Tiềm năng lớn của du lịch Việt Nam trong thời đại số
Theo mục tiêu trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế, thu hút 130 triệu lượt khách nội địa, góp phần tạo ra hơn 6.3 triệu việc làm, trong đó có 2.1 triệu việc làm trực tiếp .
Việt Nam đã khẳng định vị thế với các điểm đến nổi tiếng như vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, cố đô Huế, cùng nền văn hóa phong phú và con người hiếu khách. Tuy nhiên, để đạt được những con số ấn tượng trên và để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới, vai trò của chuyển đổi số là vô cùng quan trọng. Công nghệ không chỉ thay đổi cách quảng bá du lịch, mà còn giúp du khách dễ dàng tiếp cận các dịch vụ thông qua các nền tảng thông minh, từ đó tối ưu hóa trải nghiệm và thu hút thêm nhiều khách du lịch.
Thách thức trong tiến trình chuyển đổi số của du lịch Việt Nam
Con đường đến với thành công của du lịch Việt Nam trong thời đại 4.0 không hề dễ dàng. Dù Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, như thông qua các văn bản chiến lược quan trọng về phát triển du lịch, một trong những thách thức lớn nhất chính là sự rời rạc, thiếu đồng bộ trong việc việc số hóa và ứng dụng công nghệ tại từng địa phương.
Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam vẫn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động dựa trên kinh nghiệm và các mối quan hệ truyền thống. Theo một nghiên cứu từ Cisco & IDC năm 2020, mức độ trưởng thành về số hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam còn rất chưa cao, gây khó khăn cho việc chuyển đổi số toàn diện.
Ứng dụng công nghệ số - Hướng đi cho du lịch trong tương lai?
Trước những tiềm năng và thách thức trên, làm thế nào để Việt Nam có thể khai thác hiệu quả và bền vững các lợi thế của mình trong kỷ nguyên 4.0? Câu trả lời sẽ được các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ và du lịch chia sẻ tại tọa đàm "Du lịch Việt Nam 4.0: Khai phá tiềm năng và kết nối văn hóa".
Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Trần Minh Đạt - Giám đốc khối du lịch, Trung tâm công nghệ thông tin MobiFone và TS. Phạm Anh Tuấn - chuyên gia, dịch giả về chuyển đổi số, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều góc nhìn sâu sắc về những cơ hội mà chuyển đổi số mang lại cho ngành du lịch, cùng với các thách thức hiện hữu và các giải pháp để vượt qua.
Đây không chỉ là dịp để khán giả cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất trong ngành du lịch, mà còn là cơ hội để lắng nghe những chia sẻ từ các chuyên gia về cách Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, đồng thời lan tỏa hình ảnh đất nước, con người đến bạn bè quốc tế qua nền tảng du lịch thông minh được phát triển bởi MobiFone: Smart Travel.
Smart Travel được dự đoán là một trong những điểm sáng đáng chú ý trong những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch. Cụ thể, mục tiêu của Smart Travel đó là hướng tới thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, cho phép người dân địa phương tham gia vào một nền tảng du lịch số dùng chung, cải thiện trải nghiệm của du khách, tạo ra môi trường kết nối giữa du khách và các doanh nghiệp du lịch nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực sẵn có như chỗ ở, phương tiện di chuyển và các dịch vụ trải nghiệm. Sự tích hợp của AI và Big Data không chỉ cá nhân hóa trải nghiệm của du khách mà còn giúp bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa của Việt Nam.