Mô hình trồng cây ăn quả thu nhập hàng trăm triệu đồng ở xã Liên Minh (Sa Pa). Ảnh: Viết Vinh |
LCĐT - Hỗ trợ, thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp cho nông dân là nhiệm vụ quan trọng mà các cấp hội nông dân trong tỉnh luôn quan tâm.
Năm 1995, anh Đỗ Phú Chính rời quê hương Phúc Thọ, Hà Tây (nay là Hà Nội) lên lập nghiệp tại tổ dân phố 14, thị trấn Sa Pa (nay là tổ 2, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa). Trên vùng đất mới, anh Chính và gia đình vỡ đất trồng rau và su su. Rau ngon, quả ngọt nhưng không tìm được thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế không cao.
Đến năm 2010, nhận thấy du lịch Sa Pa đang trên đà phát triển, anh Chính tìm hiểu cách chiết cành, nhân giống cây hồng cổ Sa Pa và trồng được khoảng 200 cây. Sau 1 năm, cây phát triển tốt, anh lại nảy ra ý tưởng chuyển đổi làm du lịch bằng việc mở rộng diện tích trồng hồng cổ phục vụ khách tham quan, trải nghiệm. “Đầu năm 2012, tôi quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng su su (khoảng 2 ha) sang trồng hồng cổ. Thời điểm đó, cây hồng cổ Sa Pa được thị trường ưa chuộng và có nhiều người mua cây về chơi. Thấy vậy, tôi nhân giống cung cấp ra thị trường, mở thêm nhà hàng và mở rộng diện tích vườn hồng lấy tên “Vườn hồng Mộng Mơ” phục vụ nhu cầu ẩm thực, tạo điểm check-in cho khách tham quan, khám phá”, anh Chính tâm sự.
Điểm du lịch Vườn hồng Mộng mơ của anh Đỗ Phú Chính, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa. |
Sau 10 năm khởi nghiệp, hiện gia đình anh Chính sở hữu khoảng 3.000 gốc hồng cổ Sa Pa và 70 loài hoa hồng, trong đó có nhiều loại hồng cổ Việt Nam. Đặc biệt, tháng 5/2020, Vườn hồng Mộng Mơ được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch ở Sa Pa. Khu nhà hàng, vườn hoa hồng cổ của gia đình anh Chính mang lại nguồn thu 1,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 15 - 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng.
Trong thời gian tới, anh Chính dự định tập trung bảo tồn các loại hồng quý hiếm, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm từ hoa hồng như trà, tinh dầu hoa hồng...
Sinh ra từ vùng quê nghèo Nậm Đét (huyện Bắc Hà), cuộc sống của cả gia đình anh Triệu Phúc Vầy, dân tộc Dao chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô. Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ cây quế, nông dân Triệu Phúc Vầy quyết định khởi nghiệp từ cây trồng này. Anh chuyển toàn bộ đất trồng ngô sang trồng quế. Tuy nhiên, dù cây quế sinh trưởng và phát triển tốt nhưng giá trị không cao bởi toàn bộ sản phẩm chỉ bán ở dạng thô. Năm 2018, anh đứng ra thành lập Hợp tác xã Quế hữu cơ Nậm Đét với mục đích xây dựng vùng sản xuất quế hữu cơ và hợp tác với các công ty, doanh nghiệp để chế biến sản phẩm quế xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, châu Âu, đem lại thu nhập cao hơn cho người trồng quế ở đây.
Sau khi thành lập, hợp tác xã đã đầu tư nhà xưởng, kho bãi, máy móc… với quyết tâm xây dựng quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ quế khoa học, hướng đến phát triển bền vững. Hiện tại, hợp tác xã đang liên kết với gần 100 hộ trồng quế, tạo điều kiện để các hộ phát triển sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, sản lượng vỏ quế tươi do hợp tác xã thu mua đạt gần 800 tấn, hơn 40 tấn tinh dầu và gần 500 m3 gỗ quế; sản phẩm quế được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Đông và một số nước châu Âu, cho thu nhập hàng tỷ đồng. Anh Triệu Phúc Vầy nói: Muốn khởi nghiệp thành công, trước hết phải vượt lên chính mình, nắm được lợi thế và chọn hướng đầu tư đúng.
Không chỉ có mô hình khởi nghiệp của Đỗ Phú Chính, anh Triệu Phúc Vầy, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình nông dân khởi nghiệp thành công. Đó là mô hình Hợp tác xã Nông sản, dược liệu Mạnh Hương (xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) do nông dân Nguyễn Tiến Mạnh làm chủ, doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm; mô hình trồng thanh long ruột đỏ của nông dân Trần Văn Hiển (bản Minh Hải, xã Minh Tân, huyện Bảo Yên), doanh thu đạt 350 triệu đồng/năm; mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của nông dân Ngô Tiến Dũng (thôn Sín Chải, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai), doanh thu trên 800 triệu đồng/năm…
Khởi nghiệp thành công, ngoài nỗ lực của nông dân, còn có sự hỗ trợ của hội nông dân các cấp. Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền tới hội viên, nông dân về Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Kế hoạch hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; Đề án của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về nâng cao vai trò của hội nông dân trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, sáng tạo giai đoạn 2020 - 2025. Cùng với đó, hội nông dân các cấp đã thực hiện vai trò cầu nối, giới thiệu các mô hình khởi nghiệp đến với nông dân để thúc đẩy họ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp.
Vườn hồng Mộng Mơ được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch. |
Ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hỗ trợ nông dân khởi nghiệp là nhiệm vụ chính trị của tổ chức hội nông dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Đảng, đó là phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Do vậy, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, thúc đẩy hội viên, nông dân có thêm hoài bão, khát vọng khởi nghiệp, hoàn thiện các ý tưởng sản xuất, kinh doanh mới và tìm kiếm cơ hội đầu tư, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cùng với đó, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo... Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ: Nông dân khởi nghiệp, Doanh nhân nông dân, Nông dân tỷ phú, Nhà khoa học của nhà nông… để tạo sự lan tỏa, thu hút hội viên nông dân tham gia.