Theo Phys.org, các nhà khoa học Úc từ Đại học New South Wales đã đề xuất một giải pháp thay thế cho nhựa làm vật liệu bao gói. Vật liệu mới, được làm từ chất thải của các đồn điền chuối, không chỉ phân hủy được về mặt sinh học, mà còn thích hợp để tái sử dụng.
Hai nhà hóa học Jayashree Arcot và Martina Stenzel nhận thấy rằng khi trồng chuối, con người mới chỉ sử dụng có 12% sinh khối là quả. Phần còn lại thường bị bỏ đi sau khi thu hoạch. Chỉ một lượng nhỏ số đó được dùng vào sản xuất hàng dệt hoặc phân ủ. Vì các bộ phận của cây chuối như thân lá bị bỏ phí, nên lợi nhuận trồng chuối giảm đáng kể.
Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến thân cây chuối và quyết định sử dụng vật liệu do Vườn bách thảo hoàng gia Sydney để sản xuất nanocellulose. Vì thân cây chuối có 90% nước, do đó chất thải rắn cuối cùng được giảm xuống còn 10%. Họ mang thân cây đến phòng thí nghiệm và cắt nó thành từng mảnh, sấy khô ở nhiệt độ rất thấp trong lò và sau đó nghiền thành bột rất mịn.
Bột đó được rửa và xử lý hóa học. Kết quả là thu được nanocellulose, một vật liệu rất có giá trị với một loạt các ứng dụng. Đặc biệt, các nhà khoa học tin rằng nó có thể trở thành một nguồn thay thế cho bao bì thực phẩm dùng một lần.
Bây giờ loại vật liệu mà các nhà khoa học thu được có dạng tấm mỏng, tương tự như giấy bọc thực phẩm để nướng. Nhưng các nhà khoa học nói rằng, tùy thuộc vào mục đích, cellulose chuối có thể được sản xuất ở các dạng khác nhau. Vật liệu này không độc hại và khi vào đất, các thí nghiệm cho thấy nó bị phân hủy trong vòng 6 tháng. Vật liệu cũng có thể tái chế khi các nhà khoa học chứng minh rằng có thể tái chế tới 3 lần mà không có bất kỳ thay đổi nào về vật liệu.
Hiện tại, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu để phát triển các vật liệu mới từ chất thải ở các đồn điền trồng bông và lúa.