Dữ liệu chậm số hóa, hạ tầng rời rạc khiến chính quyền số bị "ghìm phanh"

Trong 6 tháng đầu năm 2025 triển khai Đề án 06, dù đã có nhiều kết quả to lớn, rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn không ít điểm nghẽn khiến hành trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt phục vụ chính quyền hai cấp bị ảnh hưởng.

Việc 45 nhiệm vụ trọng yếu chậm tiến độ không chỉ là biểu hiện của sự ì ạch của các bộ, ngành mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm chậm đà cải cách, ảnh hưởng trực tiếp tới niềm tin và trải nghiệm của người dân.

Điểm diện những nguy cơ

Thông tin tại Phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và Đề án 06, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 được Chính phủ tổ chức vào ngày 20/7 vừa qua, Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá, nhiều nhiệm vụ vẫn còn chậm, nợ đọng.

Cùng với nỗ lực xây dựng công dân số của Bộ Công an, các bộ, ngành cần phải gấp rút số hóa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ chính quyền hai cấp.
Cùng với nỗ lực xây dựng công dân số của Bộ Công an, các bộ, ngành cần phải gấp rút số hóa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ chính quyền hai cấp.

Cụ thể, đến nay còn 83 nhiệm vụ chậm tiến độ được giao tại các nghị quyết, chỉ thị, thông báo kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thuộc trách nhiệm của 9 bộ, ngành như Y tế, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Ngoại giao, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chủ động đăng ký nhu cầu kinh phí chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên cho các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) còn chậm, mới đạt 18%. Tiến độ số hóa, tái cấu trúc quy trình TTHC chưa có nhiều chuyển biến như: hình thức tiếp nhận TTHC vẫn theo địa giới hành chính; kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin với Cổng Dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các địa phương còn chưa thông suốt, liền mạch.

Cùng với đó, an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi còn chưa được quan tâm đúng mức và triển khai thiếu quyết liệt dẫn tới nguy cơ lộ lọt thông tin, mất an toàn hệ thống. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhất là nhân lực phục vụ vận hành chính quyền địa phương hai cấp tại nhiều nơi còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.

Các chuyên gia chuyển đổi số và công nghệ đánh giá, những điểm nghẽn trên được Thứ trưởng Bộ Công an chỉ ra rõ ràng đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Đơn cử như về dữ liệu, trong chuyển đổi số, dữ liệu là hạ tầng thiết yếu, là “điểm khởi đầu” cho mọi cải cách, là hệ thần kinh Trung ương cho chuyển đổi số, chính quyền hai cấp. Nhưng thực tế triển khai cho thấy, hệ thống CSDL quốc gia và chuyên ngành vẫn đang rời rạc, phân mảnh, thiếu kết nối. Với 4/11 CSDL quốc gia chưa có kế hoạch triển khai, 7/11 đang xây dựng nhưng tồn tại nhiều bất cập, nguy cơ các dịch vụ công quan trọng không thể tự động hóa là hoàn toàn hiện hữu.

Điển hình là CSDL đất đai được xem là trụ cột cho các dịch vụ xác nhận quyền sở hữu, kê khai thuế, cấp giấy chứng nhận đến cuối tháng 6/2025 vẫn chưa hoàn thành tại 200 đơn vị cấp huyện. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý Nhà nước mà còn cản trở cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý, gây tốn kém và phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tại phiên họp này, Thủ tướng cũng bày tỏ sự sốt ruột trước sự chậm trễ của các bộ, ngành trong công tác xây dựng các CSDL nhất là CSDL về đất đai…

Tương tự, CSDL hộ tịch dù đã số hóa 107 triệu dữ liệu, nhưng do không “sạch, sống”, người dân vẫn phải xuất trình bản sao khai sinh, giấy tờ công chứng trong khi các quốc gia phát triển đã hoàn toàn bỏ những quy trình này. Nếu không làm sạch, chuẩn hóa, liên thông dữ liệu thì việc số hóa này chỉ là hình thức, không có tác dụng nhiều trong cải cách, phục vụ TTHC bởi hệ thống dù “đẹp vỏ” vẫn “rỗng ruột”...

