Gặp người trong bức ảnh“nụ cười chiến thắng”

LCĐT - Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1972 - 2022), Đoàn Cựu chiến binh Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Lào Cai tổ chức chuyến đi thăm lại chiến trường xưa.

Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh (thứ 2 từ trái sang) và nhà báo Đoàn Công Tính (thứ 3 từ trái sang) tại Điện Biên năm 2003.
Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh (thứ 2 từ trái sang) và nhà báo Đoàn Công Tính (thứ 3 từ trái sang) tại Điện Biên năm 2003.  

Đoàn đi có hơn chục người, hầu hết là anh em đã quen biết nhau từ khi còn ở Trường Sơn và cũng có người quen biết nhau trong hoạt động công tác hội, duy có một người mà nhiều anh em chưa được gặp. Để mọi người làm quen với nhau, Trưởng đoàn Phạm Văn Chiến giới thiệu: Đây là đồng chí Lê Xuân Chinh, người có mặt trong bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” do nhà báo Đoàn Công Tính, phóng viên Báo Quân đội Nhân dân chụp tháng 8/1972 tại Thành cổ Quảng Trị.

Nghe giới thiệu như vậy, mọi người ai cũng tỏ ra rất vui mừng vì được “mục sở thị” người có nụ cười chiến thắng trong chiến đấu gian khổ, ác liệt nơi Thành cổ Quảng Trị cách đây 50 năm. Riêng với tôi thì đây là dịp hiếm có để có thể tâm sự với Chinh đôi điều và thực sự tôi có được chuyến đi may mắn.

Trên xe, rất nhiều câu chuyện được kể từ những năm tháng gian khổ ác liệt ở Trường Sơn, ở các mặt trận, chuyện về với đời thường và cả những chuyện tiếu lâm thời hiện đại, làm cho tiếng cười hòa lẫn tiếng bánh xe quay thêm rộn ràng. Tôi để ý thấy đôi lần có anh em muốn Chinh kể về bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” nơi bom đạn ác liệt trong chiến dịch 81 ngày đêm trên Thành cổ Quảng Trị, nhưng Chinh chỉ khiêm tốn trả lời: Anh em biết cả rồi, tôi cũng như nhiều anh em khác, có gì đâu mà kể!

Khi vào đến Thành cổ Quảng Trị, tôi thấy nhiều nhân viên ở đây đón Chinh như đón người thân đi xa mới về. Chinh và họ không có khoảng cách. Tôi tìm hiểu sự việc thì được một cô hướng dẫn viên kể cho nghe: Chú Chinh và nhà báo Đoàn Công Tính đã được chương trình “Người đương thời” của VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam mời về thăm thành cổ vào tháng 6/2003. Cũng trong năm 2003, đạo diễn Trần Minh Đại đã xây dựng bộ phim “Nụ cười thành cổ” mà nhân vật chính là chú Chinh. Bộ phim đã được phát trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam. Ngoài ra, còn nhiều tờ báo, nhiều nhà làm phim mời chú Chinh về với thành cổ nên anh chị em ở đây ai cũng biết và thân quen với chú Chinh…

Tôi cùng mấy anh em đi thăm Bảo tàng Thành cổ. Bảo vật đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là bức ảnh “Nụ cười chiến thắng”, ngày ấy Lê Xuân Chinh mới 18 tuổi. Còn hôm nay anh đã ở tuổi ngót nghét 70 nhưng nhìn ảnh và người vẫn nhận ra được người có nụ cười tươi nhất là Lê Xuân Chinh.

Trong chuyến đi ấy, chúng tôi thăm lại nhiều địa chỉ đỏ như Làng Vây, Khe Sanh, Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn… Ở nghĩa trang nào cũng thấy Chinh quan sát từng ngôi mộ. Chắc rằng trong hàng vạn liệt sỹ an nghỉ tại các nghĩa trang, có những đồng đội của Chinh mà những lần đến trước Chinh chưa tìm thấy mộ phần.

Lê Xuân Chinh (người ngồi đầu) trong tấm ảnh “Nụ cười chiến thắng”. ảnh: Tư liệu
Lê Xuân Chinh (người ngồi đầu) trong tấm ảnh “Nụ cười chiến thắng”. ảnh: Tư liệu

Trên đường trở về, Lê Xuân Chinh kể cho tôi nghe về cuộc đời của mình. Chinh sinh năm 1954 tại thôn Phương Long, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Chinh nhập ngũ tháng 4/1971, được biên chế vào đơn vị thông tin, sau một thời gian huấn luyện được bổ sung vào E48, F320B tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Tháng 8/1972, Chinh nhận lệnh dẫn đường đưa nhà báo Đoàn Công Tính vượt sông Thạch Hãn vào mặt trận thành cổ. Đường đi vô cùng gian nan bởi thủy lôi, bom, đạn, khói lửa mù mịt, Chinh không khỏi lo lắng. Nỗi lo lớn nhất của Chinh là làm sao bảo vệ và đưa được nhà báo Đoàn Công Tính vào đến mặt trận an toàn.

