lại, giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ phát huy khá hiệu quả trong việc hỗ trợ tức thời doanh nghiệp, người dân. Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Hưng kỳ vọng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét có thêm các chính sách hỗ trợ, trong đó có việc giãn, hoãn nợ để giúp doanh nghiệp giành được nguồn lực lớn, tập trung khắc phục thiệt hại do bão gây ra, sớm ổn định guồng sản xuất kinh doanh.

Tổng Giám đốc LPBank Hồ Nam Tiến đề xuất cân nhắc tiếp tục gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời bổ sung đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vào danh sách được hỗ trợ. Tương tự, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kéo dài cơ chế cơ cấu nợ, thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão, lũ lụt, trên cơ sở cân đối dòng tiền của khách hàng, không giới hạn thời điểm giải ngân, áp dụng đối với khoản nợ đến hạn trước ngày 30/6/2025.

Ngoài ra, theo ý kiến từ nhiều lãnh đạo tổ chức tín dụng, không chỉ nợ xấu tăng cao, việc thu hồi, xử lý nợ cũng đang ngày càng khó khăn trong bối cảnh Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực.

Số liệu của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho thấy, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 167.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 45,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, gần một nửa trong số đó là do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Việc thu giữ tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn.

“Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực thi hành, nhưng một số quy định không được kế thừa trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, nhất là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan công an, chính quyền địa phương trong việc thực thi quyền thu, giữ tài sản bảo đảm của chủ nợ”, một lãnh đạo ngân hàng thương mại chia sẻ.

Theo ghi nhận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu gặp một số vướng mắc chính liên quan đến quyền thu giữ, kê biên tài sản bảo đảm; thứ tự ưu tiên thanh toán đối với nguồn tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm; khó khăn trong việc áp dụng quy trình thủ tục rút gọn khi tố tụng tại tòa; khó khăn trong việc xử lý, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự; xử lý tài sản bảo đảm là cổ phần, cổ phiếu; xử lý các tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai… Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một cơ chế pháp lý đủ mạnh để cho phép bên nhận bảo đảm tiếp cận, thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Đại biểu Quốc hội lo ngại, nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì rủi ro về thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn có thể đội lên... Do đó, đề nghị phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ.

Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

Tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc) mới đây đăng bài viết với nhan đề “Tiêu dùng trực tuyến Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng”, dẫn báo cáo của hãng nghiên cứu dữ liệu Metric, cho thấy 3 quý đầu năm, doanh số của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so cùng kỳ năm ngoái.

"Quả ngọt" đơm hoa trên núi đá

"Quả ngọt" đơm hoa trên núi đá

Hơn 10 năm trước, anh Chấu Seo Câu ở thôn Sả Séng là người đầu tiên của xã Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương) chuyển đổi một số diện tích trồng ngô sang trồng quýt sen. Tới nay, gia đình anh Câu có hơn 4 ha quýt, với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, giá trị thu hoạch mỗi vụ đạt khoảng 200 triệu đồng. Hiện, gia đình anh Câu đã thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng khấm khá khiến nhiều người dân vùng cao ngưỡng mộ.

Nỗ lực nâng cao đời sống người dân

Nỗ lực nâng cao đời sống người dân

Quan tâm triển khai công tác đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tích cực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc vùng cao Si Ma Cai.

fbytzltw