Độc đáo chợ “5 nghìn” miền Tây Yên Bái

Không họp theo phiên như những chợ quê khác, chợ đặc biệt này bán những sản vật địa phương và hầu hết các mặt hàng được bán với cùng một giá: 5 nghìn đồng. Với sự độc, lạ, chợ “5 nghìn” thu hút người dân đến mua, bán và tạo nên một nét văn hóa miền núi phía Tây của tỉnh.
Chợ "5 nghìn” hình thành bên ven tuyến đường quốc lộ 32C thuộc địa bàn xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn. Hàng hóa chủ yếu được bày bán tại chợ là các loại rau, củ, quả mà đồng bào các dân tộc trong vùng tự trồng, hay hái lượm trong rừng, nổi tiếng ngon là rau cải nương, gừng củ, bí ngô, rau dớn, các loại lá uống, những món bánh của đồng bào dân tộc... 
Những người kinh doanh ở chợ này chủ yếu là người Mông, Thái, Tày vốn chân lấm tay bùn, có người trong số họ không biết chữ, có người không nói được tiếng phổ thông nhưng họ đã mạnh dạn đem các sản vật từ vườn nhà hay những sản vật của rừng đến bán tại chợ "5 nghìn”. 
Hàng tại chợ được bán theo một "quy ước” chung, nhiều năm trước là 3 nghìn, vài năm gần đây là 5 nghìn đồng, không hơn, không kém, không thêm, không bớt; ai có nhu cầu thì mua, không ép. Từ đó, chợ "5 nghìn” bắt đầu được biết đến bởi sự "độc, lạ” và thu hút nhiều người dân trong vùng đến bán - khách xa ghé mua. 
Bà Hoàng Thị Hưởng, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn - người buôn bán tại chợ "5 nghìn” chia sẻ: "Trước kia, bà con mình không biết buôn bán, làm ra củ sắn, bó rau là để ăn, nhiều thì đem cho nhau. Sau sản phẩm làm ra nhiều, ăn không hết, mình đem ra chợ bán kiếm tiền mua sắm thứ khác trang trải cuộc sống gia đình. Các loại rau, củ, quả được bán tại chợ là "hàng sạch”. 
Bà con mình tra cây rau, cây bí trên nương, không dùng hóa chất hay thuốc trừ sâu nên nhìn thì không được đẹp mã nhưng chất lượng thì đảm bảo an toàn”. Tiếng lành đồn xa, khách của chợ "5 nghìn” không chỉ còn là người dân trong vùng, trong huyện hay trong tỉnh mà cả những khách lạ ngược - xuôi qua đất này. 
Chị Lê Thị Hồng ở xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn tâm sự: "Mình thường xuyên đến mua rau, củ quả ở chợ "5 nghìn”, giá ở đây rẻ hơn ngoài chợ huyện. Các mặt hàng nông sản bà con làm ra đảm bảo sạch, chợ còn bán loại rau vừa lạ, ngon”. 
Theo thời gian, chợ "5 nghìn” có nhiều đổi thay, giá chung cũng không còn 5 nghìn nữa mà có những thay đổi theo giá trị của mặt hàng nhưng điều đáng quý từ chợ "5 nghìn” giúp nhiều hộ gia đình người Mông, người Thái, người Tày khu vực Đồng Khê, Suối Bu, Suối Giàng... của huyện Văn Chấn có thêm thu nhập ổn định, cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn. 
Bà Hoàng Thị Mơ, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn chia sẻ: Đã hơn 10 năm tôi bán hàng tại chợ với mặt hàng thuốc nam, các loại cây, lá uống tốt cho sức khỏe phải kiếm ở trên núi đá, rừng sâu mới có. Bán hàng ở chợ cũng nhiều năm, khách đến mua hàng nhiều, tôi luôn cảm thấy vui vì có những khách du lịch đã trở lại mua hàng nhiều lần làm quà cho người thân, bạn bè. 
Trải qua thời gian, chợ "5 nghìn” vẫn giữ được những nét bình dị, mang đậm đặc trưng của một vùng đất đa sắc màu dân tộc, dần trở thành một thương hiệu riêng có của huyện Văn Chấn. Không chỉ mang tính chất thương mại, chợ là địa chỉ thu hút khách du lịch, để thêm yêu đất và người Tây Bắc.
Thu Hiền

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc tại tỉnh Lào Cai về Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2026-2035

Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc tại tỉnh Lào Cai về Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2026-2035

Ngày 18/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát, làm việc với Sở Y tế tỉnh Lào Cai về Chương trình mục tiêu quốc gia chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp và sau hợp nhất.

Sinh viên Ngôn ngữ Anh lao đao thời trí tuệ nhân tạo

Sinh viên Ngôn ngữ Anh lao đao thời trí tuệ nhân tạo

Trong nhiều thập kỷ, ngành ngôn ngữ, đặc biệt Ngôn ngữ Anh, là biểu tượng của triển vọng nghề nghiệp, hội nhập toàn cầu và tri thức liên ngành. Tuy nhiên, bước sang thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), sinh viên ngành này phải đối mặt với nhiều thách thức.

Sùng A Cải với “ước mơ xanh”

Sùng A Cải với “ước mơ xanh”

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Văn Chấn, hơn 7 năm qua, chàng trai dân tộc Mông Sùng A Cải, sinh năm 1993, luôn kiên trì trên hành trình phủ xanh quê hương. Anh đang hiện thực hóa ước mơ “triệu cây xanh” để bảo vệ môi trường và thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc mình.

fb yt zl tw