Phía hạ lưu của Nhà máy thủy điện Ngòi Đường 2 thuộc địa phận xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) hiện có hơn 40 ha lúa và rau, màu đang được người dân canh tác. Những ngày giữa tháng 3, người dân 2 xã đã bắt tay vào cấy lúa vụ xuân năm 2024. Anh Mã Văn Vững ở thôn Cuống, xã Tả Phời cho biết: Nhà máy thủy điện thực hiện khá tốt việc xả nước cho người dân sản xuất.
Ông Ngô Văn Tiến, đại điện nhà máy cho biết: Nhà máy thủy điện Ngòi Đường 2 có công suất 5 MW. Mặc dù nhà máy chưa chạy hết công suất do thiếu nước nhưng vẫn luôn thực hiện tốt quy trình phối hợp giữa nhà máy với xã Tả Phời và xã Hợp Thành trong việc đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất, đồng thời tuân thủ quy định về dòng chảy tối thiểu là 0,18 m3/giây để duy trì dòng chảy và nguồn nước.
Nhà máy thủy điện Bắc Hà tại xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà) mặc dù rất khó khăn trong việc duy trì dòng chảy tối thiểu, nhất là vào mùa khô (từ tháng 11 năm trước tới tháng 4 năm sau), nhưng nhà máy vẫn cố gắng đảm bảo dòng chảy và phục vụ người dân vùng hạ lưu lấy nước sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hà, Quản đốc Phân xưởng vận hành nhà máy cho biết, hiện nay, cùng với việc duy trì dòng chảy tối thiểu qua tổ máy, nhà máy chỉ có thể chạy 2 máy phát điện với khoảng 4 - 6 giờ/ngày do lưu lượng nước về ít.
Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 67 dự án thủy điện đã vận hành phát điện. Theo quy định, UBND cấp tỉnh chỉ theo dõi, giám sát việc vận hành các công trình thủy điện có công suất dưới 2 MW (hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 công trình dưới 2 MW vận hành là thủy điện Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà; thủy điện Phú Mậu 2 - 3, huyện Văn Bàn), còn các thủy điện có công suất từ 2 MW trở lên thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Các thủy điện đã lắp đặt thiết bị, camera giám sát tự động, trực tuyến đối với các thông số lưu lượng khai thác, lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu và kết nối với hệ thống giám sát tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong quá trình theo dõi, giám sát, Cục Quản lý tài nguyên nước - đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao quản lý hệ thống giám sát - đã kịp thời phát hiện những thủy điện không đảm bảo việc xả nước và duy trì dòng chảy tối thiểu; tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý tài nguyên nước nhằm đôn đốc, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật của các dự án thủy điện trên địa bàn, đặc biệt là việc đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho Nhân dân ở các vùng hạ lưu. Hiện UBND tỉnh Lào Cai đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp tài khoản để truy cập hệ thống giám sát khai thác tài nguyên nước thuộc bộ quản lý sử dụng. Thông qua truy cập hệ thống giám sát tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, công tác theo dõi, giám sát việc xả dòng chảy tối thiểu của các thủy điện trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thực hiện giám sát thực tế. Cụ thể, qua giám sát thực tế năm 2023, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với 3 đơn vị về lĩnh vực tài nguyên nước, trong đó có 1 thủy điện khai thác vượt công suất so với giấy phép.
Bà Nguyễn Thị Vi Huế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để nâng cao công tác kiểm tra, giám sát đối với quá trình khai thác, sử dụng nước của các công trình thủy điện trên địa bàn, tỉnh đã lập danh sách và đưa vào kế hoạch kiểm tra năm 2024, đồng thời tiếp tục rà soát và kiểm tra đột xuất đối với những đơn vị thủy điện khác khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường trên hệ thống giám sát hoặc theo phản ánh của tổ chức, cá nhân.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, sở đã ban hành 10 văn bản đôn đốc đối với các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh, trong đó yêu cầu các chủ giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt phải đảm bảo về nội dung, thông số vận hành trong báo cáo tình hình khai thác, sử dụng nước.
Trong thời gian tới, ngành tài nguyên tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước, chính quyền các địa phương theo dõi, giám sát tình hình duy trì dòng chảy tối thiểu của các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh; đề xuất UBND tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023 và Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia…