NGƯỜI 3 LẦN ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ
Trong hồi ký của mình, ông Nguyễn Văn Lang, Giám đốc đầu tiên của Mỏ Apatit Lào Cai viết: “... Sau khi từ miền Nam tập kết ra miền Bắc năm 1955, anh cán bộ trẻ được mọi người gọi thân mật là “Lang đen”, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng được điều động về Bộ Công thương và được giao làm Trưởng ban thiết kế, xây dựng mỏ apatit Lào Cai, đồng thời kiêm giám đốc mỏ”.
Trong thời gian làm Giám đốc đầu tiên của mỏ apatit Lào Cai, ông Nguyễn Văn Lang vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ và trực tiếp nghe lời Người dạy.
Đặc biệt, ngày 23/9/1958 là kỷ niệm không bao giờ quên của ông Nguyễn Văn Lang khi ông được hướng dẫn trực tiếp Hồ Chủ tịch và phái đoàn Chính phủ thăm mỏ.
Sau khi nghe Giám đốc Nguyễn Văn Lang báo cáo khái quát quá trình xây dựng, phục hồi khai thác quặng apatít trong năm 1957 và 9 tháng năm 1958, Bác Hồ đã đi tham quan mỏ Cóc là khai trường đầu tiên khai thác quặng apatit. Rời khai trường, Bác cùng phái đoàn Chính phủ đến sân vận động, nơi công nhân, cán bộ mỏ, các chuyên gia Liên Xô và đồng bào các dân tộc gần vùng mỏ đã tề tựu đông đủ để đón Người.
Hồ Chủ tịch bước lên khán đài trong tiếng hoan hô vang dội của 1.000 cán bộ, công nhân mỏ và Nhân dân các dân tộc địa phương. Bác đã mời cụ Trần Văn Nỏ, người dân tộc Tày ở làng Hẻo có công phát hiện ra mỏ apatit năm 1924 lên ngồi cạnh Người.
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ tịch khen ngợi cán bộ, công nhân mỏ apatit Lào Cai đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, nhanh chóng phục hồi mỏ đưa vào sản xuất và ổn định đời sống. Bác cũng khen ngợi chị em công nhân mỏ đã làm được con đường từ làng Hang lên mỏ Cóc và Người đặt tên con đường đó là “Đường Phụ Nữ”.
Bác còn căn dặn đoàn viên, đảng viên phải gương mẫu, thanh niên phải là đầu tàu trong sản xuất, mỏ cần chú trọng phát triển đoàn viên, đảng viên, thường xuyên có mối quan hệ tốt với đồng bào các dân tộc địa phương.
Bác căn dặn mỏ phát triển sản xuất phải đi đôi với củng cố đội ngũ cán bộ, khai thác nhiều quặng apatit nhưng phải đảm bảo chất lượng.
Hồ Chủ tịch khen ngợi đoàn chuyên gia Liên Xô với tinh thần quốc tế cao cả đã tích cực và đầy nhiệt tình cách mạng, giúp đỡ nhanh chóng phục hồi và mở rộng mỏ apatit Lào Cai cho Việt Nam.
Nhân dịp này, Bác Hồ đã trao 5 chiếc Huy hiệu mang tên Người cho Giám đốc mỏ để tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc năm 1958.
Thay mặt cán bộ, công nhân mỏ và đồng bào địa phương, ông Nguyễn Văn Lang, Giám đốc mỏ hứa thực hiện nghiêm túc và đầy đủ những lời huấn thị của Hồ Chủ tịch.
Sau khi Bác tới thăm, Đảng ủy, Ban Giám đốc Mỏ Apatit Lào Cai đã phát động đợt thi đua làm theo lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với mỏ. Kết thúc năm 1958, mỏ hoàn thành vượt mức kế hoạch năm, trong đó xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến.
Nhận được báo cáo của Mỏ Apatit Lào Cai đã hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1958, đầu năm mới 1959, Hồ Chủ tịch gửi Thư khen ngợi và động viên cán bộ, công nhân vùng mỏ và đoàn chuyên gia Liên Xô đã làm đúng lời hứa với Bác khi tới thăm mỏ ngày 23/9/1958.
