Huyện Văn Bàn có 84,6% hộ là đồng bào dân tộc thiểu số với đời sống còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp và một phần từ kinh doanh, dịch vụ. Thiếu vốn là một trong những cản trở lớn nhất đối với người dân. Từ khi tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, người dân đã đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Vi Văn Trưởng ở thôn Làn 1, xã Khánh Yên Trung (huyện Văn Bàn) là điển hình trong sử dụng vốn vay hiệu quả tại địa phương chia sẻ: Năm 2017, gia đình tôi được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Số vốn này cùng tiền tích lũy của gia đình được tôi dùng để mua 15 con dê nuôi sinh sản. Sau hơn 1 năm, nhận thấy việc nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế nên tôi tăng số lượng và mở rộng diện tích trồng cỏ. Nhờ chăm sóc tốt, đàn dê sinh sản đều, có thể xuất bán liên tục. Từ tiền bán dê, tôi có điều kiện nuôi con ăn học, cuộc sống gia đình ổn định, kinh tế phát triển.
Không riêng gia đình ông Trưởng, tại huyện Văn Bàn đã có hàng nghìn hộ dân khác được vay vốn từ chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Tính đến hết tháng 9/2024, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn trên địa bàn huyện đạt hơn 140 tỷ đồng (chiếm 23,2% tổng dư nợ các chương trình vay), với 2.600 hộ đang dư nợ.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Bàn thông tin: Nhằm tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn, đơn vị phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương kịp thời nắm thông tin, hướng dẫn thủ tục vay cho các gia đình đủ điều kiện và giải ngân vốn kịp thời.
Tại thị xã Sa Pa, những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã đã khẳng định vị trí, vai trò, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương. Nguồn vốn ưu đãi đã tạo điều kiện cho nhiều hộ dân khó khăn có điều kiện sản xuất, kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống. Tổng dư nợ của chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 9 tháng năm 2024 đạt hơn 84 tỷ đồng, với hơn 1.600 hộ vay vốn. Vốn vay đã giúp người dân đầu tư nuôi cá, trâu sinh sản, trồng rau, dược liệu, phát triển du lịch...
Ông Đỗ Ngọc Long, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết: Đồng hành với các hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, từ ngày 8/8/2023, đơn vị đã đồng loạt nâng hạn mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/người (theo Quyết định 17/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) thay cho mức 50 triệu đồng/người như trước đây.
Việc nâng mức cho vay vốn đã tạo điều kiện để các hộ dân mở rộng sản xuất theo quy mô hàng hóa, kinh doanh đa dạng ngành nghề, từ đó cải thiện đời sống, tạo tiền đề xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng khó khăn.
Để chương trình vay vốn được triển khai hiệu quả, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền và các hội, đoàn thể kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân có nhu cầu được tiếp cận vốn vay.