Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, doanh nghiệp, tập đoàn…
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước, trưởng các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt trong năm 2024, ngoại giao kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Qua các hoạt động trao đổi cấp cao và các cấp đã thúc đẩy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á. Cùng với đó đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, bên cạnh việc tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, triển khai quyết liệt việc tạo đột phá ở các thị trường mới, tiềm năng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra những giải pháp để làm tốt hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2025. Trong đó tập trung đánh giá kết quả triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024; xu hướng lớn của kinh tế thế giới năm 2025; cơ hội, thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp tạo bứt phá cho tăng trưởng trong năm 2025, đặc biệt trong việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, thương mại, du lịch và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn chú trọng trong đẩy mạnh ngoại giao kinh tế. Nhờ sự nỗ lực và phối hợp của các ngành, công tác ngoại giao kinh tế của tỉnh Lào Cai đã đạt được một số kết quả tích cực. Tỉnh luôn chú trọng củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đã thiết lập với các địa phương nước ngoài; duy trì và mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế khác, bao gồm các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao các nước và các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nước ngoài...
Năm 2024, tỉnh Lào Cai đã và đang tiếp tục triển khai công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại nhằm thu hút các nguồn lực bên ngoài; chủ động giới thiệu, quảng bá về tỉnh Lào Cai và vận động, thu hút đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là thu hút, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Tỉnh đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư đối với 2 dự án ODA lớn với tổng mức đầu tư lên đến 3.342 tỷ đồng; đề xuất dự án hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Yagi với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của KOICA (Hàn Quốc), dự kiến triển khai trong giai đoạn 2024 - 2027 với tổng mức đầu tư 4,5 triệu USD… Đặc biệt, trong năm 2024, với mối quan hệ tốt đẹp với các địa phương, các tổ chức nước ngoài của tỉnh, sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (YAGI), tỉnh Lào Cai đã nhận được sự chia sẻ và giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các địa phương, các tổ chức nước ngoài bằng những khoản viện trợ khẩn cấp.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương công tác ngoại giao nói chung, ngoại giao kinh tế nói riêng trong năm 2024.
Để làm tốt hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần bám sát nhu cầu trong và ngoài nước để triển khai ngoại giao kinh tế cho phù hợp, hiệu quả, toàn diện, sâu sắc; phối hợp chặt chẽ, chân thành giữa các cơ quan đại diện, địa phương và doanh nghiệp. Phải có tinh thần yêu nghề, yêu nước, trách nhiệm và thể hiện được sự chân thành, tin cậy với các đối tác. Đặc biệt cần đa dạng hóa các loại visa, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nhân, doanh nghiệp lớn nhập cảnh vào Việt Nam; xây dựng được thương hiệu, có vùng nguyên liệu lớn, ổn định; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng...