Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý dự án và đồng chí Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đồng chủ trì diễn đàn.
Tham dự diễn đàn có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Quản lý dự án Nâng cao nhận thức, năng lực khởi nghiệp và chuyển đổi số Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; chuyên gia Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Quỹ Môi trường toàn cầu Liên hợp quốc; Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ (SGP); Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP); cán bộ Hội Nông dân tỉnh Lào Cai và hơn 100 đại biểu là cán bộ hội nông dân các huyện, thành phố, thị xã, giám đốc các hợp tác xã, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trong tỉnh.
Diễn đàn đã thông tin về vai trò nền nông nghiệp hiện nay; thực trạng sản xuất nông nghiệp trong và ngoài nước; chuyển đổi số trong nông nghiệp; chính sách về vai trò của hội nông dân trong hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo, chuyển đổi số, tham gia kinh tế số; nhận thức, năng lực khởi nghiệp, chuyển đổi số, tham gia chương trình OCOP của cán bộ, hội viên nông dân.
Thực hiện Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Lào Cai, đến nay, toàn tỉnh đã có 163 sản phẩm thuộc 81 chủ đề trên địa bàn 60 xã, phường, thị trấn được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai ngày càng được đầu tư nâng cấp được người tiêu dùng đón nhận; cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia OCOP ngày càng nhiều. Các sản phẩm OCOP được hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử, như laocaitrade.vn, xttmnongnghiep.laocai.gov.vn, lazada, shopee, voso, postmart.vn.
Năm 2023, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện 6 nội dung gồm: Triển khai chu trình OCOP thường niên; đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển sản phẩm; hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế; trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP để đạt được 10 mục tiêu đề ra.
Tại diễn đàn, đại diện các hợp tác xã đã tham luận về chủ đề “Nông dân khởi nghiệp, sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số thông qua những sản phẩm OCOP cho cán bộ, hội viên nông dân”.
Các đại biểu cho rằng, để hội nhập, nông dân phải biết tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiêu thụ; tham gia các sàn thương mại điện tử nhằm từng bước hội nhập thị trường toàn cầu với chi phí thấp nhất có thể... Chính vì vậy, các đại biểu đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức hội nông dân tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc về vốn, giống, vật tư và thị trường tiêu thụ nông sản.
Đại diện Ban Quản lý dự án Nâng cao nhận thức, năng lực khởi nghiệp và chuyển đổi số Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã trả lời, làm rõ những kiến nghị, đề xuất, đồng thời cung cấp cho nông dân những kiến thức, kỹ năng thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; các chính sách, giải pháp về vốn, đất đai giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.