Giới nghiên cứu: Virus gây bệnh đậu mùa khỉ đang biến đổi nhanh hơn bình thường

Theo giới nghiên cứu, biến thể mới của virus gây bệnh đậu mùa khỉ (mpox) được gọi là clade 1b lây lan ở CHDC Congo và các nước láng giềng đang biến đổi nhanh hơn dự đoán và thường xảy ra ở những khu vực thiếu nguồn lực để thực hiện các biện pháp giám sát và phòng ngừa dịch bệnh.

Hình ảnh virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Các nhà khoa học từ Mỹ, châu Âu và châu Phi cho rằng việc biến đổi như vậy cũng có nghĩa là sự biến đổi của virus, mức độ nghiêm trọng và cách thức virus lan truyền vẫn là “ẩn số”, do đó làm cản trở nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.

Bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở một số quốc gia châu Phi kể từ năm 1970. Tuy nhiên, hàng chục năm sau đó bệnh này chưa được cộng đồng khoa học và y tế công cộng lưu tâm cho đến khi bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trên phạm vi toàn cầu, buộc WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023. Đây là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra đối với một dịch bệnh. Sau đó, đến ngày 14/8 vừa qua, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu do bệnh mpox bùng phát ở các nước châu Phi với sự xuất hiện của biến thể clade 1b vốn gây quan ngại toàn cầu vì có khả năng lây lan nhanh chóng và có nguy cơ gây tử vong cao hơn.

Clade 1b là biến thể của chủng đặc hữu clade 1 gây bệnh đậu mùa khỉ. Chủng clade 1 lây nhiễm qua tiếp xúc với động vật mắc bệnh và chủng này đã gây ra các đợt bùng phát dịch trong phạm vi CHDC Congo trong hàng chục năm qua.

Bệnh thường gây ra các triệu chứng giống như cúm và các vết loét có mủ. Thông thường bệnh ở thể nhẹ, tuy nhiên vẫn có nguy cơ gây tử vong hay dẫn tới biến chứng nghiêm trọng đối với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ em, thai phụ và những người có hệ miễn dịch suy yếu, như những người có HIV.

Theo WHO, từ đầu năm đến nay, CHDC Congo đã ghi nhận hơn 18.000 ca nghi mắc chủng đặc hữu clade 1 và biến thể clade 1b của chủng này cùng với 615 trường hợp tử vong. Hồi tháng trước, đã có 222 trường hợp được xác nhận mắc biến thể clade 1b tại 4 quốc gia ở châu Phi. Cơ quan y tế Thụy Điển ngày 15/8 xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể clade 1b tại quốc gia châu Âu này. Đây cũng là trường hợp đầu tiên ở bên ngoài châu Phi nhiễm biến thể mới này của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Tiếp đó, ngày 22/8, Thái Lan đã xác nhận trường hợp được biết đến là ca đầu tiên ở châu Á nhiễm biến thể clade 1b của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Đây cũng là ca thứ hai nhiễm clade 1b được xác nhận bên ngoài châu Phi.

Ông Dimie Ogoina - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Đại học Niger Delta ở Nigeria đồng thời là Chủ tịch Ủy ban ứng phó khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ của WHO bày tỏ quan ngại về thực tế rằng virus dường như đang biến đổi và tạo ra những chủng mới. Ông Ogoina cho rằng nếu không nắm rõ được cách thức biến đổi của virus thì cộng đồng y tế sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến cách thức lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như các yếu tố rủi ro.

Giải trình tự gene của các ca nhiễm biến thể clade 1b, mà WHO ước tính xuất hiện vào giữa tháng 9/ 2023, cho thấy chúng mang một đột biến được gọi là APOBEC3 (một enzyme thuộc họ protein). Theo Tiến sĩ Miguel Paredes - chuyên nghiên cứu về quá trình biến đổi của virus gây bệnh đậu mùa khỉ tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchison (Mỹ), virus gây ra bệnh đậu mùa khỉ thường chậm đột biến, nhưng các đột biến do APOBEC thúc đẩy có thể làm tăng tốc quá trình tiến hóa của virus.

Theo ông Paredes, tất cả các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ lây từ người này sang người khác đều có dấu hiệu đột biến APOBEC nói trên, đồng nghĩa với việc virus gây bệnh đậu mùa khỉ đang đột biến nhanh hơn một chút so với những gì mà giới nghiên cứu dự đoán.

