Nhiều sản phẩm còn chứa đựng những bí quyết sản xuất, chế biến có tuổi đời hàng trăm năm nhưng chưa được khai thác ở quy mô sản xuất hàng hóa và phát triển thị trường. Những sản phẩm này còn nhiều dư địa để thương mại hóa khi nhu cầu tiêu dùng xanh đang được người tiêu dùng hướng tới. Thời gian tới, rất cần sự hiệp lực của các cơ quan quản lý, các hiệp hội, doanh nghiệp, để từ đó hình thành chuỗi cung ứng bền vững cho các sản phẩm đặc trưng này.
Lợi thế đặc trưng và đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh
Từ nhiều năm nay, mô hình hệ sinh thái du lịch Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) đặt mục tiêu gắn kết các hộ đồng bào dân tộc Mông, bảo tồn, phát triển chè shan tuyết cổ thụ, kết hợp sản xuất, kinh doanh chè với phát triển du lịch. "Không gian văn hóa trà Suối Giàng” và hệ thống homestay đón khách đã tạo nên một không gian giao lưu văn hóa đầy sáng tạo, cũng như đưa sản phẩm chè shan tuyết cổ thụ tới gần hơn với du khách. Vùng đất Suối Giàng giờ không chỉ có chè shan tuyết cổ thụ mà còn có thêm cả du lịch. Mô hình đã hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao nhận thức cho hàng trăm người dân xã Suối Giàng trong việc xây dựng thương hiệu chè quốc gia, làm sản phẩm có chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cho hay, xu hướng của thế giới hiện nay là tiêu dùng hữu cơ, trong khi đồng bào dân tộc thiểu số rất coi trọng thiên nhiên. Kết hợp những yếu tố đó, Hợp tác xã xây dựng mô hình sinh thái hoàn toàn dựa trên những giá trị văn hóa cốt lõi, bền vững của bà con bản địa và đã có những thành công bước đầu. "Từ sản phẩm của một vùng đất nghèo, bằng chính chất lượng và giá trị, sản phẩm Đại Lão Vương Trà của Hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và đang trên lộ trình phấn đấu lên 5 sao, có chứng nhận ECOCERT, tiêu chuẩn ORGANIC của châu Âu, có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, có ISO trong sản xuất... tức là đã có "giấy thông hành" đi ra được 26 nước trên thế giới", ông Đào Đức Hiếu chia sẻ.
Công đoạn sơ chế chè shan tuyết.
Tương tự, tại Lạng Sơn, địa phương này có hơn 90 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao của 79 chủ thể, trong đó có những sản phẩm hết sức đặc thù như na Chi Lăng, hồng vành khuyên... được tiêu thụ rất tốt cả trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có nhiều sản phẩm đặc trưng như quýt vàng Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, hồng vành khuyên, na Chi Lăng, hoa hồi, thạch đen...
Thụ hưởng những chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương đối với việc phát triển thị trường sản phẩm, tỉnh Lạng Sơn cũng đã quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, xúc tiến và tìm đối tác để tìm đầu ra cho sản phẩm. Thời gian tới, Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ thông qua hoạt động văn hóa, du lịch và định hướng xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP tại những vùng du lịch trọng điểm, đặc biệt là thông qua các kênh thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Có thể thấy, thời gian qua, việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân. Sản xuất tại một số vùng có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đã có doanh nghiệp và người dân địa phương khai thác tốt lợi thế sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như bánh tam giác mạch Hà Giang, mận Bắc Hà (Lào Cai), miến dong Na Rì (Bắc Kạn), bún đỏ Đắk Lắk, cà phê chồn Gia Lai, trà Shanam Tà Xùa (Sơn La)... Nhiều đặc sản đã được đưa vào hệ thống phân phối có uy tín và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sa Pa, rượu sim Phú Quốc...
Theo bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), những sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều lợi thế, tiềm năng để thương mại hóa. Hàng hóa không chỉ đậm đà bản sắc dân tộc mà còn đáp ứng được xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững mà thế giới đang hết sức quan tâm. "Sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những viên ngọc quý thô đang cần được mài giũa để giới thiệu với người tiêu dùng", bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.
Xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung
Sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều lợi thế để thương mại hóa, nhưng thực tế cho thấy, việc kết nối, phát triển thị trường cho các sản phẩm này vẫn còn nhiều hạn chế. “Rào cản ngôn ngữ là vấn đề lớn nhất trong việc đưa bà con tiếp cận với những kiến thức thương mại”, bà Lê Việt Nga thông tin.
Từ thực tế của đơn vị phân phối, ông Trần Hoàng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Victoria Hà Nội cho hay, nhu cầu của thị trường hiện nay đối với các sản phẩm đặc sản vùng, miền và sản phẩm nông sản an toàn rất cao. Các kênh bán lẻ đang dành ưu tiên cho việc tiêu thụ các mặt hàng này, song khó khăn hiện nay là vấn đề sản lượng và chất lượng. Các nhà sản xuất khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vì vậy lượng hàng cung ứng thường bị đứt gãy hoặc gián đoạn. Cùng với đó là vấn đề vận chuyển còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng và gây hao hụt lớn đối với hàng hóa, nhất là mặt hàng rau lá, hoa quả...
Để sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, các ý kiến kiến nghị rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp. Theo đó, cần có giải pháp đồng bộ về mặt tổ chức, công nghệ và nhân lực nhằm thu hút bà con chung tay xây dựng các vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, phối hợp nâng cao năng lực sản xuất để cân đối cung-cầu; quan tâm đầu tư hỗ trợ công tác logistics, kho bãi... Bà Lê Việt Nga cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh nhóm giải pháp tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra tại các tỉnh, thành phố có những hoạt động về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhóm nhiệm vụ xây dựng, đầu tư mới và cải tạo mạng lưới chợ của đồng bào...