Quyết liệt từ người đứng đầu với những sản phẩm cụ thể

Thống kê của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 cho thấy, từ 1/7/2025 đến nay, gần 120.000 hồ sơ đã được tiếp nhận thông qua 25 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tuy nhiên, chỉ duy nhất dịch vụ đổi giấy phép lái xe được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Các dịch vụ còn lại vẫn buộc người dân phải nộp bản sao, chờ xác minh, ký tay tại UBND cấp xã.

Trong ba tuần đầu tháng 7, lãnh đạo các xã phải ký tới 40.000 bản sao hộ tịch, giấy khai sinh trong khi đó đây là một công việc hoàn toàn có thể bỏ nếu dữ liệu số được khai thác hiệu quả. Điều này cho thấy, ở nhiều bộ, ngành, CSDL chúng ta mới số hóa phần “vỏ”, còn phần “ruột” quy trình, nền tảng, dữ liệu vẫn thủ công, manh mún, thiếu kết nối và làm giàu được dữ liệu.

Tình trạng này gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả cải cách, và quan trọng hơn là có nguy cơ làm suy giảm niềm tin của người dân vào chính quyền số. Tại Hà Nội trong những ngày qua vẫn còn không ít người dân phải xếp hàng ở các Trung tâm hành chính công để làm TTHC. Nếu người dân vẫn phải xếp hàng, chờ đợi, đi lại dù đã có dịch vụ công trực tuyến, họ sẽ không còn mặn mà với chuyển đổi số.

Nghị quyết 57-NQ/TW đã xác định phát triển, khai thác dữ liệu số là động lực tăng trưởng mới, là yếu tố cốt lõi để hiện đại hóa quản trị quốc gia. Tuy nhiên, với tiến độ hiện nay khi 28/105 CSDL chưa triển khai, 45 nhiệm vụ bị chậm, và 15 TTHC chưa được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia thì mục tiêu này đang đối diện với nhiều thách thức.

Nếu không khẩn trương hành động, nguy cơ Nghị quyết 57 bị trì trệ ngay trong giai đoạn đầu là điều có thể xảy ra. Điều đó cũng đồng nghĩa, chính quyền hai cấp sẽ không phát huy được hiệu quả, thậm chí tạo ra các "lỗ hổng quản trị" mới vì thiếu liên thông dữ liệu, thiếu công cụ điều hành số.

Để tránh nguy cơ biến chuyển đổi số thành hình thức, rất cần hành động quyết liệt, trên tinh thần “6 rõ” từ các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Một trong rất nhiều nội dung Thủ tướng nhấn mạnh đó chính là vai trò trách nhiệm, sự quyết tâm, máu lửa của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương khi triển khai nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Đề án 06.

Thủ tướng gay gắt đánh giá vẫn còn tâm lý chưa làm đã sợ sai, sợ trách nhiệm đối với một số lãnh đạo khiến kết quả và mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong thực tế vẫn còn một khoảng cách. Khoảng cách này cần phải được lãnh đạo bộ, ngành, tập đoàn doanh nghiệp công nghệ thực hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa để phục vụ hai mục tiêu lớn đó là thông suốt, đồng bộ, hiệu quả của chính quyền hai cấp, chuyển đổi trạng thái từ hành chính quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ cho phát triển tăng trưởng kinh tế từ 8,3-8,5% trong năm 2025.

Thông tin với PV, Thiếu tướng Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 cho biết: Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo khẩn trương tích cực rà soát cập nhật và hoàn thành kế hoạch xây dựng 11 CSDL trọng yếu theo Kế hoạch 02 của Trung ương, với ưu tiên đặc biệt cho CSDL đất đai, hộ tịch, y tế, giáo dục các lĩnh vực gắn trực tiếp với dịch vụ công thiết yếu.