Khi vào đến mặt trận, gặp một số chiến sỹ đang sửa lại hào chiến đấu sau những loạt pháo trước đó vài phút, mùi khói và thuốc pháo cháy còn khét lẹt, nhà báo Đoàn Công Tính động viên anh em dừng tay và cùng cười trong giây lát để nhà báo chụp một kiểu ảnh, trong đó có cả Lê Xuân Chinh. Chụp ảnh xong, các chiến sỹ tiếp tục chiến đấu trong mưa bom, bão đạn. Bức ảnh chụp có 5 chiến sỹ và được đặt tên là “Nụ cười chiến thắng” đã đăng trên báo Quân đội Nhân dân sau đó ít ngày (Chinh nghe kể lại). Trong số 5 chiến sỹ ấy hiện nay còn Chinh và đồng chí Thông đang sinh sống ở quê Hưng Yên. Nhiệm vụ được giao Chinh đã hoàn thành, tạm biệt nhà báo Đoàn Công Tính, Chinh lại trở về với nhiệm vụ của một chiến sỹ thông tin tiếp tục chiến đấu nơi thành cổ.

Trong chiến trận, chẳng ai nói trước được điều gì, cũng như Chinh cùng các đồng đội vượt qua gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ thì ngày 5/9/1972, Chinh bị thương và được đưa ra vùng Lệ Thủy (Quảng Bình) điều trị. Sau một thời gian, vết thương đã lành, Chinh lại trở về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ. Nhưng do sức khỏe của Chinh sa sút nên cuối năm 1974, Chinh ra quân, trở về quê hương. Năm 1980, Chinh cùng gia đình lên tỉnh Điện Biên xây dựng quê mới - tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên.

Ở quê mới, Chinh luôn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ và nụ cười chiến thắng nơi Thành cổ Quảng Trị năm xưa, dù khó khăn, thiếu thốn đến mấy, Chinh vẫn luôn nở nụ cười - “Nụ cười chiến thắng”.

                                                                                                            Tháng 4 năm 2022

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tự hào truyền thống - Hướng tới tương lai

Ý nghĩa chương trình "Tự hào truyền thống - hướng tới tương lai"

Ngày 18/4, Bảo tàng tỉnh Lào Cai phối hợp với Trường THCS Nam Cường, thành phố Lào Cai tổ chức chương trình trải nghiệm các phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc Lào Cai với chủ đề "Tự hào truyền thống - hướng tới tương lai" và giao lưu kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sôi nổi Ngày Sách và Văn hóa đọc tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám

Sôi nổi Ngày Sách và Văn hóa đọc tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám

Sáng 15/4, Trường THCS Hoàng Hoa Thám (thành phố Lào Cai) phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 với thông điệp: “Văn hóa đọc - kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” và “Đọc sách làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.

Người nổi tiếng phải có đạo đức

Người nổi tiếng phải có đạo đức

Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố, hoa hậu Thùy Tiên bị tạm hoãn xuất cảnh để điều tra vụ án liên quan đến việc sản xuất và quảng bá kẹo rau củ Kera. Không ít lần, công chúng cũng đã vạch trần, cơ quan chức năng đã xử phạt người nổi tiếng, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật nhưng dường như mọi hình phạt vẫn chưa đủ sức răn đe.

Phim hòa nhạc - cầu nối nghệ sĩ và công chúng

Phim hòa nhạc - cầu nối nghệ sĩ và công chúng

Không chỉ dừng ở những video âm nhạc “triệu view” hay tổ chức các concert “cháy vé”, ngày nay, những ngôi sao âm nhạc Việt Nam còn chứng minh sức ảnh hưởng thông qua sản xuất phim hòa nhạc. Câu chuyện âm nhạc được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh đã tạo nên cầu nối đặc biệt chạm đến trái tim khán giả.

Gợi mở thêm hướng đi cho nhiếp ảnh

Gợi mở thêm hướng đi cho nhiếp ảnh

Ngành nhiếp ảnh Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ cùng sự bùng nổ của công nghệ thông tin, song cũng đối mặt nhiều thách thức như định giá sản phẩm, bảo vệ bản quyền và cơ hội nghề nghiệp. Mới đây, mô hình Hợp tác xã Nhiếp ảnh và Ứng dụng đầu tiên đã hình thành tại thành phố Đà Nẵng. Nếu ý tưởng này thành công, hy vọng sẽ thúc đẩy phát triển lĩnh vực nhiếp ảnh một cách chuyên nghiệp, bền vững.

Thêm niềm vui sống từ yêu mến thơ ca

Thêm niềm vui sống từ yêu mến thơ ca

Đầu xuân, khi vùng núi cao Bắc Hà chìm trong sắc trắng mận Tam hoa, tôi tình cờ gặp bà Đặng Thị Nguyệt Ánh, 75 tuổi, ở tổ dân phố Bắc Hà 2, thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà tại Hội báo Xuân. Đối với người yêu thơ, thích đọc sách như bà Ánh thì đây chính là cơ hội để được thỏa mãn đam mê đọc và bổ sung kiến thức bổ ích từ những cuốn sách, tờ báo, tạp chí từ khắp mọi miền.

Phát huy di sản văn hóa dân tộc qua nghệ thuật biểu diễn

Phát huy di sản văn hóa dân tộc qua nghệ thuật biểu diễn

Nghệ thuật biểu diễn là một trong những hình thức để truyền tải thông điệp về di sản văn hóa dân tộc. Những năm qua, bằng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai đã tập trung xây dựng các chương trình, tiết mục nghệ thuật biểu diễn phục vụ Nhân dân, đồng thời quảng bá di sản văn hóa các dân tộc Lào Cai đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

fb yt zl tw