Theo Tiến sĩ Salim Abdool Karim - nhà nghiên cứu dịch tễ học ở Nam Phi đồng thời là Chủ tịch Ủy ban cố vấn bệnh đậu mùa khỉ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi, các biến thể clade 1b và clade 2b về cơ bản có thể được coi là một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hầu hết các trường hợp nhiễm đột biến thể clade 1b là ở người trưởng thành.

Virus cũng có thể lây lan qua tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Vì vậy, đó có thể là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em bị nhiễm biến thể clade 1b, đặc biệt là ở Burundi và trong các trại tị nạn ở miền Đông CHDC Congo, nơi điều kiện vệ sinh kém và môi trường sống đông đúc có thể đã khiến dịch bệnh lây lan nhanh.

Tuy nhiên, nhiều nước ở châu Phi cũng không có đủ trang thiết bị cần thiết để theo dõi và giám sát dịch bệnh. Các nhà khoa học theo dõi các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi cho biết họ thậm chí không có đủ các hóa chất cần thiết để làm xét nghiệm chẩn đoán. Trong khi đó, biến thể clade 1b có thể dễ dàng “lọt lưới” ngay cả phương pháp xét nghiệm này. Ngoài ra, khoảng 50% số trường hợp ở miền Đông CHDC Congo nơi biến thể clade 1b đang lưu hành, chỉ được các bác sĩ chẩn đoán mà không có xác nhận qua xét nghiệm.

Vì vậy, giới nghiên cứu kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế cũng như khu vực cần khẩn trương triển khai công tác nghiên cứu, lập kế hoạch ứng phó, bao gồm các chiến lược tiêm chủng, nếu không, nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh sẽ gặp không ít khó khăn.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Anh - ASEAN đẩy mạnh hợp tác về y tế

Anh - ASEAN đẩy mạnh hợp tác về y tế

Theo thông tin từ Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Anh đã chính thức khởi động chương trình Hợp tác An ninh y tế ASEAN - Anh (HSP) kéo dài 5 năm, nhằm tăng cường năng lực của ASEAN trong việc phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa đến sức khỏe.

Tuyên chiến với thuốc giả: Yêu cầu hành động toàn diện

Tuyên chiến với thuốc giả: Yêu cầu hành động toàn diện

Trước thực trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả ngày càng len lỏi vào hệ thống phân phối, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin vào ngành y tế, vấn đề đặt ra hiện nay là cuộc chiến chống thuốc giả, không chỉ là trách nhiệm hành chính. Đó là phép thử về năng lực quản lý, khả năng ứng dụng công nghệ và đặc biệt - là thước đo đạo lý của xã hội.

Lần đầu tiên Việt Nam có vaccine não mô cầu thế hệ mới không giới hạn độ tuổi tiêm

Lần đầu tiên Việt Nam có vaccine não mô cầu thế hệ mới không giới hạn độ tuổi tiêm

Ngày 4/7, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết, 230 trung tâm VNVC trên toàn quốc đã triển khai tiêm vaccine não mô cầu thế hệ mới MenACYW. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, vaccine phòng não mô cầu được chỉ định tiêm cho người lớn từ 56 tuổi trở lên.

Người dân yên tâm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sau sáp nhập

Người dân yên tâm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sau sáp nhập

Sau ngày 1/7/2025 thời điểm chính thức thành lập tỉnh Lào Cai mới trên cơ sở sáp nhập Lào Cai và Yên Bái, bộ máy chính quyền hai cấp đã nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định. Một trong những lĩnh vực được người dân đặc biệt quan tâm là quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT). Thực tế tại các cơ sở y tế cho thấy, công tác KCB diễn ra thông suốt, không bị gián đoạn, người dân hoàn toàn yên tâm khi đến khám, chữa bệnh bằng BHYT.

Hệ thống y tế tỉnh Lào Cai sau sáp nhập

Hệ thống y tế tỉnh Lào Cai sau sáp nhập

Sau hợp nhất, tỉnh Lào Cai (mới) sẽ có 40 đơn vị y tế công lập và 5 đơn vị y tế tư nhân. Trong đó, có 4 bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Bệnh viện đa khoa huyện, thành phố đã được đổi tên thành bệnh viện đa khoa khu vực; Trung tâm Y tế cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện được đổi tên và chuyển nguyên trạng về trực thuộc Sở Y tế. 

fb yt zl tw