Cùng với đó xây dựng và thống nhất nền tảng số dùng chung, theo danh mục 55 nền tảng số đã ban hành tại Quyết định 1527. Cần chỉ đạo thống nhất chuẩn kỹ thuật giữa Trung ương và địa phương, tránh mỗi nơi một hệ thống. Hoàn thành tích hợp 15 TTHC còn chậm trên Cổng dịch vụ công quốc gia tránh tình trạng “nút cổ chai” làm trì hoãn toàn bộ tiến trình cải cách hành chính.

Ban hành cơ chế “bắt buộc nộp trực tuyến” với các dịch vụ đã đảm bảo dữ liệu để chuyển đổi hành vi người dân, doanh nghiệp từ thói quen “đến nộp” sang “ngồi bất cứ đâu cũng có thể làm được thủ tục”. Tăng cường công khai tiến độ triển khai của từng bộ, ngành, địa phương; gắn kết quả với đánh giá chỉ số cải cách hành chính, năng lực quản trị, kết quả thi đua khen thưởng. Chuyển đổi số không phải lựa chọn mà là xu thế không thể đảo ngược.

Chính quyền hai cấp, với kỳ vọng tinh gọn, hiệu quả, phục vụ tốt hơn, phải là nơi tiên phong triển khai dữ liệu số, dịch vụ số, quản trị số. Muốn vậy, không thể tiếp tục làm theo cách cũ, không thể trì hoãn thêm nữa. Dữ liệu phải đầy đủ, số hóa, nền tảng phải thống nhất, dịch vụ phải thực chất. Chỉ khi đó, Nghị quyết 57 mới đi vào cuộc sống, người dân mới thực sự được phục vụ bằng công nghệ chứ không phải bằng hành chính giấy tờ.

cand.com.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cần quyết liệt để hoàn thành bệnh án điện tử đúng tiến độ

Cần quyết liệt để hoàn thành bệnh án điện tử đúng tiến độ

Quá trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các bệnh viện đang bộc lộ những khó khăn, vướng mắc. Điều này đòi hỏi các đơn vị cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để kịp hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (chậm nhất đến hết ngày 30/9) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Công chứng điện tử - Bước chuyển mình cần thiết của lĩnh vực công chứng

Công chứng điện tử - Bước chuyển mình cần thiết của lĩnh vực công chứng

Trong hành trình xây dựng một xã hội số văn minh, với các chủ trương, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số toàn diện, các giao dịch trong nhiều lĩnh vực được đẩy nhanh tốc độ số hóa để xử lý minh bạch và chính xác thì lĩnh vực công chứng, vốn được xem là 'người gác cổng pháp lý' của hàng triệu giao dịch, hợp đồng mỗi năm ở Việt Nam đang từng bước thay đổi để phù hợp với thời cuộc.

Ứng dụng hiệu quả công nghệ số để kiểm soát hàng giả

Ứng dụng hiệu quả công nghệ số để kiểm soát hàng giả

Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp nhiều vụ sản xuất, mua bán sữa giả, thực phẩm chức năng giả, dầu ăn giả… đã bị lực lượng chức năng nhiều tỉnh, thành phố phát hiện, xử lý. Sự gian dối trong sản xuất, mua bán hàng hóa không chỉ dừng lại ở những hộp sữa giả hay thực phẩm chức năng kém chất lượng mà còn là những sản phẩm thiết yếu có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. 

Hội nghị đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2025 thực hiện Nghị quyết 57 - NQ/TW

Hội nghị đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2025 thực hiện Nghị quyết 57 - NQ/TW

Chiều 16/7, Ban Chỉ đạo Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Lào Cai (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2025 thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Phường Yên Bái thành lập 71 tổ công nghệ số cộng đồng

Phường Yên Bái thành lập 71 tổ công nghệ số cộng đồng

Với quyết tâm đưa công nghệ số đến gần hơn với mỗi người dân, phường Yên Bái (tỉnh Lào Cai) thành lập 71 tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các tổ dân phố trên địa bàn. Đây là bước đi đột phá, thể hiện sự chủ động và tiên phong của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, bắt đầu từ cấp cơ sở.

fb yt zl tw