Lần thứ hai, trong thời gian dự họp trù bị Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng năm 1960 cùng Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai, Giám đốc Nguyễn Văn Lang có vinh dự được gặp Hồ Chủ tịch. Bác đã hỏi chuyện Giám đốc mỏ về công tác xây dựng Đảng và phong trào thi đua sản xuất, tổ chức tăng gia, cải thiện đời sống cho công nhân...
Nghe Giám đốc Nguyễn Văn Lang báo cáo xong, Bác rất vui và khen Mỏ Apatit Lào Cai làm được như thế là rất tốt.
Lần thứ ba, trong dịp học ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội, Giám đốc Mỏ Apatit Lào Cai Nguyễn Văn Lang có vinh dự được gặp Bác Hồ khi Người đến thăm nhà trường.
Trong lần gặp gỡ này, Bác Hồ căn dặn Giám đốc Nguyễn Văn Lang cố gắng học tập thật giỏi để sau này trở về lãnh đạo Mỏ Apatit Lào Cai hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, tiếp tục khai thác nhiều quặng apatit cho đất nước...
CA SỸ KHÁNH NGUYỆT 2 LẦN ĐƯỢC BIỂU DIỄN PHỤC VỤ BÁC Hồ
Bà Lương Khánh Nguyệt, nguyên nghệ sỹ Đoàn văn công tỉnh Lào Cai, hiện sinh sống ở thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) nhiều lần xúc động kể lại kỷ niệm lớn có vinh dự 2 lần được biểu diễn phục vụ Bác Hồ.
Lần thứ nhất, mùa xuân năm 1962, khi đó ca sỹ Lương Khánh Nguyệt vừa tròn 20 tuổi phấn khởi cùng anh chị em trong Đoàn văn công tỉnh Lào Cai xuống thủ đô Hà Nội tham gia Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.
Đặc biệt, 2 tác phẩm mà nghệ sỹ Lương Khánh Nguyệt cùng đoàn biểu diễn dự thi đã đoạt được giải cao, đó là Huy chương Vàng cho vai chính mà bà được biểu diễn trong nhạc cảnh “Tiễn anh đi khai hoang” và Huy chương Bạc đơn ca cho tác phẩm “Người Giáy ơn Đảng”.
Đoàn văn công tỉnh Lào Cai còn có vinh dự hơn là sau khi hội diễn kết thúc đã được mời vào Phủ Chủ tịch để hát phục vụ Bác Hồ và đoàn khách quốc tế đặc biệt đang thăm Việt Nam.
Ca sỹ Lương Khánh Nguyệt được phân công đơn ca bài “Người Giáy ơn Đảng” và khi bài hát kết thúc, Bác Hồ gọi nữ ca sỹ lại gần khen hát hay. Người thân tình như người cha nói chuyện với người con về gia đình, về công việc luyện tập hằng ngày của anh chị em Đoàn văn công tỉnh Lào Cai...
Năm 1964, Đoàn văn công tỉnh Lào Cai về Hà Nội tập huấn chuẩn bị sang tỉnh bạn Vân Nam (Trung Quốc) biểu diễn hữu nghị nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10. Vào đúng dịp Bác Hồ tiếp thân mật đại văn hào Trung Quốc Quách Mạt Nhược nên Đoàn văn công tỉnh Lào Cai được mời tới Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác và chào mừng khách quý Trung Quốc.
Đây là vinh dự lớn với ca sỹ Lương Khánh Nguyệt khi được hát cho Bác và nhà văn Quách Mạt Nhược nghe một ca khúc rất hay thời đó bằng tiếng Trung Quốc.
Biểu diễn xong bài hát, ca sỹ Lương Khánh Nguyệt trở xuống ngồi vào hàng ghế phía sau Bác Hồ và bà lại được Người ân cần động viên, thăm hỏi sức khỏe, đời sống của Đoàn văn công tỉnh Lào Cai trong thời gian xuống Hà Nội tập huấn. Bác còn khen ca sỹ Lương Khánh Nguyệt hát hay và hát rất chuẩn bài hát bằng tiếng Trung Quốc...
Gia đình nữ nghệ sỹ hiện lưu giữ một kỷ vật quý giá là tấm ảnh Bác Hồ chụp chung với Đoàn văn công tỉnh Lào Cai sau khi biểu diễn cho Người và khách quốc tế xem…